2024-05-20
Chuyên gia pháp lý: Việc bổ nhiệm Biện lý Đặc biệt Jack Smith là vi phạm Hiến Pháp
(Catherine Yang, Epoch Times, 20/5/2024)
Vài ngày trước khi Tổng chưởng lý Merrick Garland bổ nhiệm Biện lý Đặc biệt Jack Smith để điều tra cựu Tổng thống Donald Trump, những chuyên gia đã và đang dõi theo các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc bổ nhiệm này. Ông Smith được bổ nhiệm ngày 18/011/2022.
Liệu việc bổ nhiệm một công tố viên trưởng “độc lập” có làm suy yếu chính vẻ ngoài độc lập khỏi chính trị của Bộ Tư pháp không? Liệu công tố viên mới được bổ nhiệm có làm vụ án tiến triển chậm chạp không?
Những lo ngại đó giờ đây đã thành hiện thực, mặc dù không phải vì những lý do đã được dự đoán trước.
Ngày 22/06, Thẩm phán Tòa án Địa hạt Hoa Kỳ Aileen Cannon sẽ nghe các tranh luận về một kiến nghị bác bỏ vụ kiện cựu Tổng thống Trump về tài liệu mật dựa trên việc bổ nhiệm biện lý đặc biệt một cách bất hợp pháp. Những chuyên gia đưa ra giả định pháp lý này nói với The Epoch Times rằng họ dự định tham gia với cách là bên thân hữu của tòa án (amici curiae).
Biện lý đặc biệt được bổ nhiệm để làm gì?
Các tổng chưởng lý đã và đang thuê các biện lý đặc biệt kể từ trước khi Bộ Tư pháp được thành lập vào năm 1870, thông qua một đạo luật đặt ra các rào cản một cách cụ thể về việc thuê và trả lương cho các luật sư bên ngoài làm biện lý đặc biệt.
Một thế kỷ sau, với vụ bê bối Watergate, Quốc hội quyết định cần có một công tố viên thực sự độc lập để điều tra các nhân sự cấp cao của nhánh hành pháp, kể cả tổng thống. Năm 1978, Quốc hội đã thông qua một dự luật đạo đức thành lập Văn phòng Biện lý Độc lập.
Mặc dù còn gây tranh cãi, nhưng luật này đã được cải tổ và phê chuẩn lại nhiều lần trước khi Quốc hội để cho hết hạn vào năm 1999.
Ngay trước khi hết hạn, Bộ Tư pháp dưới quyền của Tổng chưởng lý Janet Reno đã tạo ra bộ quy định riêng của bộ cho việc bổ nhiệm một biện lý đặc biệt.
Bộ này xác định rằng tổng chưởng lý có thể bổ nhiệm một biện lý đặc biệt nếu một vụ việc “có thể gây ra xung đột lợi ích cho Bộ hoặc các trường hợp đặc biệt khác,” sau đó chỉ thị cho tổng chưởng lý chọn một người nào đó “bên ngoài Chính phủ Hoa Kỳ.”
Trong vài năm nay, Bộ Tư pháp đã phát hiện ra nhiều “tình huống bất thường.”
Năm 2017, Tổng chưởng lý Rod Rosenstein lâm thời đã bổ nhiệm Biện lý Đặc biệt Robert Mueller để điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Năm 2020, Tổng chưởng lý William Barr bổ nhiệm Biện lý Đặc biệt John Durham để điều tra xem liệu nhân viên liên bang có vi phạm luật trong khi điều tra cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 hay không.
Năm 2022, ông Smith được bổ nhiệm để điều tra các vấn đề liên quan đến cựu Tổng thống Trump.
Năm 2023, Biện lý Đặc biệt Robert Hur được bổ nhiệm để điều tra việc di chuyển có thể là không được phép đối với các hồ sơ mật tại nhiều nơi ở của Tổng thống Joe Biden, và Biện lý Đặc biệt David Weiss được bổ nhiệm để đảm nhận cuộc điều tra đang diễn ra về người con trai đầu Hunter Biden [của Tổng thống Biden.]
Các chuyên gia cân nhắc
Khi cựu Tổng thống Trump kháng cáo cho lời bào chữa về quyền miễn trừ tổng thống lên Tối cao Pháp viện, cựu Tổng chưởng lý Hoa Kỳ Edwin Meese III đã nhanh chóng đệ trình một một bản tóm tắt ý kiến từ thân hữu của tòa án (amicus brief) lập luận rằng trước khi vụ việc này có thể được tiến hành, Tối cao Pháp viện nên giải quyết vấn đề liệu một công dân bình thường có thể được trao thẩm quyền một cách hợp pháp để triệu tập một đại bồi thẩm đoàn, điều tra, và truy tố một cựu tổng thống hay không.
