Sunday, April 7, 2024

 2024-04-02 

Một lần nữa danh tiếng của Mỹ quốc bị đe dọa ở Philippines và Á Châu

(Epoch Times, 2/4/2024)

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos sẽ có cuộc gặp mặt tại Hoa Thịnh Đốn hôm 11/04. Đây là lần đầu tiên diễn ra cuộc họp chung như vậy — và tất cả là nhờ vào lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sao lại thế?

Áp lực của Trung Quốc lên lãnh hải của cả Philippines và Nhật Bản đang đưa tất cả xích lại gần nhau.

Và những nguy cơ này là rất cao.

Lịch sử lặp lại

Philippines đang kháng cự sự xâm lấn hung hãn của Trung Quốc trên lãnh hải của mình. Đây không phải là lần đầu tiên.

Năm 2012, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough — nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines.

Hoa Kỳ đã không hành động gì khi Trung Quốc thất hứa với Trợ lý Ngoại trưởng về các Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương đương thời Kurt Campbell về việc rút các con tàu của họ mà thay vào đó là ở lại để chiếm bãi cạn Scarborough.

Các luật sư của Bộ Ngoại giao đã đưa ra lý do giải thích tại sao hiệp ước phòng thủ chung không được áp dụng.

Philippines đã rất thất vọng.

Sau đó, hồi năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết có lợi cho các yêu sách của Philippines và phần lớn bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh. Chính phủ Tổng thống Obama hầu như vẫn im lặng, kỳ vọng Bắc Kinh cũng sẽ đáp lại sự kiềm chế này.

Nhưng họ đã không làm như vậy.

Thay vào đó, họ bác bỏ phán quyết này như một “mảnh giấy vụn.”

Tệ hơn nữa, người Mỹ còn khuyến khích Philippines khởi kiện.

Theo nhiều người Philippines lo ngại, hiện người Mỹ đã cho họ một “vố đúp”.

Ngày nay

Trung Quốc vẫn còn hiện diện tại bãi cạn Scarborough. Giờ đây, họ đang cố gắng gây khó khăn, nếu không muốn nói là không để Philippines thực thi việc tiếp tế cho những quân nhân trên một con tàu hải quân neo đậu ở Bãi cạn Second Thomas, một địa điểm được Tòa án Trọng tài xác định là nằm sâu trong vùng biển Philippines.

Bên cạnh việc đối đầu và ngăn chặn, phía Trung Quốc còn dùng vòi rồng công suất lớn tấn công trực tiếp các tàu Philippines — gây hư hại nặng cho tàu và thương tích nghiêm trọng cho thủy thủ đoàn — gồm cả quân nhân Philippines.

Phía Trung Quốc — gồm cả một phi cơ trực thăng của hải quân — cũng đang can thiệp vào các nỗ lực nghiên cứu đại dương của người Philippines ở vùng biển Philippines.

Phía Philippines kiên quyết chống cự, nhưng Trung Quốc chiếm thế thượng phong và bất cứ lúc nào họ muốn, họ có thể khiến người Philippines ra khỏi lãnh thổ của mình.

Ông Marcos đã đối mặt với rủi ro kể từ khi nhậm chức gần hai năm trước. Ông đã đưa đất nước của mình ra khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc và khôi phục Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận một số cơ sở ở Philippines. Các cuộc tập trận quân sự với Mỹ quốc và với các quốc gia khác cũng đã được tăng cường.

Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không ở những nơi khác trên Biển Đông. Tuy nhiên, các tàu và phi cơ của Mỹ đã không đồng hành cùng Philippines đến những nơi Trung Quốc hành xử thô bạo với các con tàu Philippines hoặc khi Manila khẳng định quyền của mình bằng cách dỡ bỏ các rào cản do Trung Quốc dựng lên ở lối vào Bãi cạn Scarborough chẳng hạn.

Ông Marcos sẽ tìm kiếm sự trợ giúp tại cuộc họp này.

Phải chăng hy vọng của ông Marcos và Philippines đã bị đặt nhầm chỗ?

Họ sẽ sớm tìm ra câu trả lời.

Ngoài việc thô bạo với Philippines, Bắc Kinh còn đang thách thức Hoa Kỳ.

Ông Marcos hẳn đang cầu nguyện cho Mỹ quốc đừng rời bỏ một Philippines đang trong tình thế khó khăn này một lần nữa.

Những rủi ro

Vì vậy, những rủi ro cũng như kỳ vọng của người Philippines đều cao.

Phía Mỹ đang nói những lời sáo rỗng.

Ngoại trưởng Antony Blinken gần đây đã diễn thuyết tại Manila: “Chúng tôi sát cánh với Philippines và tuân thủ các cam kết phòng thủ vững chắc của mình, kể cả theo hiệp ước phòng thủ chung.”

