2024-04-07
Tối cao Pháp viện đối mặt với các phán quyết ‘vô cùng rủi ro’ về các vụ án liên quan đến cựu TT Trump
Trong bối cảnh lo ngại về nhận thức của công chúng, Tối cao Pháp viện phải đối mặt với một năm ‘trọng đại’ với nhiều phán quyết sẽ gây ra những hệ quả sâu rộng.
(Sam Dorman, Epoch Times, 7/4/2024)
Trong bài diễn văn Thông điệp Liên bang hôm 07/03, Tổng thống (TT) Joe Biden đã đưa ra một lời đe dọa hiếm hoi vào giờ vàng đến Tối cao Pháp viện, cảnh báo các thẩm phán rằng họ có thể gây ra phản ứng dữ dội về mặt chính trị vì phán quyết năm 2022 của họ lật ngược án lệ Roe kiện Wade.
“Bằng tất cả sự kính trọng, thưa các thẩm phán, nữ giới không phải là không có quyền bầu cử hoặc quyền hoạt động chính trị,” TT Biden nói.
Khi đưa ra lời đe dọa này, Tổng thống đã làm tăng thêm áp lực ngày càng lớn lên Tối cao Pháp viện, một loại áp lực dường như tăng lên mỗi tuần khi cuộc bầu cử đang cận kề và một hàng dài các vụ án liên quan đến cựu TT Donald Trump lại ngày càng dài hơn.
Các thẩm phán đang xem xét hai đơn kháng cáo quan trọng liên quan đến cựu TT Trump, người nắm chắc đề cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa và đang dẫn trước TT Biden trong các cuộc đối đầu dựa trên kết quả thăm dò, kể cả ở các tiểu bang chiến địa quan trọng.
Các cựu cố vấn của TT Trump cũng đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc, làm dấy lên triển vọng sẽ có một số người có thể yêu cầu tòa án cấp cao này can thiệp, như cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc Peter Navarro đã làm hôm 15/03. Việc Pháp viện bác bỏ kiến nghị của ông Navarro đã khiến ông trở thành cố vấn Tòa Bạch Ốc đầu tiên của cựu TT Trump phải vào tù.
Phó Chủ tịch Quỹ Di sản John Malcolm nói với The Epoch Times rằng, “Đây chắc chắn là một năm trọng đại đối với Pháp viện.”
“Một số thẩm phán, đáng chú ý nhất là Chánh án, từng lo ngại đến nhận thức của công chúng về ‘tính hợp pháp’ của tòa án này, vì vậy sẽ rất đáng chú ý để xem các thẩm phán phản ứng như thế nào, đặc biệt là trong một năm bầu cử quan trọng.”
‘Những rủi ro rất lớn’
Sự kết hợp của một số vụ án liên quan đến cựu TT Trump, tiềm ẩn xảy ra những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với tiền lệ pháp lý, những lời kêu gọi mạnh mẽ về cải tổ, và cuộc bầu cử đang cận kề đã làm cho năm 2024 trở thành một năm của những phán quyết có tác động lớn đối với tòa án này.
Đã có một phán quyết ảnh hưởng đến tiến trình của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024.
Hồi tháng Ba, các thẩm phán đã từ chối một nỗ lực suýt có thể dẫn đến việc hàng triệu người ủng hộ cựu TT Trump không có được ứng cử viên ưa thích của họ trong lá phiếu. Trong cuộc tranh luận trực tiếp, Thẩm phán Amy Coney Barrett đã đề cập đến “những rủi ro rất lớn” liên quan đến vụ án này, được mô tả là vấn đề liên quan đến bầu cử có ảnh hưởng nhất của Pháp viện kể từ vụ Bush kiện Gore.
Bản ý kiến mang tính bước ngoặt của Pháp viện trong vụ án Trump kiện Anderson đã tước bỏ quyền mà các tiểu bang như Colorado, dưới thẩm quyền hiện tại của họ, có thể loại bỏ các ứng cử viên liên bang khỏi lá phiếu.
