Saturday, May 11, 2024

 2024-05-10 

Vụ án ‘tiền bịt miệng’: Những điểm then chốt rút ra từ 4 tuần xét xử cựu TT Trump

 (Epoch Times, 10/5/2024)

Sau bốn tuần xét xử, các công tố viên cho thấy rằng phiên tòa hình sự đầu tiên xét xử một cựu tổng thống Mỹ sắp kết thúc.

Cựu Tổng thống (TT) Donald Trump bị Biện lý Quận Manhattan truy tố với 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh, thường là khinh tội, nhưng trong phiên tòa xét xử này, các công tố viên cáo buộc rằng các hồ sơ này được tạo ra để che đậy một âm mưu gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 và do đó tạo thành một trọng tội.

Trong tuần này, các lời khai đã trở nên sôi nổi, và lệnh bịt miệng cựu TT Trump vẫn còn hiệu lực, ngăn cản ông bình luận về những cáo buộc mới về tính cách của ông. Thẩm phán Tòa án Tối cao New York Juan Merchan xét thấy không có lý do nào để thu hẹp lệnh bịt miệng này mà theo đó cho phép cựu TT Trump bình luận về các lời khai. Bên cạnh đó, cơ quan phúc thẩm vẫn chưa đưa ra phán quyết về một kháng cáo lệnh bịt miệng của bên bào chữa. Cũng trong tuần này, bên bào chữa đã hai lần đệ trình kiến nghị yêu cầu tuyên bố một phiên tòa vô hiệu lực dựa trên lời khai của một nhân chứng quan trọng, nhưng thẩm phán đã bác bỏ cả hai kiến nghị đó.

Các bồi thẩm viên sẽ sớm phải quyết định xem liệu các công tố viên có chứng minh vượt ra ngoài sự nghi ngờ hợp lý rằng cựu TT Trump có liên quan đến việc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh như một phần của âm mưu gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 hay không — và họ có thể phải chứng minh được điều đó mà không cần có lời khai từ một số nhân vật chủ chốt.

Vụ án đang đến hồi kết

Hôm 10/05, các công tố viên nói với thẩm phán rằng họ dự định chỉ gọi thêm hai nhân chứng nữa.

“Tôi nghĩ hoàn toàn có thể khi chúng tôi sẽ được nghỉ ngơi vào cuối tuần sau,” luật sư công tố Joshua Steinglass cho biết hôm 10/05.

Điều này có nghĩa là phiên tòa xét xử vào tuần tới có thể sẽ kéo dài hơn một ngày để lấy lời khai của ông Michael Cohen, người đã đưa ra những tuyên bố ban đầu dẫn đến vụ án này. Hồ sơ được cho là bị làm sai lệch trong vụ án là 11 tấm chi phiếu mà ông Cohen nhận được cùng các hóa đơn, biên lai tương ứng cho những tấm chi phiếu này. Bên bào chữa [của ông Trump] cho biết ông Cohen đã được trả lệ phí luật sư, trong khi các công tố viên cáo buộc rằng việc phân loại các khoản thanh toán này thành chi phí pháp lý đã bị làm sai lệch nhằm che đậy các khoản thanh toán “tiền bịt miệng.”

Hôm 09/05, các luật sư trình bày trước tòa rằng các công tố viên không còn dự định gọi người mẫu Karen McDougal ra làm chứng nữa. Rất nhiều lời khai trước đó tập trung vào một thỏa thuận về việc không tiết lộ mà bà McDougal đã ký kết để trao quyền độc quyền cho American Media Inc đối với câu chuyện của bà về vụ ngoại tình được cho là với ông Donald Trump. Hợp đồng đó không liên quan đến những cáo buộc trong vụ án này, nhưng các công tố viên đã đưa ra như một tiền đề cho một thỏa thuận được ký kết giữa diễn viên phim người lớn Stephanie Clifford, được biết đến rộng rãi hơn với nghệ danh Stormy Daniels, và ông Cohen, vốn là nhân vật trọng tâm của các cáo buộc.

