Friday, June 21, 2024

 2024-06-21 

Bang Louisiana Mỹ yêu cầu tất cả các lớp học phải trưng bày “Mười Điều Răn”

(Vision Times, 21/06/2024)

Hôm thứ Ba (18/6), bang Louisiana của Hoa Kỳ đã thông qua luật mới, yêu cầu tất cả các trường công lập và đại học của bang nhận tài trợ của chính phủ phải trưng bày “Mười Điều Răn” của Kinh Thánh trong tất cả các tòa nhà và lớp học. Đây trở thành tiểu bang đầu tiên ở Hoa Kỳ ban hành luật như vậy.

Jeff Landry

    Thống đốc bang Louisiana Jeff Landry. (Ảnh: Gage Skidmore/Flickr)

Việc thông qua đạo luật này diễn ra vào thời điểm có những thay đổi đáng kể trong bối cảnh chính trị ở bang Louisiana.

Dưới sự lãnh đạo của thống đốc mới Jeff Landry, Đảng Cộng hòa chiếm đa số tuyệt đối trong Cơ quan lập pháp của bang. Tất cả các chức vụ được bầu trong bang đều do Đảng Cộng hòa nắm giữ, dọn đường cho việc thúc đẩy một chương trình nghị sự bảo thủ (bảo lưu và thủ giữ truyền thống).


Nội dung pháp lý

Theo đạo luật này, tất cả các lớp học công lập từ mẫu giáo đến đại học của tiểu bang phải treo áp phích Mười Điều Răn với phông chữ lớn, dễ đọc.

Đồng thời, các trường học cũng được yêu cầu đính kèm một tuyên bố lý lịch dài 200 từ, giải thích rằng “Mười điều răn” là một phần quan trọng của nền giáo dục công Mỹ trong gần 3 thế kỷ.

Mười Điều Răn đã được đưa vào một số sách giáo khoa phổ biến nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, được viết bởi các tác giả nổi tiếng như William McGuffey và Nhà xuất bản giáo dục Noah Webster.

Ví dụ, cuốn sách The American Spelling Book của ông Webster, trong đó có Mười Điều Răn, đã bán được hơn 100 triệu bản và vẫn được sử dụng trong các trường công ở Hoa Kỳ cho đến cuối năm 1975.

Đạo luật yêu cầu các áp phích phải được đặt trong lớp học trước khi khai giảng vào năm 2025, và sẽ được thanh toán thông qua quyên góp thay vì quỹ nhà nước.

Ngoài Mười Điều Răn, đạo luật này còn cho phép (nhưng không yêu cầu) các trường công lập trưng bày các tài liệu lịch sử khác, như Hiệp ước Mayflower (The Mayflower Compact, thường được coi là “Hiến pháp đầu tiên của Hoa Kỳ”), Tuyên ngôn Độc lập (Declaration of Independence) và Sắc lệnh Tây Bắc (Northwest Ordinance), thành lập chính phủ cho vùng Trung Tây và mở đường cho các bang mới gia nhập Liên minh.

Dự luật được khởi thảo bởi Dân biểu Đảng Cộng hòa Dodie Horton, được Thượng viện bang thông qua với số phiếu 30-8 vào ngày 16/5, và được Hạ viện thông qua với số phiếu 79-16 vào ngày 28/5. Cuối cùng dự luật đã được thông qua và ký kết thành luật bởi Thống đốc Đảng Cộng hòa Jeff Landry.


Thách thức

Thống đốc Jeff Landry cho biết, nếu muốn tôn trọng luật pháp, phải bắt đầu từ người ban hành luật, Moses, người đã nhận được các điều răn từ Chúa.

Những người ủng hộ cho rằng biện pháp này không chỉ có ý nghĩa tôn giáo, mà còn có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Luật mô tả Mười Điều Răn là tài liệu nền tảng của chính quyền tiểu bang và quốc gia.

Dân biểu Horton tin rằng dự luật này đã tôn vinh vị trí độc nhất của Mười Điều Răn trong lịch sử của bang Louisiana.

Trong cuộc họp Hạ viện, bà nói rằng Mười Điều Răn là nền tảng cho tất cả các luật trong bang. Xét đến những tác động bất lợi mà học sinh ngày nay phải đối mặt, cần phải đặt Mười Điều Răn trở lại vị trí nổi bật trong lớp học, để thiết lập một quy tắc đạo đức chung dành cho sinh viên, chứ không phải quảng bá cho một tôn giáo cụ thể.

Tuy nhiên, đạo luật này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Các nhóm dân quyền và nhà nước đã tuyên bố sẽ khởi kiện. Họ cho rằng luật này sẽ cản trở học sinh nhận được một nền giáo dục bình đẳng, và khiến trẻ em thuộc các tín ngưỡng khác nhau cảm thấy không an toàn trong trường học.

Năm ngoái, bà Horton cũng thúc đẩy thành công việc ban hành luật yêu cầu các lớp học trên toàn tiểu bang phải trưng bày khẩu hiệu quốc gia “Chúng ta tin vào Chúa”.

Trong khi hơn chục bang đã có luật yêu cầu, hoặc cho phép các trường học treo khẩu hiệu này, luật mới của bang Louisiana còn tiến một bước xa hơn, yêu cầu phải có biển hiệu trong mỗi lớp học.

Trong khi các bang khác, như Texas, Oklahoma và Utah, đã đề xuất các dự luật tương tự, chỉ có bang Louisiana thành công trong việc ban hành luật trước những thách thức pháp lý có thể xảy ra.

Trên thực tế, những tranh chấp pháp lý xung quanh việc dán Mười Điều Răn trong lớp học đã có lịch sử lâu đời.

Ngay từ năm 1980, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết rằng luật của bang Kentucky yêu cầu các trường công lập trưng bày Mười Điều Răn trong mỗi lớp học là vi hiến. Tòa án cho rằng luật này vi phạm Điều khoản Thiết lập của Hiến pháp, quy định rằng Quốc hội sẽ không ban hành luật tôn giáo.

Vào thời điểm đó, Tòa án Tối cao đã viết trong quyết định của mình rằng nếu những bản sao Mười Điều Răn được đăng tải này có bất kỳ tác động nào, thì tác dụng của chúng chắc chắn là khiến học sinh đọc, suy nghĩ, thậm chí có thể tôn kính và tuân theo những điều răn này.

Dù xét ở góc độ đức tin cá nhân, thì kiểu sùng đạo này cũng đáng khen ngợi, nhưng theo các điều khoản của Điều khoản Tách biệt Nhà thờ và Nhà nước, đây cũng không phải là mục tiêu chính đáng để một quốc gia theo đuổi.

Vẫn còn phải xem việc thực hiện đạo luật mới này và những thách thức pháp lý tiềm ẩn sẽ phát triển như thế nào.

Cao Vân / Vision Times


 

 

 2025-01-21  Kết thúc của chấn động và kinh ngạc: Bộ Tư pháp đã đưa ra lập luận như thế nào về lệnh ân xá J6 (Jonathan Turley, 21/1/2025) Và...