2024-03-27
Giới kinh doanh ở New York âm thầm lo lắng về hậu quả của phán quyết đối với cựu Tổng thống Trump
Những người trong giới kinh doanh sẽ không nói thẳng ra điều đó, nhưng nhiều người đang lo lắng rằng họ có thể phải đối diện với sự hủy hoại tài chính nếu họ làm mất lòng những người có quyền lực chính trị ở New York.
Việc số tiền bảo lãnh đối với cựu Tổng thống Donald Trump được giảm xuống rất nhiều vào hôm 25/03 đã không làm được gì để xua tan đi đám mây đen mà vụ án về gian lận dân sự của ông đã phủ lên các giao dịch kinh doanh ở New York.
Ông Charles Trzcinka, giáo sư tài chính tại Đại học Indiana-Bloomington, cho biết mặc dù các nhà đầu tư sẽ không công khai thừa nhận tâm lý đó, nhưng vụ việc này đang gây ra một hiệu ứng sợ hãi.
“Nếu quý vị nói chuyện với những người trong thị trường này, thì họ đang rất, rất lo lắng… và đây còn là những người trung lập hoặc thậm chí là phản đối ông Trump đấy,” ông Trzcinka nói với The Epoch Times. “Họ chỉ đơn giản là tức giận về vụ án đó thôi.”
Trong vai trò của mình tại trường đại học, ông Trzcinka cho biết ông luôn đặt sinh viên vào bối cảnh thị trường cho vay doanh nghiệp ở New York, giúp ông nhận thức được các xu hướng trong lĩnh vực này.
Một tòa án phúc thẩm đã ra phán quyết cắt giảm khoảng 60% số tiền bảo lãnh, giảm số tiền này xuống còn 175 triệu USD, tuy nhiên đó vẫn là một khoản phạt lớn trong lúc cựu Tổng thống Trump tiếp tục tranh tụng phán quyết của Thẩm phán Arthur Engoron.
Thẩm phán Engoron đã phán quyết rằng cựu Tổng thống Trump và các cộng sự của ông đã định giá quá cao tài sản của họ một cách gian lận. Nhưng ông Trzcinka cho rằng bất cứ ai cho rằng hoạt động của cựu Tổng thống Trump trong vụ án đó là bất thường hoặc lừa đảo có thể đều thiếu hiểu biết về các giao dịch kinh doanh điển hình ở New York.
Một nguồn tin quen thuộc với vụ việc giải thích với The Epoch Times rằng, thông thường, các vụ án liên quan đến kinh doanh là do bộ phận thương mại của tòa án New York thụ lý.
Ở đó, các vụ án được xét xử bởi các thẩm phán có kiến thức chuyên sâu, “phức tạp” về luật thương mại và thực tiễn kinh doanh.
Nhưng vụ án này đã không đi theo hướng đó, vì Tổng Chưởng lý New York Letitia James đã tìm ra một cách mới để áp dụng luật chống gian lận của New York.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét các trường hợp bị cáo buộc gian lận khác ở New York trong khoảng thời gian 70 năm và nhận thấy vụ án của cựu Tổng thống Trump là một trường hợp mang tính độc nhất. Trump Organization là công ty duy nhất đối mặt với khả năng bị buộc phải đóng cửa mặc dù không có nạn nhân nào bị thiệt hại lớn về tài chính.
Do cách áp dụng luật bất thường của bà James, vụ án này đã được chuyển đến một tòa án hiếm khi giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh doanh.
Vì vậy, nguồn tin cho biết, “Vụ án này ngay từ đầu đã diễn ra theo một cách hết sức bất thường.”
‘Kinh hãi’
Học giả pháp lý Jonathan Turley đồng ý rằng vụ án này không giống như các vụ án thông thường và có những hậu quả rất sâu rộng.
Ông Turley nói với Fox News, “Vụ án này thực sự đã gây ra thiệt hại lớn cho hệ thống pháp luật New York… Các doanh nghiệp đang nhìn vào vụ án này với một mức độ kinh hãi nhất định — trước việc một thẩm phán có thể đưa ra một con số lớn đến mức quý vị phải bán một phần doanh nghiệp của mình chỉ để kháng cáo.”
Tuy nhiên, những người không ưa cựu Tổng thống Trump lại đang cổ vũ cho bà James. Bà đã ra tranh cử với lời hứa sẽ truy tố cựu tổng thống nếu bà giành được chức vụ tổng chưởng lý.
Trước khi được giảm xuống theo lệnh của tòa án, số tiền bảo lãnh ban đầu trị giá 464 triệu USD, trong đó bao gồm số tiền trị giá 363 triệu USD mà Thẩm phán Engoron áp dụng trong một phán quyết đối với cựu Tổng thống Trump và các cộng sự của ông, cộng thêm 9% lãi suất.
Nói chuyện với các phóng viên sau phán quyết của tòa phúc thẩm ngày 25/03, cựu Tổng thống Trump đã gọi phán quyết ban đầu của Thẩm phán Engoron là “gây bất lợi” cho New York.
“Các doanh nghiệp đang bỏ chạy,” ông nói.