Cũng chưa rõ liệu cựu TT Trump có ra làm chứng hay không. Các công tố viên đã nói rằng nếu ông ra làm chứng, thì họ sẽ lấy lời khai trong các vụ án dân sự về gian lận và phỉ báng mới đây của cựu TT Trump mà ông đã thua trong cả hai vụ án này và hiện đang kháng cáo. Thẩm phán Merchan cũng ra lệnh rằng các công tố viên không thể thu thập lời khai về việc cựu TT Trump bị kết luận là xem thường tòa án vì những lần vi phạm lệnh bịt miệng, cho rằng điều đó sẽ gây rất bất lợi cho bị cáo.

Cựu Giám đốc tài chính Allen Weisselberg có thể vắng mặt

Vai trò của cựu Giám đốc tài chính (CFO) Allen Weisselberg tại Trump Organization rất quan trọng, vì ông đã ủy quyền thanh toán 420,000 USD cho ông Cohen theo từng tháng trong suốt năm 2017.

Các công tố viên đã đưa ra bằng chứng là một bản liệt kê giao dịch ngân hàng của ông Cohen cho thấy một khoản chuyển ngân 130,000 USD, và chữ viết tay trên bản liệt kê đó có ghi thêm nhiều khoản tiền khác nhau vào con số này để cho đủ tổng số tiền là 420,000 USD. Trong lời khai mở đầu, bên công tố lập luận rằng chính tay ông Weisselberg đã viết số tiền bịt miệng được cho là hoàn lại cho ông Cohen, và cho rằng khoản tăng rất lớn từ 130,000 USD lên 420,000 USD chính là bằng chứng cho thấy có một sự che đậy.

Nhưng hiện tại ông Weisselberg đang thụ án tù với 5 tháng tù giam vì tội khai man trong một vụ án dân sự kiện cựu TT Trump vốn đã được đưa ra xét xử vào mùa thu năm ngoái (2023).

Các công tố viên tìm cách đưa ra bằng chứng là thỏa thuận thôi việc của ông Weisselberg với Trump Organization, lập luận rằng thỏa thuận về việc giữ bảo mật và không làm mất uy tín mà ông đã ký này là lý do khiến ông không thể làm chứng cho phía chính phủ. Theo thỏa thuận thôi việc đó, ông Weisselberg được sắp xếp ​​sẽ nhận 750,000 USD trong ba lần thanh toán trong năm nay, và ông sẽ mất số tiền đó nếu vi phạm các điều khoản này.

Các luật sư bào chữa phản đối việc đưa ra thỏa thuận này để làm bằng chứng vì lý do đó, cho rằng sự vắng mặt của ông Weisselberg phức tạp hơn nhiều, liên quan đến thỏa thuận nhận tội khai man.

Bên bào chữa còn phản đối việc bên công tố quyết định không còn gọi ông Weisselberg ra làm chứng.

Hôm 10/05, luật sư bào chữa Emil Bove lập luận: “Chúng tôi không thể lấy lời khai mà lời khai đó sẽ có thể gây hoài nghi một số bằng chứng đã được đưa ra.”

Thẩm phán Merchan nói rằng ông muốn thấy rằng “một số nỗ lực đang được thực hiện để buộc ông ấy [Weisselberg] phải ra hầu tòa.”

“Đối với tôi, hiện tại có vẻ như chúng ta đang quá hấp tấp. Chúng tôi đang cố gắng giải thích tại sao ông ấy không có mặt ở đây, thay vì cố gắng hết mức để đưa ông ấy đến đây,” thẩm phán nói.

Thẩm phán Merchan đề nghị đưa ông Weisselberg lên bục nhân chứng mà không có sự hiện diện của bồi thẩm đoàn để thẩm phán có thể xem xét và xác định có phải ông Weisselberg không thể làm chứng hay không.

“Hiện giờ chúng ta chỉ đang suy đoán,” ông nói với các luật sư trước khi phiên tòa tạm ngừng hôm 10/05.

Lời khai lộn xộn sẽ gây bất lợi hay có lợi cho cựu TT Trump?