Sau cuộc tấn công bằng vòi rồng gần đây nhất của Trung Quốc và các hành động ngăn chặn tại Bãi cạn Second Thomas, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố: “Hoa Kỳ sát cánh cùng đồng minh Philippines và lên án các hành động nguy hiểm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) nhắm vào hoạt động hàng hải pháp hợp pháp của Philippines ở Biển Đông hôm 23/3.

Hoa Kỳ tái khẳng định rằng Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ Chung Hoa Kỳ – Philippines năm 1951 bao hàm cả các cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng vũ trang, tàu công cộng hoặc phi cơ của Philippines – gồm cả lực lượng Cảnh sát biển của nước này – ở bất kỳ nơi nào trên Biển Đông.”

Tất cả đều đúng, tuy nhiên phát ngôn viên của Hoa Kỳ dường như luôn cố nhấn mạnh rằng Mỹ quốc chỉ ủng hộ khi có các cuộc tấn công “vũ trang”.

Và người dân ở Manila (và Bắc Kinh) nhận thấy điều này.

Philippines có thể lo lắng rằng Mỹ quốc một lần nữa đang tìm cách né tránh.

Họ đã từng nghe những lời tuyên bố sáo rỗng trước đây.

Và Trung Quốc có thể cho rằng chừng nào họ không “nổ súng” thì Mỹ quốc sẽ không làm gì nhiều.

Một người bạn Philippines đã từng lưu ý: “Chúng tôi chỉ có thể chịu đựng được bấy nhiêu thôi. Mọi người cảm thấy Trung Quốc đã đẩy chúng tôi tới mức Hoa Thịnh Đốn sẽ phải bước ra và làm nhiều hơn thế.”

Hoa Thịnh Đốn có thể hành động hoặc không.

Họ có thể đi theo con đường tẩu thoát “hợp pháp” hoặc giữ lời hứa của mình.

Quý vị thấy đấy, một hiệp ước không những có ngôn từ chính xác — mà còn có tinh thần.

Hiệp ước an ninh Hoa Kỳ-Philippines có lẽ không có ý định cho phép một kẻ thù (Trung Quốc cộng sản) sử dụng vòi rồng và một nhóm tàu đến để chiếm giữ lãnh thổ Philippines.

Chính phủ Tổng thống Biden hoặc cung cấp cho Philippines sự trợ giúp cần thiết — và chí ít đã được hứa hẹn theo tinh thần của hiệp ước này — và đối diện với nguy cơ xảy ra một cuộc chiến với Trung Quốc, hoặc chấp nhận sự sỉ nhục từ người Trung Quốc và rút lui.

Và không chỉ người Philippines đang xem Hoa Thịnh Đốn sẽ làm gì tiếp theo. Mọi quốc gia khác ở châu Á (và xa hơn nữa) sẽ tự nhận định về những lời hứa hẹn bảo vệ rõ ràng hoặc ngầm của Hoa Kỳ.

Và nếu thất bại, đó sẽ là một “vố thứ ba” của Hoa Kỳ [đối với Philippines].

Họ cũng có thể [rút quân] về nhà vào thời điểm đó.

Còn người Nhật thì sao?

Họ biết họ là người tiếp theo trong danh sách của Bắc Kinh. Họ đang âm thầm làm rất nhiều điều cho Philippines — và họ cần tiếp tục làm như vậy. Sẽ thật tốt nếu các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản giúp đỡ, nhưng điều đó khó có thể xảy ra.

Bằng cách có mặt tại cuộc họp này, Nhật Bản đang cho Philippines biết rằng họ có liên quan và cũng có thể ám chỉ rằng họ mong đợi quân đội Hoa Kỳ sẽ tham gia khi họ cần giúp đỡ để bảo vệ lãnh thổ hàng hải của Nhật Bản.

Nhưng cuối cùng, chính người Mỹ mới là người ký hiệp ước trên với Philippines và “lời nói” của họ đang bị đe dọa.

Chuyện này xảy ra khi ông Campbell, người đã bị lừa dối vào thời điểm rút lui ở Bãi cạn Scarborough, lại là Thứ trưởng Ngoại giao hiện tại. Và ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia hiện tại, từng là giám đốc hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao và cố vấn an ninh quốc gia cho Phó Tổng thống đương thời Biden, người hiện là tổng thống.

Đội ngũ này đã từng vấp phải vấn đề trên. Câu hỏi đặt ra là liệu lịch sử có lặp lại hay liệu họ đã rút ra được bài học từ những sai lầm của mình?

Doanh Doanh biên dịch

 

 

 

 

 

 2025-01-21  Kết thúc của chấn động và kinh ngạc: Bộ Tư pháp đã đưa ra lập luận như thế nào về lệnh ân xá J6 (Jonathan Turley, 21/1/2025) Và...