Friday, December 27, 2024

 2024-12-26 

Tính toán của ông Trump khi đòi mua Greenland

(VNExpress, 26/12/2024)

Ông Trump đòi mua Greenland có thể vì vị trí chiến lược và tài nguyên của hòn đảo, đồng thời thể hiện sức ảnh hưởng trước khi trở lại Nhà Trắng.

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Donald Trump từng tuyên bố Mỹ nên mua đảo Greenland, lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch. Tuy nhiên, đề xuất đó rơi vào quên lãng khi lãnh đạo Greenland và Đan Mạch thẳng thừng từ chối bán hòn đảo, bất kể ở mức giá nào.

Nhưng ý tưởng này tiếp tục trở thành chủ đề gây tranh luận gần đây, khi Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục nêu vấn đề "mua lại Greenland" khi đề cử Kenneth Howery làm Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch trong nhiệm kỳ hai của ông.

"Vì an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, việc Mỹ sở hữu và kiểm soát Greenland là yêu cầu cấp bách. Ken sẽ hết lòng đại diện cho những lợi ích của Mỹ", ông Trump viết trên TruthSocial ngày 22/12.

Theo giới quan sát, ngoài an ninh quốc gia, lý do ông Trump nhắm đến Greenland còn có thể vì trữ lượng tài nguyên và vị trí chiến lược của hòn đảo trong hoạt động hàng hải.

Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, nằm gần lục địa Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, với dân số khoảng 57.000 người. Đảo có diện tích khoảng 2,16 triệu km2, rộng hơn Mexico và gấp hơn ba lần bang Texas của Mỹ.

Hòn đảo trở thành lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch từ năm 1814 và chịu kiểm soát phần nào từ Copenhagen về chính sách đối ngoại.

Tầm quan trọng chiến lược của Greenland được thể hiện rõ từ Chiến tranh Lạnh. Mỹ xây căn cứ không quân Thule ở phía tây Greenland năm 1951, trang bị radar trong hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo sớm, có thể phát hiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bay về phía Mỹ. Không quân Mỹ chuyển căn cứ này cho Lực lượng Vũ trụ Mỹ vào năm 2020, đổi tên thành Căn cứ Vũ trụ Pituffik.

Greenland có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào, trong đó có dầu mỏ, đất hiếm và uranium, theo Hội Hóa học Hoàng gia trụ sở Anh. Ngoài sản xuất điện thoại, xe điện cùng các mặt hàng điện tử tiêu dùng khác, đất hiếm còn có thể dùng trong chế tạo bom và vũ khí.

Lý do thứ ba có thể thúc đẩy ông Trump mua Greenland là tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến băng ở hai cực dần tan, có khả năng mở ra các tuyến hàng hải mới ở vùng Bắc Cực. Trong bối cảnh các cường quốc đều muốn tăng cường hiện diện tại hòn đảo, Mỹ chắc chắn muốn ngăn Nga và Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Greenland cũng như các khu vực khác xung quanh.

Là người ủng hộ mạnh mẽ chính sách "Nước Mỹ trên hết", ông Trump nhiều khả năng sẽ thi hành các chính sách mạnh tay để bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ, không quá quan tâm hậu quả tiềm ẩn với các đồng minh. Điều đó có thể đúng với quan điểm của ông về thương vụ mua Greenland.

"Quan điểm ở đây là điều tốt cho Mỹ cũng tốt cho phần còn lại của thế giới", Victoria Coates, quan chức an ninh quốc gia cấp cao trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nói với Reuters. "Do đó, ông ấy có cái nhìn sáng suốt về đâu là lợi ích của Mỹ trong bất kỳ tình huống nào".

Ông Trump không phải tổng thống Mỹ đầu tiên muốn mua Greenland. Năm 1867, ngoại trưởng William Seward dưới thời chính quyền Andrew Johnson từng đề xuất mua Greenland và Iceland từ Đan Mạch với giá 5,5 triệu USD, trả bằng vàng, nhưng Washington sau đó không ngỏ ý với Copenhagen. Cùng năm, ông Seward thương lượng với Nga và mua lại vùng Alaska với giá 7,2 triệu USD.