Tuần này, bà Clifford đã làm chứng trong suốt hai ngày. Các luật sư và thẩm phán đều nhận thấy bà là một nhân chứng “khó kiểm soát.” Bà thường xuyên trả lời các câu hỏi bằng lời bình luận chứ không trả lời trực tiếp câu hỏi và thường cung cấp những chi tiết “không cần thiết.”

Lời khai của bà về cuộc gặp gỡ vì mục đích tình dục được cho là giữa bà và ông Donald Trump vào năm 2006 đã được nói quá lên bằng những lời mô tả về việc bà cảm thấy sợ hãi như thế nào và giữa họ thiếu cân bằng về sức lôi cuốn như thế nào. Các luật sư bào chữa đã đệ trình kiến nghị yêu cầu tuyên bố một phiên tòa vô hiệu lực sau ngày lấy lời khai đầu tiên của bà, cho rằng những tuyên bố của bà là “vô cùng bất lợi” và sẽ ảnh hưởng đến bồi thẩm đoàn về các vấn đề vượt xa phạm vi cáo buộc về hồ sơ kinh doanh mà vụ án đang đề cập.

Thẩm phán Merchan đã bác bỏ kiến nghị này, và cho rằng các luật sư bào chữa có lỗi vì đã không phản đối nhiều hơn trong quá trình lấy lời khai. Ông nêu ra rằng mặc dù bên bào chữa không đưa ra phản đối nhưng chính ông đã can thiệp, cắt ngang một lời bình luận đề cập đến nhóm từ “bãi đậu xe kéo” mà bà Clifford cáo buộc rằng ông Trump đã nói về bà.

Ông nói rằng ông “không hiểu” tại sao bên bào chữa không phản đối một số chi tiết mà bà Clifford chia sẻ.

Sau ngày thứ hai lấy lời khai của bà Clifford, các luật sư bào chữa đã kiến nghị thu hẹp lệnh bịt miệng để cho phép cựu TT Trump đáp lại những cáo buộc mới mà bà Clifford đưa ra rằng cuộc gặp gỡ này có thể không có sự đồng thuận. Thẩm phán đã bác bỏ kiến nghị này, và cả kiến nghị tiếp theo sau đó trong đó bên bào chữa đưa ra yêu cầu tuyên bố một phiên tòa vô hiệu lực, đồng thời ông lại cho rằng các luật sư có lỗi vì đã không phản đối nhiều hơn và nêu ra rằng chính ông đã phải can thiệp.

Ông lưu ý rằng vì bên bào chữa không phản đối nên các công tố viên được phép theo đuổi hướng thẩm vấn đó. Các công tố viên đã lập luận rằng cần có một số chi tiết để xác định bà Clifford là một nhân chứng đáng tin cậy có thể kể một câu chuyện có thật.

Tuy nhiên, lời khai quá chi tiết của bà Clifford cũng có nhiều điểm mâu thuẫn, và các luật sư bào chữa đã tìm cách nêu bật những điểm này. Bên bào chữa muốn xác định bà Clifford là một kẻ cơ hội, và bà đã thay đổi câu chuyện và lập trường của mình trong nhiều năm qua để kiếm nhiều tiền hơn từ việc đó. Bà Clifford đã biện hộ cho sự thay đổi trong tuyên bố của mình là thực sự chính xác.

Bên ngoài phòng xử án, cựu TT Trump cho biết đây là một ngày “tiết lộ” tại tòa sau buổi cho lời khai của bà Clifford. Ông không màn đến những câu hỏi được hô lớn từ phía các phóng viên về việc liệu ông có bất mãn với năng lực của luật sư hay những suy nghĩ của họ về việc họ không phản đối một số lời khai nào đó hay không.

Thay vào đó, ông đã viện dẫn một xấp bài xã luận đã được in sẵn của các học giả và nhà bình luận pháp lý, nói rằng lời khai trong vụ án này đã vượt xa các cáo buộc về hồ sơ kinh doanh, cho thấy rằng các công tố viên “không có cơ sở pháp lý nào.”