Tuy nhiên, bản ý kiến đa số này đã bị chỉ trích vì thiếu sự rõ ràng về cách mà Quốc hội nên hành động. Phán quyết này nhấn mạnh vai trò của Quốc hội trong việc thực thi Tu chính án thứ 14, trong khi ba thẩm phán thiên tả và Thẩm phán Barrett ủng hộ một biện pháp hạn chế hơn, tức là tước bỏ thẩm quyền của tiểu bang đối với các ứng cử viên liên bang tranh cử chức vụ trong chính phủ.
Kháng cáo về quyền miễn trừ của cựu TT Trump, được ấn định sẽ tranh luận trực tiếp vào ngày 25/04, có thể ảnh hưởng đến vụ án về tài liệu mật ở Florida và phiên tòa xét xử về vụ án tiền bịt miệng, trong đó ông đã yêu cầu trì hoãn để chờ phán quyết của Tối cao Pháp viện về yêu cầu miễn trừ trong vụ án ở Hoa Thịnh Đốn của ông.
Sự chỉ trích gay gắt này, theo sau ý kiến đồng thuận của Pháp viện trong vụ Trump kiện Anderson, cho thấy dù các thẩm phán có đồng lòng đến đâu, thì họ sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ — đặc biệt là khi liên quan đến cựu TT Trump.
Bản kháng cáo của cựu TT Trump, giống như của ông Navarro, đặt câu hỏi về sự phân lập quyền lực cũng như thẩm quyền của các nhánh lập pháp và tư pháp trong việc thách thức nhánh hành pháp.
Trong vụ Trump kiện Anderson, Pháp viện đã tránh đi sâu vào chi tiết cụ thể về hành vi bị cáo buộc là sai trái của cựu TT Trump vào ngày 06/01 và có thể sẽ cố gắng làm như vậy với kháng cáo về quyền miễn trừ của ông. Nhưng phán quyết của họ trong hai vụ án khác có thể ảnh hưởng đến cáo trạng trong vụ bầu cử liên bang của cựu TT Trump.
Một thách thức do các bị cáo trong vụ án ngày 06/01 đưa ra, trong đó phản đối việc Bộ Tư pháp (DOJ) đã áp dụng cáo buộc về cản trở luật có từ vụ bê bối của Công ty Enron vào các vụ truy tố vốn sẽ được xét xử trước Tối cao Pháp viện vào ngày 16/04.
Trong vụ án về bầu cử liên bang, hai trong số những cáo buộc đó được đưa ra cho cựu TT Trump. Nếu Pháp viện ra phán quyết có lợi cho các bị cáo, như một số chuyên gia pháp lý dự đoán, thì điều đó có thể giảm bớt gánh nặng cho cựu TT Trump ở vụ án tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đồng thời thúc đẩy sự xem xét kỹ lưỡng về biện pháp của các thẩm phán đối với vụ án ngày 06/01.
Tương tự, phán quyết của Pháp viện trong kháng cáo về quyền miễn trừ của tổng thống có thể hủy bỏ hoặc giữ nguyên bản truy tố — có thể gây ra phản ứng gay gắt từ cả hai phía tùy thuộc vào kết quả.
Các vụ án lớn khác ngoài các vụ kiện ông Trump
Bên cạnh các vụ kiện cựu TT Trump, Pháp viện đang xem xét một số vụ án lớn về luật hành chính — kể cả có thể lật ngược nguyên tắc Chevron tồn tại hàng thập niên, vốn dành sự tôn trọng cho các cơ quan trong việc giải thích ngôn ngữ mơ hồ trong các đạo luật. Một sự đảo ngược sẽ làm giảm đáng kể quyền lực của tiểu bang.
Hồi tháng Hai, Pháp viện đã xem xét liệu Bộ Tư pháp có hạn chế báng súng một cách hợp pháp hay không. Vụ Garland kiện Cargill là vụ thứ hai trong số ba vụ lớn liên quan đến súng được công bố trong nhiệm kỳ này. Vụ thứ hai — Cargill và Rahimi kiện Chính phủ Hoa Kỳ — có thể thay đổi người sở hữu súng và cách họ vận hành súng. Vụ kiện thứ ba, NRA kiện Vullo, có thể khiến các chính phủ dễ dàng hơn hoặc gặp khó khăn hơn trong việc gây áp lực lên các tổ chức như những tổ chức thúc đẩy quyền sử dụng súng.