Ngay sau Thế chiến II, tổng thống Mỹ Harry Truman đề xuất mua Greenland với giá 100 triệu USD nhưng bất thành. Washington Post năm 2019 ước tính Mỹ có thể tốn tới 1.700 tỷ USD để mua Greenland. Lãnh đạo Greenland Mute Egede ngày 23/12 khẳng định hòn đảo "không phải thứ đem ra bán và không bao giờ bị bán".

Hiện chưa rõ ông Trump nghiêm túc thế nào về ý định lần này.

Khi ông Trump nêu ý tưởng mua Greenland năm 2019, giáo sư Rasmus Leander Nielsen, Đại học Greenland, nói Đan Mạch không thể bán hòn đảo vì luật tự quản của nước này năm 2009 "nhấn mạnh người dân đảo Greenland cũng là người dân của Đan Mạch".

Kịch bản khả thi nhất với ông Trump là Greenland giành độc lập và tự quyết định bán cho Mỹ. Các nghị sĩ ở Greenland năm ngoái đã soạn dự thảo hiến pháp, sẵn sàng cho thời điểm Greenland tách khỏi Đan Mạch, dù quá trình này chưa rõ mất bao lâu.

Một số quan chức thân cận với Trump hoặc tham gia quá trình chuyển giao quyền lực gần đây cũng đã thảo luận không chính thức về các phương án mua lại Greenland, Reuters dẫn ba nguồn thạo tin.

Một lựa chọn khả thi khác là ký Hiệp ước Liên kết tự do (COFA) với Greenland nếu hòn đảo độc lập hoàn toàn khỏi Đan Mạch. Theo COFA, Mỹ sẽ có mức độ tích hợp kinh tế cao với nước tham gia, trong khi quốc gia đó vẫn độc lập. Mỹ đang ký COFA với Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau.

Ngoài Greenland, ông Trump gần đây còn dọa giành lại quyền quản lý kênh đào Panama, công trình được coi là huyết mạch của hàng hải thế giới, từ chính phủ Panama và đùa rằng Canada là "bang thứ 51 của Mỹ", gọi Thủ tướng Justin Trudeau là "thống đốc bang".

Theo giới chuyên gia, Mỹ khả năng cao không đạt được mục tiêu nào liên quan Greenland, kênh đào Panama và Canada, nhưng những tuyên bố này phần nào cho thấy tầm nhìn "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump còn bao gồm thể hiện quyền lực vượt ngoài biên giới Mỹ vì thương mại và an ninh quốc gia.

"Rất khó đoán ông ấy muốn những thứ này ở mức nào, và thế giới lắng nghe bao nhiêu phần trong đó", Frank Sesno, giáo sư Đại học George Washington, nói với AFP. "Trump đẩy các lãnh đạo khác vào thế phải tự tìm hiểu ý nghĩa những lời ông ấy nói".

Elliott Abrams, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, trụ sở ở Washington, nhận định những lời trêu đùa của ông Trump còn mang hàm ý chiến lược.

"Ông Trump đang gia tăng áp lực lên ông Trudeau, tôi nghĩ đây là tính toán liên quan đàm phán về thuế", ông Abrams nhận định với Reuters. Ông Trump trước đó đã dọa áp thuế lên hàng hóa Canada nếu nước này không chặn dòng người nhập cư và ma túy vào Mỹ.

Canada cùng với Mexico là hai đối tác thương mại chính của Mỹ ở Bắc Mỹ. Ba nước dự kiến xem xét gia hạn Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) vào năm 2026. Hiệp định có hiệu lực từ năm 2020, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

"Tôi nghĩ bạn cũng sẽ chứng kiến điều tương tự với Mexico", theo ông Abrams.

Như Tâm (Theo Washington Post, AFP, Reuters)







 

 2025-01-21  Kết thúc của chấn động và kinh ngạc: Bộ Tư pháp đã đưa ra lập luận như thế nào về lệnh ân xá J6 (Jonathan Turley, 21/1/2025) Và...