Ông Meese, cùng tranh luận với các học giả và giáo sư về luật Hiến Pháp Steven Calabresi và Gary Lawson, giữ quan điểm rằng ông Garland không có thẩm quyền cấp cho ông Smith “thẩm quyền thi hành luật hình sự đặc biệt” như vậy, vì năm 1999 các tổng chưởng lý đã mất đi thẩm quyền đó.
Tình cờ là, bản thân ông Meese đã bị một biện lý độc lập điều tra khi luật này vẫn còn hiệu lực. Những giáo sư này là chuyên gia trong vấn đề thuộc lĩnh vực này, và hồi năm 2019 đã viết một nghiên cứu lập luận rằng việc bổ nhiệm Biện lý Đặc biệt Robert Mueller là trái pháp luật vì những lý do tương tự.
Điều khoản Bổ nhiệm của Hiến Pháp quy định rằng tổng thống có thẩm quyền bổ nhiệm một số quan chức mà các tòa án coi là những quan chức “đứng đầu” hay là “thượng cấp,” những người mà việc bổ nhiệm họ phải được Quốc hội xác lập thông qua luật, và việc bổ nhiệm họ phải được Thượng viện xác nhận. Điều khoản này cũng quy định rằng Quốc hội có thể, thông qua luật, cho phép những người đứng đầu bộ bổ nhiệm các quan chức “thuộc cấp.”
Bản tóm tắt ý kiến thân hữu của tòa này cho rằng ông Smith sử dụng thẩm quyền của một “quan chức đứng đầu hoặc thượng cấp” mà không được bổ nhiệm thông qua quy trình hợp pháp theo Điều khoản Bổ nhiệm.
Ông Meese, ông Calabresi, và ông Lawson lập luận rằng lẽ ra cách thức đúng đắn sẽ là bổ nhiệm một Chưởng lý Hoa Kỳ hiện đang đương chức làm biện lý đặc biệt, hoặc bổ nhiệm một biện lý đặc biệt bên ngoài phục vụ dưới quyền của một Biện lý Hoa Kỳ.
“Ông Smith là vị hoàng đế không mặc quần áo’ kinh điển,” bản tóm tắt ý kiến thân hữu của tòa án gửi Tối cao Pháp viện viết.
Các luật sư của cựu Tổng thống Trump trong một vụ kiện thứ hai đã nắm lấy lập luận này, đệ đơn kiến nghị lên Tòa án Địa hạt Nam Florida. Họ lập luận rằng việc bổ nhiệm ông Smith đã vi phạm Điều khoản Bổ nhiệm, và không có nguồn tài trợ lâu dài nào được phân bổ cho một văn phòng biện lý đặc biệt, do đó bản cáo trạng đó nên bị bác bỏ.
Ông Meese, ông Calabresi, và ông Lawson, cũng như các chuyên gia khác, đã đệ trình một bản tóm tắt ý kiến thân hữu của tòa án khác để ủng hộ cho kiến nghị trong vụ kiện này.
Trong một bản tóm tắt ý kiến từ thân hữu tòa án khác, giáo sư Seth Barrett Tillman lập luận rằng ông Smith không phải là một viên chức thượng cấp cũng không phải là viên chức thuộc cấp, mà hiện giờ đúng ra là một “người làm công” cho Bộ Tư pháp.
Ông Tillman đã viết nhiều về các vấn đề liên quan, và lập luận rằng tiền lệ của Tối cao Pháp viện cho thấy để trở thành một viên chức Hoa Kỳ đòi hỏi chức vụ đó phải có thời hạn lâu dài.
Trong vụ Hoa Kỳ kiện Hartwell năm 1867, Tối cao Pháp viện đã xác định sự khác biệt giữa nhân viên hợp đồng và viên chức. Thẩm phán Noah Swayne đã viết rằng một chức vụ “bao gồm các khái niệm về nhiệm kỳ, thời hạn, thù lao, và nghĩa vụ.”