Các thẩm phán cũng đã nghe các tranh luận về tính hợp hiến của hai luật truyền thông xã hội sâu rộng từ Texas và Florida mà, được kết hợp với các vụ tương tự trong nhiệm kỳ này, có thể thay đổi đáng kể bối cảnh về quyền diễn đạt trên mạng.
Khi bác bỏ các luật đó, các thẩm phán có thể ngăn chặn luật của tiểu bang trong tương lai nhắm vào cách mà các nền tảng truyền thông xã hội kiểm duyệt nội dung của người dùng và tính minh bạch mà họ quy định cho việc kiểm duyệt một số bài đăng nhất định. Nếu các luật được thông qua, thì các nền tảng truyền thông xã hội có thể gặp phải một loạt các quy tắc để kiểm duyệt nội dung của người dùng trên khắp Hoa Kỳ và có ít quyền tự quyết định hơn trong cách họ thực hiện việc kiểm quyệt.
Ông Malcolm nói với The Epoch Times: “Đây là những vụ án liên quan đến sự phân lập quyền lực và các quyền hiến định quan trọng, ngoài ra còn liên quan đến các vấn đề ‘gây tranh cãi nảy lửa’ vốn sẽ có tác động lớn đến luật pháp hiện hành và trong tương lai.”
Hình tượng của Pháp viện
Với những vấn đề gây tranh cãi như vậy trước Pháp viện, dường như không thể tránh khỏi việc các phán quyết của các thẩm phán sẽ khiến đông đảo công chúng Mỹ không hài lòng. Các thẩm phán cũng có thể cân nhắc xem cách họ diễn đạt các phán quyết sẽ tác động như thế nào đến dư luận trong một năm có nhiều rủi ro như vậy.
Giáo sư Luật Barbara McQuade của Đại học Michigan trước đây từng nói với The Epoch Times rằng bà cho rằng với vụ Trump kiện Anderson, Thẩm phán Roberts đã cảm thấy áp lực phải “duy trì uy tín của Pháp viện với vai trò là một tổ chức độc lập và phi chính trị.”
Bà nói “một phán quyết 9–0 sẽ mang lại cho đất nước sự tin tưởng hơn nhiều so với phán quyết 6–3.”
Thẩm phán Barrett nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng thuận hoàn toàn và ngôn từ, đồng thời dường như thoáng cho thấy những lo ngại của các thẩm phán. Ý kiến đồng thuận của bà trong vụ Trump kiện Anderson hình như có ý chỉ trích các đồng nghiệp của bà vì thiếu sự thận trọng trong đánh giá của họ. Bà đã cùng với các thẩm phán thiên tả ủng hộ một biện pháp hạn chế hơn nhưng đã không ký vào bản ý kiến đồng thuận của họ, vốn mang một số lời lẽ nặng nề dành cho khối đa số.
“Theo đánh giá của tôi, đây không phải là lúc để khuếch đại sự bất đồng bằng những lời lẽ khó nghe,” bà viết. “Pháp viện đã dàn xếp một vấn đề bị cáo buộc là mang tính chính trị trong mùa bầu cử Tổng thống đầy biến động. Đặc biệt trong hoàn cảnh này, các bài viết về Pháp viện nên khiến cả nước giảm bớt căng thẳng chứ không phải làm tăng thêm. Vì những mục đích trong hiện tại, những khác biệt của chúng ta không còn quan trọng bằng sự đồng thuận của chúng ta: Tất cả chín Thẩm phán đều đồng ý về kết quả của vụ án này. Đó là thông điệp mà người Mỹ nên nhận thức được.”
Những lời của vị đồng thẩm phán này rất khác biệt khi tập trung vào hình ảnh công chúng của Pháp viện hơn là giá trị pháp lý của một vụ án cụ thể. Cựu công tố viên liên bang Neama Rahmani nói với The Epoch Times rằng tuyên bố của Thẩm phán Barrett là “điều mà tôi chưa từng thấy trong hơn 20 năm hành nghề của mình.”
Thẩm phán Barrett đã đưa ra sự đồng tình của bà không lâu sau một cuộc thảo luận giữa bà và Thẩm phán Sonia Sotomayor trên sân khấu về “làm thế nào để có thể bất đồng một cách dễ chịu” tại cuộc họp của Hiệp hội Thống đốc Quốc gia.
Thẩm phán Barrett nhấn mạnh sự phổ biến của các phán quyết đồng thuận ở Pháp viện trong khi Thẩm phán Sotomayor nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không cho rằng đồng nghiệp có ác ý.
Tuy nhiên, lời hùng biện về sự đồng tình của Thẩm phán Sotomayor và các đồng nghiệp thiên tả của bà lại ít thiện chí hơn. Trong đó, ba thẩm phán này đã cáo buộc khối đa số đang cố gắng “bảo vệ tất cả những người bị cáo buộc là những kẻ nổi dậy khỏi những thách thức pháp lý trong tương lai do chức vụ liên bang mà họ đang nắm giữ.”
Đây không phải là lần đầu tiên các thẩm phán dành những lời lẽ nặng nề cho đồng nghiệp của mình. Khi Pháp viện loại bỏ hành động khẳng định (affirmative action) hồi năm 2023, Thẩm phán Jackson đã viết một bản ý kiến bất đồng cáo buộc khối đa số là “nhắm mắt trước thực tế” khi ám chỉ đến Cuộc cách mạng Pháp.
Đỉnh điểm của áp lực
Việc đề cử Thẩm phán Jackson được vây quanh với những cuộc thảo luận về hành động khẳng định khi Tổng thống Biden quy kết rõ ràng việc lựa chọn bà là do chủng tộc và giới tính của bà — cả hai đều không thể thiếu trong các cuộc tranh luận chính trị về bản sắc trong quá trình xác nhận bà.
Việc đề cử bà theo sau việc đề cử Thẩm phán Barrett — một điểm nhức nhối đối với các thành viên Đảng Dân Chủ, những người vừa mất đi một huyền thoại thiên tả, cựu Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, và cáo buộc Đảng Cộng Hòa là đạo đức giả sau khi từ chối đề cử Thẩm phán đương thời Merrick Garland vị trí thẩm phán này trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Vào thời điểm đó, Thẩm phán Barrett cũng được cho là sẽ làm vững chắc khối đa số bảo tồn truyền thống khiến việc lật ngược phán quyết Roe kiện Wade — một trong những phán quyết gây tranh cãi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ gần đây — thậm chí còn có có thể xảy ra hơn. Điều đó đã trở thành sự thật khi bà tham gia vào phán quyết có tỷ lệ 6–3 trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Sức khỏe Phụ nữ Jackson.
Những dữ kiện xung quanh vụ án đó và những vụ án khác cho thấy các thẩm phán quan tâm đến việc tránh các quyết định gây tranh cãi. Theo The New York Times, Thẩm phán Barrett đã bỏ phiếu phản đối việc xét xử vụ Dobbs và nói với Thẩm phán Samuel Alito rằng đây không phải là thời điểm để xét xử vì bà mới chỉ gia nhập Pháp viện này được ba tháng. Thẩm phán Brett Kavanaugh đã đề nghị trì hoãn việc công bố quyết định của Pháp viện để xét xử vụ Dobbs trong khi Thẩm phán Roberts, theo tường thuật của The New York Times, lo ngại “Pháp viện có thể trông như thể đã và đang chờ đợi một thẩm phán mới để thách thức vụ Roe.”
Bản thân Thẩm phán Ginsburg cho rằng vụ Roe đã áp đặt việc phá thai quá nhanh trên toàn quốc. Nhưng sau nửa thế kỷ, phán quyết này đã có tác động với việc khối đa số ủng hộ tiền lệ này ít nhất là trên danh nghĩa.
Cuộc thăm dò ý kiến sau phán quyết hồi tháng 06/2022 trong vụ Dobbs cho thấy sự tán thành và tin tưởng vào Pháp viện ngày càng đi xuống. Cuộc Khảo sát Xã hội Chung cho thấy niềm tin vào Pháp viện đạt mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Trong khi đó, dữ liệu lịch sử của Gallup cho thấy sự tín nhiệm giảm sút sau tháng 07/2020 và một sự sụt giảm nhanh chóng kể từ thời điểm Thẩm phán Barrett được xác nhận vào mùa thu năm đó. Kể từ tháng 09/2021, tỷ lệ tín nhiệm dường như đã ổn định ở khoảng 40%, với 58% bày tỏ họ không ủng hộ.
Một cuộc thăm dò gần đây hơn từ Trường Luật Marquette cho thấy tỷ lệ tín nhiệm dành cho Tối cao Pháp viện tăng lên 47%. Cuộc thăm dò này được tiến hành từ ngày 18 đến 28/03, sau khi Tối cao Pháp viện đưa ra bản ý kiến trong vụ Trump kiện Anderson.
Bất luận việc Thẩm phán Barrett nêu lên sự quan tâm đến việc tránh bị xem là theo đảng phái, một cuộc thăm dò của Quinnipiac hồi tháng 05/2022 cho thấy phần lớn người Mỹ (63%) nói rằng động cơ chủ yếu của Pháp viện là chính trị. Chỉ có 32% cho biết động cơ chủ yếu là luật pháp.
Tránh sự phân cực
Ông Laurence Tribe, một giáo sư Luật Harvard, đã suy đoán rằng bằng cách cố gắng miêu tả Pháp viện là phi đảng phái, các thẩm phán sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn.
“Sự giả vờ đó — của Thẩm phán Stephen Breyer trong cuốn sách của ông và của Thẩm phán Amy Coney Barrett và một số thẩm phán khác trong vòng trình bày — Tôi nghĩ bản thân điều đó đã làm suy yếu tính hợp pháp của Pháp viện, bởi vì rõ ràng là điều đó thể hiện sự thiếu trung thực từ phía các thẩm phán,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với The Harvard Gazette. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2022 với The Washington Post, ông lo lắng rằng niềm tin ngày càng giảm sút vào Pháp viện sẽ dẫn đến một thời điểm khi mà các chính trị gia có thể hoàn toàn bất tuân phán quyết của Pháp viện.
Bà Carrie Severino, một cựu lục sự của Thẩm phán Thomas, đã bênh vực cho Pháp viện. Bà nói với The Epoch Times: “Dễ thấy rằng, Pháp viện vẫn là nhánh chính phủ đáng tin cậy nhất.”
Một phân tích năm 2023 từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy niềm tin vào chính phủ đang giảm sút với mức thấp kỷ lục vào năm 2022. Theo báo cáo năm 2023 từ Gallup, 49% người Mỹ có mức độ tin cậy và tin cậy rất lớn hoặc tương đối vào nhánh tư pháp mà đứng đầu là Tối cao Pháp viện. 41% cho biết tương tư như vậy đối với nhánh hành pháp trong khi chỉ có 32% cho biết mức tin tưởng và tín nhiệm đó dành cho Quốc hội.
“Tôi nghĩ rằng niềm tin của người dân vào chính phủ đang đi xuống về mọi mặt,” bà Severino nói với The Epoch Times. “Và thực sự đáng ngạc nhiên là tỷ lệ tín nhiệm dành cho Pháp viện vẫn như vậy, khi quý vị xem xét chiến dịch phối hợp chống lại Tối cao Pháp viện đã diễn ra ngay trước vụ Dobbs, tôi nghĩ trước về điều đó.”
Bà Severino, người đứng đầu Mạng lưới Khủng hoảng Tư pháp, cho biết: “Nhưng từ cánh tả, sự phẫn nộ rằng có một Pháp viện đặt Hiến Pháp lên trên các mục tiêu chính sách thiên tả thực sự rất rõ ràng.”
Các cuộc biểu tình đã nổ ra trong những tháng trước vụ Dobbs sau khi bản ý kiến dự thảo của Thẩm phán Alito lật ngược vụ Roe bị rò rỉ. Những người biểu tình xuất hiện tại tư gia của các thẩm phán và một người đàn ông đã bị bắt sau khi cho biết ông ta dự định ám sát Thẩm phán Kavanaugh.
Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ cũng báo cáo rằng các mối đe dọa nghiêm trọng nhắm vào các thẩm phán liên bang đã tăng hơn gấp đôi từ 224 vụ trong năm tài khóa 2021 lên 457 vụ trong năm tài khóa 2023.
Kêu gọi cải tổ
Các chính trị gia đã thêm vào và khuyến khích sự chỉ trích Pháp viện thông qua các cuộc điều tra, tuyên bố công khai và kêu gọi cải tổ. Ngay cả trước vụ Dobbs, Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện đương thời Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã theo dõi phiên điều trần năm 2020 về luật phá thai của Louisiana bằng cách cảnh báo hai vị Thẩm phán Kavanaugh và Neil Gorsuch: “Các ông đã gieo gió thì các ông sẽ phải gặt bão!”
Gần đây hơn, các thành viên Đảng Dân Chủ trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã cố gắng ban hành trát lệnh đối với những cá nhân có tên trong các vụ bê bối đạo đức được cho là xung quanh Thẩm phán Alito và Thẩm phán Clarence Thomas. Thẩm phán Sotomayor và Thẩm phán Jackson cũng phải đối mặt với sự giám sát đạo đức trong những tháng gần đây.
Tối cao Pháp viện đã đáp lại những lời chỉ trích bằng cách đưa ra một bộ quy tắc đạo đức nhưng vẫn bị Đảng Dân Chủ đả kích vì thiếu cơ chế thực thi.
Bà Severino nói với The Epoch Times: “Pháp viện đã luôn xem xét các vụ án có áp lực cao, nguy cơ cao phản ánh những vấn đề pháp lý phức tạp nhất hiện nay. Tuy nhiên, chưa bao giờ Pháp viện gặp phải những cuộc tấn công đảng phái quyết liệt từ phe cực tả như Pháp viện phải đối mặt ngày nay.”
Việc giám sát các thẩm phán đến từ nhiều nguồn — các chính trị gia, các nhóm lợi ích, giới truyền thông, và công chúng. Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Dân Chủ-Rhode Island) đã đề nghị giới hạn nhiệm kỳ xuống còn 18 năm đối với các thẩm phán có quyền xét xử phúc thẩm của Pháp viện.
Ông Tribe, người tham gia vào ủy ban của Tổng thống Biden về Tối cao Pháp viện, đã kêu gọi mở rộng Pháp viện và nói với tờ Post “quý vị chỉ có thể mở rộng bằng cách bổ sung [thêm các thẩm phán].”
Những người khác đã nhắc nhở Pháp viện nên mở rộng và ý tưởng này không được người Mỹ ủng hộ trong các cuộc thăm dò ý kiến.
Phán quyết của Pháp viện trong vụ Trump kiện Anderson cho phép Pháp viện trốn tránh trách nhiệm — ít nhất là tạm thời — về kết quả của cuộc bầu cử. Thay vì đưa ra phán quyết rằng liệu cựu Tổng thống Trump có tham gia một cuộc nổi dậy hay không, thì Pháp viện lại đẩy quyết định đó qua cho Quốc hội.
Nhưng khi làm theo Quốc hội, không rõ khối đa số sẽ tránh bị đổ lỗi đến mức nào về sự hỗn loạn tiềm ẩn liên quan đến bầu cử xảy ra trong những tháng sau quyết định của họ.
Môi trường chính trị phân cực tại Quốc hội làm giảm đáng kể khả năng Quốc hội sẽ thông qua bất kỳ đạo luật nào liên quan đến việc loại bỏ tư cách để Tổng thống Joe Biden ký thành luật trước khi ông rời nhiệm sở.