Ông Trzcinka và hai nguồn hiểu biết khác nói với The Epoch Times rằng vụ án này hứa hẹn sẽ tiếp tục ngăn cản các nhà đầu tư kinh doanh tại tiểu bang New York.
Các nguồn tin cho biết, tình trạng này không chỉ xảy ra vì số tiền bảo lãnh quá lớn, mà còn vì cựu Tổng thống Trump và các cộng sự của ông đang hành xử trong giới hạn hoạt động kinh doanh thông thường và không làm hại ai hết.
“Tất cả các bên trong vụ án dân sự này đều hài lòng,” ông Trzcinka nói. Tuy nhiên, bà James đã “đưa ra một vụ án không có lấy một nạn nhân nào” và đạt được mức phán quyết lên tới 500 triệu USD.
Ông nói: “Tôi chưa bao giờ nghe nói về một vụ án dân sự nào không có nạn nhân mà lại thậm chí còn thắng được 500 USD.”
Âm thầm lo lắng
Các doanh nhân không dám bày tỏ những lo ngại của họ về những hậu quả. Ông Trzcinka và các nguồn tin cho biết, làm như vậy sẽ khiến họ bị nhắm mục tiêu — một lý do căn bản giải thích tại sao cựu Tổng thống Trump không thể thuyết phục được các công ty bảo lãnh hoặc ngân hàng thanh toán khoản tiền bảo lãnh ban đầu trị giá 464 triệu USD.
Ông Trzcinka nói, “Tôi không nghĩ sẽ có công ty bảo lãnh [hoặc một ngân hàng] nào sẵn sàng liên kết với ông Donald Trump… bởi vì bà tổng chưởng lý có thể quay ra kiện họ, truy lùng họ.”
Thẩm phán Engoron đã phán quyết rằng cựu Tổng thống Trump và các cộng sự đã phạm tội lừa đảo bằng cách định giá quá cao tài sản của ông.
Ông Trzcinka cho biết, các bên tham gia vào giao dịch địa ốc có xu hướng phóng đại giá trị theo cách này hay cách khác, và họ “oanh tạc thông tin lẫn nhau” bằng những thẩm định mang tính đối nghịch.
Và ông nói, trong một vụ kiện như vụ án này, thì “mọi người đều có thông tin giống nhau và chỉ đưa ra những kết luận khác nhau” về việc định giá. Sau đó các bên thương lượng các con số và thống nhất.
Không đủ khả năng chi trả với một đại tỷ phú?
Ông Trzcinka cho biết, ngay cả trước khi lãi suất được tính thêm vào, thì Thẩm phán Engoron cũng đã đề ra “khoản phạt lớn nhất trong lịch sử” cho một vụ án thuộc loại này đối với cựu Tổng thống Trump.
Ông chưa bao giờ nghe nói đến mức phạt nào cao như vậy đối với một “khoản vay hợp vốn”, liên quan đến các hợp đồng dân sự giữa các bên vay và bên cho vay đều là doanh nghiệp.
Khoảng 355 triệu USD trong khoản bảo lãnh này được áp dụng riêng cho cựu Tổng thống Trump. Ngoài ra, thẩm phán còn ra lệnh thu hồi 4 triệu USD từ mỗi người con trai của ông, ông Eric Trump và ông Donald Trump Jr., và 1 triệu USD từ cựu giám đốc tài chính Allen Weisselberg của Trump Organization.
Ông Trzcinka và các chuyên gia tài chính khác cho biết, ngay cả những người siêu giàu cũng hiếm khi có khả năng tiếp cận nhanh chóng với hàng trăm ngàn USD tài sản lưu động.
Gom góp ngần ấy tiền mặt để đóng khoản bảo lãnh đó chỉ trong 30 ngày được chứng minh là một nhiệm vụ khó khăn đối với cựu Tổng thống Trump; phán quyết của tòa phúc thẩm đã cho ông thêm 10 ngày để đóng một khoản bảo lãnh được giảm xuống còn 175 triệu USD.
Phán quyết đó đã chuyển số tiền này từ “mức không thể” sang một loại khác; “đắt tiền nhưng có thể thực hiện được,” một nguồn tin cho biết.
Các luật sư của cựu Tổng thống Trump cho biết trong hồ sơ tòa án rằng, một số công ty bảo lãnh cho biết số tiền tối đa họ có thể gánh vác là 100 triệu USD, đồng thời cho biết thêm rằng nhiều người đã làm việc vô số giờ để tìm ra các giải pháp khả thi cho tình cảnh khó khăn của cựu tổng thống.
Nhanh hơn một vé phạt đậu xe
Một người hiểu biết về tình hình của cựu Tổng thống Trump nhận xét, việc này rõ ràng là không công bằng khi gây áp lực buộc cựu Tổng thống Trump phải có trong tay số tiền đó nhanh chóng đến vậy.
“Khung thời gian này thật điên rồ,” người trong cuộc này nói chuyện với The Epoch Times với điều kiện được ẩn danh. “Tôi còn có nhiều thời gian để đóng tiền phạt đậu xe ở thành phố New York hơn là thời gian mà ông Donald Trump có để đóng khoản bảo lãnh trị giá 500 triệu USD.”
Thật vậy, những người vi phạm về việc đậu xe ở thành phố có biệt danh Quả Táo Lớn (Big Apple) này có thể trì hoãn các khoản thanh toán và phí trả chậm trong “khoảng 100 ngày” trước khi phải đối diện với một phán quyết có kèm theo lãi suất từ tòa án, một trang web của thành phố cho biết.
Ngược lại, các quan chức chỉ cho cựu Tổng thống Trump chưa đến ⅓ khoảng thời gian đó để đáp ứng yêu cầu đóng một khoản bảo lãnh trị giá gần nửa tỷ USD.
Hôm 22/03, cựu tổng thống tuyên bố rằng ông đã bảo đảm có được gần 500 triệu USD tiền mặt. Đó chỉ là ba ngày trước thời hạn mà chính phủ đặt ra cho ông để thanh toán tiền bảo lãnh. Trong một bài đăng trên tài khoản Truth Social của mình, ông ngụ ý mạnh mẽ rằng ông có thể sử dụng số tiền đó để trang trải khoản bảo lãnh.
Hôm 25/03, sau khi tòa phúc thẩm giảm số tiền bảo lãnh xuống còn 175 triệu USD, một phóng viên đã lớn tiếng hỏi ông rằng ông sẽ sử dụng tài sản cầm cố nào để trang trải cho khoản bảo lãnh đó. Đáp lại, cựu Tổng thống Trump nói ông sẽ dùng “tiền mặt.”
Cựu Tổng thống Trump không tiết lộ nguồn tiền cụ thể nhưng cho biết ông đang có ý định sử dụng một phần đáng kể trong số tiền 500 triệu USD tích lũy được cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 của mình.
Tài sản địa ốc ở New York ‘mất giá’
Cựu Tổng thống Trump cũng nêu lên rằng, do luật công khai tài chính nên Thẩm phán Engoron biết rõ ông có bao nhiêu tiền.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, cựu Tổng thống Trump cáo buộc Thẩm phán Engoron đưa ra hình phạt tương ứng với số tiền đã kê khai của ông.
Trích dẫn số tiền rất cụ thể được liệt kê trong phán quyết, ông Trzcinka cho biết có vẻ như các số liệu này đến từ “một trình tạo số ngẫu nhiên.”
Trong hồ sơ tòa án, Thẩm phán Engoron cho biết ông đã đưa ra phán quyết dựa trên lời khai của một chuyên gia, người đã tính toán số tiền mà các bị cáo được hưởng lợi từ “các khoản tiết kiệm lãi suất bất chính” do giá trị tài sản tăng cao.
Cựu tổng thống đã nhiều lần cáo buộc rằng các vụ án dân sự và hình sự chống lại ông cấu thành tội “can thiệp bầu cử”, và trong một bài đăng gần đây trên mạng xã hội, ông đã trích dẫn một phần luật liên bang có thể áp dụng.
Cựu Tổng thống Trump là ứng cử viên dự kiến của Đảng Cộng Hòa, cạnh tranh với ứng cử viên rõ ràng của Đảng Dân Chủ, Tổng thống Joe Biden, trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng Mười Một tới.
Tổng thống Biden và những người khác đã phủ nhận có bất kỳ động cơ chính trị. Tuy nhiên, bằng chứng xuất hiện gần đây đã cho thấy có sự tiếp xúc giữa một số công tố viên và Tòa Bạch Ốc trước khi các bản cáo trạng đối với cựu Tổng thống Trump được đưa ra.
Nếu cựu Tổng thống Trump không đáp ứng được thời hạn 30 ngày trước đó đối với việc đóng khoản bảo lãnh trị giá 464 triệu USD, thì bà James đã sẵn sàng bắt đầu tịch thu tài sản của ông.
Ông Trzcinka nói, các doanh nhân khác đang xem xét tình huống này và tự hỏi: “Nếu họ có thể làm điều này với ông Trump, thì điều gì sẽ xảy ra với tôi?”
Nếu mức phạt được đặt ra là 10 triệu USD hoặc ít hơn thì vụ án này sẽ bớt đáng lo ngại hơn nhiều. Nhưng với số tiền vượt quá 300 triệu USD, “thì vụ án sẽ hủy hoại thị trường lớn này,” ông nói.
Các nhà đầu tư luôn phải cân nhắc rủi ro về dòng tiền và rủi ro bị khởi kiện. Ông Trzcinka cho biết, vì vụ án của cựu Tổng thống Trump, rủi ro xảy ra hành động bất lợi từ phía chính phủ đã tăng lên theo cấp số nhân, đồng thời cho biết thêm, “ngay khi những rủi ro tăng lên, thì các khoản đầu tư sẽ giảm xuống.”
Kết quả là vụ việc đã “làm tài sản địa ốc ở thành phố New York mất giá,” ông nói. “Vụ này giờ đây đã trở thành một vấn đề lớn đối với họ, và chẳng ai ngờ sự việc này lại đột nhiên xuất hiện như vậy.”