Một thập niên sau, Tối cao Pháp viện vận dụng bốn yếu tố trong vụ Hoa Kỳ kiện Germaine, cập nhật lại định nghĩa rằng các viên chức cần phải ở những vị trí “có tính liên tục và thường trực, không mang tính thời vụ hay tạm thời.” Phán quyết trong vụ Hoa Kỳ kiện Germain đã được viện dẫn trong các vụ kiện sau này liên quan đến việc phân biệt giữa khái niệm “viên chức” và “người làm công” của Hoa Kỳ.
“Tính chất của chức vụ biện lý đặc biệt là vị trí này sẽ được bãi nhiệm khi vụ truy tố này kết thúc,” ông Tillman nói với The Epoch Times. “Đây không phải là một vị trí thường trực; không phải là một vị trí mang tính liên tục.”
Và nếu ông Smith không phải là một viên chức, thì “việc ông ấy truy tố bất cứ ai là điều hoàn toàn trái pháp luật,” ông Tillman cho biết. Khác với quan điểm của nhóm thân hữu tòa án trước đó, ông ấn định rằng vụ kiện này có thể cứu vãn được nếu như được giao cho một Chưởng lý Hoa Kỳ cùng ông Smith đảm nhận chức vụ đó.
Ông Smith lập luận rằng tổng chưởng lý có thẩm quyền theo luật định để bổ nhiệm những biện lý đặc biệt như ông, do Điều khoản Bổ nhiệm của Hiến Pháp cho phép người đứng đầu các bộ bổ nhiệm “các viên chức thuộc cấp,” và Quốc hội “cũng đã quy định rằng Tổng Chưởng lý được phép ‘bổ nhiệm các viên chức… để điều tra và truy tố các tội phạm nhắm vào Hoa Kỳ.’”
Các công tố viên viện dẫn một bộ quy định mà Bộ Tư pháp quản lý việc bổ nhiệm biện lý đặc biệt làm một chức vụ có thẩm quyền theo luật định, và lập luận rằng nguồn tài trợ không phải là vấn đề vì Quốc hội đã ban hành các khoản phân bổ cố định vô thời hạn để “thanh toán mọi chi phí cần thiết cho các cuộc điều tra và truy tố của các nhóm công tố viên độc lập được bổ nhiệm.”
Ông Smith đang khởi tố hai vụ kiện nhắm vào cựu TT Trump, nhưng cựu TT Trump không thể đưa ra bản kiến nghị này trong vụ kiện 06/01 ở Hoa Thịnh Đốn. Năm 2018, Thẩm phán Tòa án Khu vực Thủ đô Hoa Thịnh Đốn Beryl Howard đã ra phán quyết tại khu vực này rằng ông Mueller được bổ nhiệm theo Hiến Pháp và phán quyết này được giữ nguyên khi kháng cáo vào năm 2019.
Việc bổ nhiệm này có ý nghĩa gì?
Trong một bài xã luận, ông Calabresi đã viết rằng việc chấp nhận cho ông Smith tiếp tục việc truy tố có thể khiến cho việc kết tội bị bác bỏ, chỉ bởi vì những năm sau sự kiện này, một tòa án cấp cao hơn xét thấy rằng việc bổ nhiệm ông Smith là vi hiến. Ông Calabresi lập luận rằng triển vọng này ngày càng tăng khi sáu Thẩm phán Tối cao Pháp viện giữ quan điểm tương tự về ông Smith theo Điều khoản Bổ nhiệm.
Ông Calabresi viết: “Mọi việc mà ông ấy thực hiện kể từ khi được bổ nhiệm giờ đều trở thành vô hiệu.” Ông giải thích chi tiết hơn về ý nghĩa của việc một tổng chưởng lý được phép trao quyền thi hành đó cho bất cứ cá nhân nào.
“Chúng tôi không mong muốn rằng các Tổng Chưởng lý tương lai của Hoa Kỳ, chẳng hạn những người mà ông Donald Trump có thể sẽ bổ nhiệm nếu ông tái đắc cử vào năm 2024, có thể chọn bất cứ luật sư vô lại nào ngoài kia và trao cho anh ta quyền hạn mà Tổng Chưởng lý Merrick Garland đã trao cho thường dân Jack Smith,” ông viết. “Hãy nghĩ xem điều đó sẽ có thể dẫn tới chuyện gì trong thời đại McCathy hay dưới thời chính phủ Tổng thống Grant, Tổng thống Harding, Tổng thống Truman, hay Tổng thống Nixon, thời đại mà toàn bộ các Tổng Chưởng lý đều tha hóa.”
