2024-12-07
TRUMP NÓI ĐÚNG VỀ THÀNH PHỐ PARIS
Ông chưa bao giờ giấu nỗi buồn về chuyện Paris bị mất ổn định trong thập niên vừa qua.
(Gavin Mortimer, The Spectator, 7/12/2024)
Hôm nay Donald Trump đang có mặt tại Paris để dự lễ chính thức khai trương Nhà Thờ Đức Bà Notre Dame de Paris sau khi được tu sửa. Với thủ đô Paris, Tổng thống tân cử Mỹ có mối giao tình khả dĩ gọi là ái-ố - vừa yêu vừa ghét! Ông yêu thành phố đó nhưng nó - chính xác hơn, đô trưởng và hầu hết cư dân nơi đây – lại ghét ông.
Sự khinh thường lần đầu tiên thể hiện chỉ vài ngày sau khi ông đánh bại Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống 2016. Hàng trăm người biểu tình đã xuống đường tại Paris, gõ nồi niêu và hô to: “Không Trump, không thù hận, không KKK” và “Hey hey, ho ho, Donald Trump phải đi dzô.” Giới tổ chức biểu tình nêu lý do vì sao họ tin là Trump sẽ gây hại cho thế giới: “theo chủ nghĩa kỳ thị sắc tộc, miệt thị phụ nữ, thù hằn Hồi giáo, ghét dân đồng tính và kẻ chuyển giới, ghét bỏ dân Do Thái, phân biệt đối xử với người bị khuyết tật, bài ngoại và đề cao chủ nghĩa sắc tộc da trắng.”
Một cuộc biểu tình khác được tổ chức vào Tháng 11 năm 2018, khi Trump đang ở Pháp dự lễ kỷ niệm trăm năm kết thúc Thế Chiến Một. Hôm nay cũng có cuộc biểu tình do phong trào Đoàn kết Quốc tế ủng hộ Palestine [tổ chức Hồi giáo cực đoan] khởi xướng.
Chưa khi nào Trump giấu diếm tình cảm dành cho Paris, nhưng ông cũng không che giấu nỗi buồn về sự mất ổn định của thành phố trong thập niên qua. Vào Tháng 12 năm 2015, khi là ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, Trump giải thích lý do tại sao ông kêu gọi chấm dứt mọi việc di dân Hồi giáo vào Mỹ: "Hãy nhìn những gì đã xảy ra ở Paris, sự tàn sát khủng khiếp, và thật lòng mà nói... Paris hết còn là thành phố như trước."
Khi đó, ông đề cập đến ba vụ khủng bố tấn công vào năm 2015, tất cả đều do các phần tử cực đoan Hồi giáo thực hiện, nhắm vào Charlie Hebdo, một cửa hàng bách hóa kosher của người Do Thái và nhà hát Bataclan.
Vào Tháng Hai năm 2017, Trump lại than thở về tình trạng Paris, qua một bài phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở tiểu bang Maryland và kể cho khán giả về người bạn tên là Jim của ông. "Trong nhiều năm, mỗi năm vào mùa Hè, Jim đều đến Paris," Tổng thống giải thích. Nhưng hết rồi. "Paris không còn là Paris nữa," Jim đã nói như vậy với Trump.
Đáp lại, bà Anne Hidalgo là đô trưởng xã hội chủ nghĩa của Paris [từ 2014 và góp phần gây ra nạn Paris suy sụp từ 2015], đã tweet một bức ảnh của bà cùng Mickey và Minnie Mouse tặng cho Trump và "Jim," thêm lời chú: "Chúng tôi kỷ niệm sự năng động và tinh thần cởi mở của Paris."
Vài tuần sau thông điệp nít nôi của Hidalgo, một phụ nữ Do Thái lớn tuổi ở Paris tên là Sarah Halimi đã bị một người đàn ông đánh chết trong tiếng la hét 'Allahu Akbar'. Chưa đầy một năm sau, một phụ nữ Do Thái khác, Mireille Knoll, cũng bị giết trong hoàn cảnh tương tự.
Đấy là những vụ riêng lẻ nhưng chủ nghĩa kỳ thị Do Thái đã gây ra trào lưu này thì không. Paris có thể được coi là thành phố có nhiều hành vi bài Do Thái nhất Âu Châu: trong thế kỷ này, hàng nghìn người Do Thái đã hoặc rời thành phố hoặc hoàn toàn ra khỏi nước Pháp. Trong năm qua, các hành vi chống Do Thái ở Pháp tăng vọt gần 200%, và hơn một nửa số tai họa đó xảy ra nội trong khu vực Paris.
Không chỉ có phụ nữ Do Thái tại thủ đô Pháp sống trong sợ hãi. Vào Tháng Năm, 2017, vài tuần sau khi Hidalgo nói với Trump về tinh thần cởi mở ở Paris, tờ lá cải Le Parisien của thành phố đã đưa tin từ một khu ngoại ô phía Bắc: phụ nữ sợ ra ngoài vì phải đối mặt với tánh hung hăng một số lớn đàn ông - chủ yếu là di dân.
Bảy năm qua ít có thay đổi, dù tình hình ở một số khu vực thủ đô đã tồi tệ đến nỗi cư dân nam giới cũng thấy sợ. Một báo cáo vào đầu năm nay từ khu Stalingrad (Quận 10 ở Paris) phát giác cư dân co rúm trong nhà vì người tiêu thụ ma túy đá bên dưới. "Chúng tôi không thể ra ngoài vào buổi tối nữa vì chúng tôi sợ hãi, lo lắng," André giải thích. Ông phàn nàn với ủy ban thành phố, cảnh sát và trấn thủ an ninh, "mà không ai trả lời."
Tình hình bây giờ ở Quận 19 tồi tệ đến độ một ngân hàng nổi tiếng phải thuê bảo vệ để hộ tống nhân viên của họ từ nơi làm việc đến ga xe lửa. Một người bạn của tôi là giáo viên, có trường học trong khu vực, nói rằng cần người bảo vệ để gạt bớt dân ghiền ma túy làm phiền khách qua đường để nã tiền.
Đầu năm nay, tàu điện ngầm Paris đã mở "không gian an toàn" đầu tiên trên mạng lưới, quảng bá đó như nơi mà phụ nữ có thể xuống nếu cảm thấy bị đe dọa trong suốt hành trình của họ. Nhiều người đã làm như thế. Các số liệu chính thức được công bố tuần trước cho thấy bạo lực tình dục đã tăng 15% trên hệ thống giao thông Paris vào năm 2023.
Hầu hết các vụ lại không được loan tin. Ngày nay, phải có điều gì đó đặc biệt khủng khiếp mới được truyền thông chú ý, như vụ sát hại tàn bạo một sinh viên 19 tuổi ở Bois de Boulogne vào một ngày hè muộn ấm áp. Tên đàn ông bị buộc tội giết cô là một người Maroc 22 tuổi, lẽ ra đã bị trục xuất sau khi cưỡng hiếp một phụ nữ trẻ vào năm 2019.
Trong những ngày sau cái chết của nữ sinh viên Philippine, nhiều bích chương bắt đầu xuất hiện khắp Paris, mang hình ảnh của nạn nhân bị sát hại cùng thông tin về lý lịch của nghi can. Đô trưởng Hidalgo phản ứng rằng bích chương "làm bà lạnh gáy" vì nôi dung kỳ thị chủng tộc.
Những tấm hình đó có là phân biệt chủng tộc không? Hay chỉ đơn giản nói lên sự thật, như Donald Trump thường nói sự thật, dù có thể làm cánh tả tiến bộ hết thoải mái? Ông ấy chắc chắn đã đúng về Paris. Đó không còn là thành phố như trước nữa.
https://thespectator.com/topic/trump-was-right-about-paris/
Nguyễn Xuân Nghĩa