“Mọi thứ mà quý vị đã và đang theo dõi đều không liên quan gì đến vụ án này, họ biết điều đó,” cựu TT Trump nói hôm 10/05. Ông dẫn lời một chuyên gia cho rằng lời khai như vậy đã “phản tác dụng một cách đáng chú ý.”

Kháng cáo lệnh bịt miệng

Trước lời khai của ông Cohen, các luật sư bào chữa cũng đã đệ trình một kiến nghị lên bộ phận phúc thẩm về lệnh bịt miệng.

Lệnh bịt miệng này cấm cựu TT Trump đưa ra tuyên bố về bất kỳ nhân chứng nào, bất kể họ là ai đi nữa. Các luật sư bào chữa đã lập luận rằng ông Cohen cần phải tuân thủ một lệnh bịt miệng, vì ông từng thu hút sự chú ý của công chúng và đã liên tục đăng tải cũng như nói chuyện công khai về cựu TT Trump và vụ án trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa xét xử.

Hôm 10/05, các luật sư bào chữa đã yêu cầu Thẩm phán Merchan cũng áp đặt một lệnh bịt miệng dành cho ông Cohen, lập luận rằng đã có một tiền lệ cho một án lệnh như vậy.

Các công tố viên cho biết họ đã nhiều lần chỉ thị cho tất cả các nhân chứng không được đưa ra phát ngôn trước công chúng, nhưng “thực tế là chúng tôi không kiểm soát được những gì họ nói.”

Thẩm phán Merchan yêu cầu các công tố viên nói với ông Cohen rằng tòa án đang yêu cầu ông hạn chế đưa ra bình luận trước công chúng về vụ án, nhưng chưa có một án lệnh chính thức nào.

Vào mùa thu năm ngoái, khi ông Cohen làm chứng trong một vụ án dân sự kiện cựu TT Trump, thẩm phán tòa sơ thẩm đã ra lệnh cho ông Cohen không được nói về lời khai của mình với bất kỳ ai sau khi ông trình diện trước tòa.

Trong tuần qua, cựu TT Trump đã liên tục đề cập đến lệnh bịt miệng của mình, khi các câu hỏi về lời khai và nhân chứng thường xuyên được đưa ra.

Một vài lần, ông nói với các phóng viên rằng ông muốn trả lời câu hỏi của họ nhưng không thể.

“Nếu tôi nói sai, thì họ sẽ tống giam tôi vào một nơi nào đó,” ông nói hôm 10/05. “Đối với thẩm phán này là như vậy vì ông ấy muốn chứng tỏ mình nghiêm khắc như thế nào.”

Thẩm phán xét rằng cựu TT Trump đã vi phạm lệnh bịt miệng 10 lần qua các bài đăng trên mạng xã hội và trang web tranh cử, mà những bài đăng này đã được gỡ xuống. Sau khi đưa ra mức phạt 1,000 USD cho mỗi lần vi phạm, ông cảnh báo cựu TT Trump rằng có vẻ như khoản tiền phạt này không có tác dụng răn đe, vì thế ông sẽ tính đến án tù khi các công tố viên yêu cầu nếu còn tiếp tục vi phạm.

Vấn đề phức tạp hơn nữa là sự thật rằng những phát ngôn bên ngoài phòng xử án không phải là tất cả những gì mà lệnh bịt miệng này cấm. Hôm 07/05, trong ngày lấy lời khai đầu tiên của bà Clifford, cựu TT Trump đã thể hiện biểu cảm trên khuôn mặt và đưa ra nhận xét với các luật sư của mình trong khi bà Clifford đứng trên bục nhân chứng.

Trong một cuộc tranh luận riêng với thẩm phán, các luật sư bào chữa được thông báo rằng họ nên yêu cầu thân chủ của mình không làm như vậy, vì thẩm phán có thể cho rằng hành vi đó cho thấy sự đe dọa sẽ vi phạm lệnh bịt miệng.

Khánh Ngọc biên dịch

 

 

 

 2025-01-21  Kết thúc của chấn động và kinh ngạc: Bộ Tư pháp đã đưa ra lập luận như thế nào về lệnh ân xá J6 (Jonathan Turley, 21/1/2025) Và...