Khi Tối cao Pháp viện nghe các tranh luận về việc bảo vệ quyền miễn trừ của cựu Tổng thống Trump hồi tháng Tư, Thẩm phán Clarence Thomas đã đưa ra nghi vấn về việc bổ nhiệm biện lý đặc biệt, mặc dù nghi vấn này không được đem ra tranh luận. Một số thẩm phán từng viết về các vấn đề liên quan trước đây cho thấy họ thực sự có quan điểm tương tự như ông Calabresi.
Năm 1998, ông Brett Kavanaugh đã viết một bài nghiên cứu: “Tổng thống và Công tố viên Độc lập,” với các lập luận yêu cầu cải tổ khi quy chế thành lập Văn phòng Cố vấn Độc lập được ấn định là sẽ hết hạn vào năm tiếp theo (1999.) Quan điểm của ông là đôi khi cũng cần đến công tố viên bên ngoài, tuy nhiên nên được bổ nhiệm làm các viên chức thượng cấp theo Điều khoản Bổ nhiệm. Vào thời điểm đó, các công tố viên độc lập được bổ nhiệm bởi một hội đồng gồm ba thẩm phán.
“Một ‘biện lý đặc biệt’ nên được bổ nhiệm theo cách thức mà Hiến Pháp quy định đối với việc bổ nhiệm các viên chức cấp cao khác của cơ quan hành pháp: được Tổng thống đề cử và được Thượng viện xác nhận,” ông Kavanaugh viết.
Cựu công tố viên liên bang John O’Connor nói với The Epoch Times rằng vấn đề thẩm quyền của ông Smith “khá là rõ ràng.”
Ông O’Connor phần nào đồng ý với bên thân hữu của tòa án ở chỗ: một người ở vị trí của ông Smith cần có sự xác nhận của Thượng viện, và cách thức đúng đắn sẽ là bổ nhiệm một Chưởng lý Hoa Kỳ.
Ông Smith từng giữ chức Chưởng lý Hoa Kỳ lâm thời cho Địa hạt Trung phần Tennessee, nhưng bên thân hữu của tòa án cho rằng việc đó không nói lên điều gì cả, vì vào lúc ông Garland bổ nhiệm ông Smith làm biện lý đặc biệt thì ông là một thường dân truy tố tội ác chiến tranh tại Tòa án Công lý Quốc tế.
Trước đây ông Smith cũng từng là thành viên của Bộ Tư pháp, với tư cách là trưởng bộ phận liêm chính công quyền. Ông O’Connor cho rằng điều này khiến tính độc lập bị suy yếu chứ không như mong đợi rằng việc bổ nhiệm sẽ mang lại tính độc lập.
“Ông ấy không hề độc lập chút nào,” ông O’Connor cho biết. Khác với bên thân hữu của tòa án, ông O’Connor tin rằng các quy định của Bộ Tư Pháp cho phép tổng chưởng lý bổ nhiệm biện lý đặc biệt, tuy nhiên người này cần phải thực sự độc lập, chứ không xem việc bổ nhiệm đó như một “công cụ che đậy” như thể là có tính độc lập.
Ông O’Connor lập luận rằng với thâm niên làm việc tại Bộ Tư pháp như vậy, ông Smith hiểu rõ rằng ông buộc phải từ bỏ vị trí này.
“Tôi nghĩ rằng ông Garland đã chọn ông Smith vì ông ta là một người ngoan cường, và ông Garland có thể tin tưởng rằng ông Smith sẽ không thoái lui và sẽ không thực hiện bất cứ hành động tùy ý nào có lợi cho ông Trump.”
Theo hiểu biết của ông về vụ kiện Mar-a-Lago, phần lớn các cáo buộc về việc lưu giữ thông tin mật đều bị bác bỏ, “nhưng cáo buộc nói dối và cản trở thì không phải là vô lý.”
Đương nhiên, ông nói “không ai muốn nghe theo điều đó.” Ông cũng nói rằng những người ủng hộ cựu TT Trump sẽ không xem xét tính thực chất của bất cứ cáo buộc nào do “sự bất công” của vụ kiện nói chung, mặc dù những người không ủng hộ cựu TT Trump thì không muốn nghe rằng các cáo buộc đều là tồi tệ.
Ông O’Connor cho rằng nếu một công tố viên thực sự độc lập đảm nhận vụ kiện này, thì hẳn là có sự thận trọng và trung lập, đồng thời khiến công chúng thấm nhuần niềm tin vào hệ thống tư pháp.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt