Wednesday, January 8, 2025

 2025-01-02 

Sáu vụ bê bối lớn nhất của FBI dưới thời chính quyền Biden

(Fox News, 2/1/2025)

Dưới sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã phải đối mặt với rất nhiều vụ bê bối liên tiếp trong bốn năm qua, thậm chí bê bối cũng xảy ra trong những ngày cuối cùng của chính quyền này.

Giám đốc FBI sắp mãn nhiệm, ông Christopher Wray, chính trị gia được Tổng thống Trump bổ nhiệm trong nhiệm kỳ Trump đầu tiên, đã chính thức thông báo từ chức vào tháng trước. Quyết định này mở đường cho ông Kash Patel, một chính trị gia mới được Tổng thống Trump đề cử giữ cương vị lãnh đạo cơ quan FBI trong nhiệm kỳ Trump thứ hai. Ông Patel hiện đang tập trung vào những chiến dịch vận động thu hút sự ủng hộ trong Quốc hội để chuẩn bị tiếp quản vị trí lãnh đạo cơ quan FBI ngay trước lễ nhậm chức của ông Trump vào tháng này.

Khi chính quyền của Tổng thống Biden đi đến hồi kết, Fox News đã điểm lại những vụ bê bối lớn nhất mà FBI đã phải đối mặt trong suốt bốn năm qua.

1/ FBI ban đầu báo cáo vụ tấn công Ngày đầu Năm mới “không phải sự kiện khủng bố”

Không khí hỗn loạn bao trùm Bourbon, khu vực nổi tiếng của thành phố New Orleans, khi một chiếc xe tải lao vào đám đông đang vui chơi lúc rạng sáng Ngày đầu Năm mới, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

FBI nhanh chóng nhận trách nhiệm dẫn đầu điều tra vụ việc, nhưng bị dư luận chỉ trích vì ban đầu cơ quan này tuyên bố rằng vụ tấn công không phải là một hành động khủng bố, trước khi bị buộc phải rút lại nhận định này.

“Tôi khẳng định FBI sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc điều tra vụ việc này. Đây không phải là một sự kiện khủng bố“, bà Alethea Duncan, Trợ lý Đặc vụ phụ trách văn phòng FBI tại New Orleans, khẳng định trong một buổi họp báo sáng thứ Tư (1/1).

Tuy nhiên, trong cùng buổi họp báo, Thị trưởng LaToya Cantrell của thành phố New Orleans đã bác bỏ tuyên bố này và mạnh mẽ khẳng định rằng thành phố đã trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công khủng bố.

“Thành phố New Orleans đã phải [hứng chịu] một cuộc tấn công khủng bố. Tất cả vẫn đang trong quá trình điều tra“, Thị trưởng Cantrell nhấn mạnh.

FBI ngay sau đó đã thay đổi lập trường và tuyên bố rằng vụ việc được điều tra như một hành động khủng bố. Họ cũng xác nhận rằng một lá cờ của tổ chức khủng bố ISIS đã được tìm thấy trên phương tiện của nghi phạm.

“Sáng nay, một cá nhân đã lái xe lao vào đám đông trên đường Bourbon ở thành phố New Orleans, khiến nhiều người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Đối tượng sau đó giao chiến với cảnh sát địa phương và hiện đã tử vong. FBI sẽ là cơ quan điều tra chính và chúng tôi đang hợp tác với các [cơ quan khác] để điều tra vụ việc này như một hành động khủng bố”, FBI tuyên bố trong một thông báo chính thức gửi tới Fox News.

Cách xử lý của FBI đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ từ các quan chức đắc cử, cùng đồng minh của ông Trump, cũng như đông đảo cử tri trên mạng xã hội.

“FBI có sứ mệnh không được phép thất bại. Không có chỗ cho [bất kỳ] sai sót nào. Một khi họ thất bại, người Mỹ sẽ phải trả giá bằng sinh mạng. Điều cần thiết là Kash Patel phải được [Quốc hội] phê chuẩn càng sớm càng tốt”, một nguồn tin thân cận với ông Trump chia sẻ với Fox News sáng thứ Năm (2/1).

Những lãnh đạo bảo thủ và đồng minh của ông Trump đã chỉ trích FBI trên mạng xã hội, cáo buộc rằng cơ quan này đã dồn hết mọi nguồn lực vào các vấn đề như đào tạo và tuyển dụng DEI thay vì điều tra và ngăn chặn tội phạm.

Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Đảng Cộng hòa, Tennessee) cùng những lãnh đạo bảo thủ khác đã lên tiếng chỉ trích FBI vì đã chậm trễ viếng thăm nhà ở của nghi phạm, sau khi giới truyền thông đã có mặt từ trước.

“FBI đã không xuất hiện tại địa chỉ của nghi phạm ở NOLA [New Orleans] cho đến 1 giờ chiều hôm nay. Chúng tôi đã có mặt từ trước. Không có ai bước ra khỏi nhà hay trả lời [tiếng gõ] cửa”, phóng viên Jennie Taer của New York Post viết trên mạng xã hội X vào thứ Tư (1/1).

Bà Blackburn đã phản hồi phóng viên của tờ New York Post khi bà tuyên bố rằng FBI đã “thất bại” trong sứ mệnh bảo đảm an ninh quốc gia với tư cách là cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu của Hoa Kỳ.

“Thực tế rằng một phóng viên có thông tin tốt hơn FBI đã [nói lên tất cả]. FBI đã thất bại trong sứ mệnh cốt lõi của mình”, bà Blackburn viết trên mạng xã hội X, bày tỏ sự thất vọng sâu sắc.

Nghi phạm Shamsud-Din Jabbar, một công dân Hoa Kỳ 42 tuổi sinh sống tại tiểu bang Texas, đã mang theo một khẩu Glock và một khẩu súng trường 308 trong vụ tấn công và đã bị bắn hạ sau khi nổ súng vào lực lượng cảnh sát.

FBI thông báo vào thứ Năm (2/1) rằng họ tin rằng ông Jabbar đã hành động một mình, không có đồng phạm.

Ông Trump đã không bỏ lỡ cơ hội chỉ trích ông Biden cùng các chính sách của chính quyền ông ta, cáo buộc những chính sách này đã mở đường cho tội phạm bạo lực và khủng bố.

“Với chính sách ‘biên giới mở’ của Biden, tôi đã [cảnh báo] nhiều lần tại các buổi vận động tranh cử và những nơi khác rằng chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, cùng các hình thức tội phạm bạo lực khác, sẽ trở nên tồi tệ đến mức không thể tưởng tượng được. Giờ đây, điều đó đã thành hiện thực, và thậm chí còn tồi tệ hơn cả những gì chúng ta tưởng tượng. Joe Biden là TỔNG THỐNG TỆ NHẤT TRONG LỊCH SỬ HOA KỲ, MỘT THẢM HỌA TOÀN DIỆN”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.

Sáng thứ Năm (2/1), khi được yêu cầu phản hồi về những chỉ trích liên quan đến cách xử lý vụ tấn công, FBI chỉ hướng Fox News đến ba tuyên bố trước đó của mình. Những tuyên bố này khẳng định rằng vụ tấn công đang được điều tra như một hành động khủng bố, nhưng không hề đề cập đến phát ngôn trước đó của một đặc vụ tại thành phố New Orleans, quan chức đã phủ nhận vụ việc liên quan đến khủng bố vào ngày thứ Tư (1/1).

“Một lá cờ của ISIS đã được tìm thấy trong phương tiện của nghi phạm, và FBI đang nỗ lực xác định các mối quan hệ hoặc liên kết tiềm năng của đối tượng với các tổ chức khủng bố”, một tuyên bố từ FBI nêu rõ.

“FBI là cơ quan điều tra chính [trong vụ việc này], và chúng tôi đang phối hợp với các [cơ quan] để điều tra vụ việc này [sâu hơn] như một hành động khủng bố. Chúng tôi đang nỗ lực tối đa để lần theo mọi đầu mối và xác định bất kỳ cộng sự nào có thể của nghi phạm”, tuyên bố bổ sung.

2/ Ông Trump chỉ trích ông Wray về vụ “Đột kích bất hợp pháp” tại Mar-a-Lago

Vào tháng 8 năm 2022, khoảng 30 đặc vụ FBI có vũ trang đã bất ngờ đột kích vào khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở tiểu bang Florida để thực hiện lệnh khám xét liên quan đến các tài liệu mật mà cựu tổng thống Trump sở hữu.

Vụ đột kích chưa từng có này bao gồm sự kiện các đặc vụ lục soát tủ quần áo của Đệ nhất Phu nhân Melania Trump. Họ đã thu giữ tổng cộng 33 hộp tài liệu.

“Ông ấy [Wray] xâm phạm nhà tôi. Tôi đang kiện đất nước về việc này. Ông ấy xâm phạm Mar-a-Lago. Tôi rất không hài lòng với những điều ông ấy đã làm. Tội phạm đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Người nhập cư từ các nhà tù và các bệnh viện tâm thần đang tràn vào đất nước chúng ta. Tôi không thể nói rằng tôi hài lòng”, ông Trump phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC phát sóng vào Chủ nhật (29/12).

Đầu năm nay, có thông tin tiết lộ rằng chính quyền Biden đã phê chuẩn cho phép sử dụng vũ lực gây chết người trong vụ đột kích này. Tiết lộ này càng khiến phe bảo thủ gia tăng sự chỉ trích đối với FBI. FBI, mặc dù vậy, vẫn khẳng định rằng ngôn ngữ tương tự cũng đã được sử dụng trong lệnh khám xét tại nhà riêng của Tổng thống Biden ở tiểu bang Delaware.

Thượng nghị sĩ Chuck Grassley (Đảng Cộng hòa, Iowa), đã kêu gọi ông Wray từ chức trong một bức thư công khai chỉ trích gay gắt vào tháng trước, đặt ra “những câu hỏi nghiêm trọng” về tính hợp pháp của vụ đột kích. Ông Grassley lập luận rằng ông Trump đã hợp tác đầy đủ với các nhà điều tra trước đó.

“Vụ đột kích này xảy ra bất chấp những nghi vấn chính đáng về sự cần thiết của nó. Tổng thống Trump rõ ràng đã hợp tác với cuộc điều tra, bất chấp các báo cáo từ truyền thông cánh tả cấp tiến. Ông ấy đã tự nguyện giao nộp 15 thùng tài liệu từ nhiều tháng trước khi FBI thực hiện động thái leo thang [không cần thiết]”, ông Grassley nhận định. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton không phải đối mặt với một vụ đột kích tương tự, ”mặc dù bà ấy và nhân viên của mình đã xử lý sai thông tin tuyệt mật khi sử dụng máy chủ riêng [không thuộc] chính phủ”.

Phản ứng trước việc ông Wray từ chức, ông Trump một lần nữa mạnh mẽ chỉ trích vụ “đột kích bất hợp pháp” tại Mar-a-Lago.

“Dưới sự lãnh đạo của Christopher Wray, FBI đã đột kích bất hợp pháp vào nhà tôi, không có lý do chính đáng, thực hiện những nỗ lực phi pháp để luận tội và truy tố tôi một cách phi pháp, và đã làm mọi thứ để can thiệp vào sự thành công và tương lai của nước Mỹ. Họ đã sử dụng quyền lực to lớn của mình để đe dọa và hủy hoại nhiều người Mỹ vô tội, một số người trong số họ có thể không bao giờ hồi phục được từ những gì đã xảy ra”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.

Khi điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện vào tháng Bảy, ông Wray đã tuyên bố rằng ông “sẽ không gọi đó là một cuộc đột kích” vào Mar-a-Lago, mà khẳng định FBI đã thực hiện “một lệnh khám xét hợp pháp”.

3/ “Bản Ghi Nhớ Richmond” của FBI về Người Công Giáo Truyền Thống

Vào tháng 1 năm 2023, một bản ghi nhớ nội bộ của văn phòng FBI tại Richmond đã khiến dư luận bảo thủ nổi giận. Bản ghi nhớ có tiêu đề “Mối Quan Tâm của Những Người Cực Đoan Mang Động Cơ Chủng Tộc hoặc Sắc Tộc Đối với Tư Tưởng Công Giáo Truyền Thống Cực Đoan Gần Như Chắc Chắn Mang Lại Cơ Hội Mới trong Việc Giảm Thiểu Nguy Cơ”.

Bản ghi nhớ này xác định “những người Công Giáo truyền thống cực đoan” như là những đối tượng có khả năng “cực đoan mang động cơ chủng tộc hoặc sắc tộc” tiềm năng. Bản ghi nhớ cho rằng “những kẻ cực đoan mang động cơ chủng tộc hoặc sắc tộc trong tư tưởng Công Giáo truyền thống cực đoan gần như chắc chắn mở ra cơ hội mới giúp giảm thiểu nguy cơ thông qua việc khám phá các con đường cho hệ thống cảnh báo sớm và phát triển nguồn tin”.

Mặc dù bản ghi nhớ đã bị thu hồi, nhưng các nhà lập pháp đã chất vấn mạnh mẽ ông Wray về lý do FBI nhắm vào những người Mỹ chỉ vì niềm tin tôn giáo của họ, một hành vi rõ ràng vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ.

Hai mươi nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã gửi một lá thư tới ông Wray vào năm ngoái, nói rằng bản ghi nhớ “đã chỉ trích người Công Giáo truyền thống vì quan điểm chống phá thai của họ, cáo buộc những người Công Giáo truyền thống cực đoan có ‘sự thù địch đối với những người ủng hộ quyền phá thai’ sau phán quyết Dobbs”.

“Sự chỉ trích cụ thể đối với quan điểm chống phá thai này càng đáng lo ngại hơn, xét đến tốc độ điều tra và phản ứng chậm trễ đối với các vụ tấn công bạo lực mà một số trung tâm hỗ trợ thai kỳ và nhà thờ Công Giáo đã phải đối mặt kể từ khi phán quyết Dobbs bị rò rỉ vào tháng 5 năm ngoái”, bức thư nhấn mạnh.

Tại một buổi điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện năm 2023, ông Wray đã bác bỏ cáo buộc rằng FBI điều tra dựa trên niềm tin tôn giáo của bất kỳ ai. “Chúng tôi không và sẽ không tiến hành điều tra dựa trên việc bất kỳ ai thực hiện quyền tự do tôn giáo được Hiến pháp bảo vệ”, ông Wray khẳng định.

Trong nhiệm kỳ của ông Wray, FBI cũng bị chỉ trích dữ dội khi tiến hành đột kích và bắt giữ một người Công Giáo ủng hộ sự sống tại Pennsylvania vào năm 2022.

Ông Mark Houck, một người cha Công Giáo có bảy đứa con thường xuyên cầu nguyện trước một phòng khám phá thai ở tiểu bang Philadelphia, đã bị cơ quan FBI bắt giữ tại nhà riêng ở vùng quê Kintnersville. Vụ bắt giữ bắt nguồn từ một cuộc xung đột giữa ông Houck và một nhân viên tại phòng khám Planned Parenthood ở tiểu bang Philadelphia vào tháng 10 năm 2021. Ông Houck bị cáo buộc đã xô đẩy nhân viên này, người được cho là đã buông lời quấy rối đối với cậu con trai 12 tuổi của ông.

Chính quyền Biden khẳng định ông Houck đã vi phạm Đạo luật Tự Do Tiếp Cận Các Lối Vào Phòng Khám, một đạo luật liên bang nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực nhằm gây tổn hại, đe dọa hoặc can thiệp vào bất kỳ ai cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tuy nhiên, ông Houck đã được bồi thẩm đoàn tuyên trắng án vào năm ngoài sau khi ông lập luận rằng hành động của mình chỉ nhằm bảo vệ con trai. Cùng với vợ, bà Ryan-Marie, ông đã khởi kiện Bộ Tư pháp, cáo buộc rằng vụ bắt giữ này là kết quả của một cuộc điều tra “thiếu cơ sở và mang tính ác ý”.

4/ Phụ huynh phẫn nộ vì Bộ Tư pháp liên bang nhắm đến các cuộc họp hội đồng trường

Vào năm 2021, Bộ Tư pháp (DOJ) và FBI đã bị chỉ trích mạnh mẽ khi Bộ trưởng Merrick Garland ban hành một bản ghi nhớ yêu cầu chỉ đạo FBI sử dụng các công cụ chống khủng bố để đối phó với các phụ huynh phát biểu tại các cuộc họp hội đồng trường, đặc biệt liên quan đến các vấn đề về chuyển giới và lý thuyết chủng tộc phê phán.

Bản ghi nhớ được đưa ra sau khi Hiệp hội Hội Đồng Trường Quốc Gia (NSBA) gửi thư tới Tổng thống Biden, kêu gọi chính quyền liên bang điều tra các phụ huynh phản đối tại các cuộc họp, viện dẫn rằng họ gây ra mối đe dọa cho các quan chức nhà trường.

NSBA thậm chí đã yêu cầu các hành động của phụ huynh được điều tra dưới Đạo luật Yêu Nước (Patriot Act) như là “khủng bố nội địa”. Dù bản ghi nhớ của ông Garland không sử dụng cụm từ “khủng bố nội địa”, nó vẫn gây ra làn sóng phẫn nộ trong công chúng.

Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã công bố một báo cáo tạm thời vào năm ngoái, cho rằng: “Sau khi khảo sát các cơ quan thực thi pháp luật địa phương, các văn phòng Công tố viên Hoa Kỳ trên toàn quốc đã báo cáo lại với Bộ Tư pháp rằng không có cơ sở hợp pháp nào trong lĩnh vực thực thi pháp luật để hỗ trợ chỉ thị của Bộ trưởng Tư pháp để sử dụng các nguồn lực thực thi pháp luật liên bang và chống khủng bố nhằm điều tra các mối đe dọa liên quan đến hội đồng trường”, Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã tuyên bố trong một báo cáo tạm thời về bản ghi nhớ vào năm ngoái.

Tại một phiên điều trần trước Thượng viện vào năm ngoái, ông Garland đã tuyên bố rằng bản ghi nhớ chỉ “nhằm vào bạo lực và các mối đe dọa bạo lực đối với nhân viên nhà trường”, chứ không phải những phụ huynh “bày tỏ ý kiến tại hội đồng trường”. Tuy nhiên, tuyên bố này vẫn làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ phía phụ huynh.

“Cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu của Hoa Kỳ, FBI, đã bị DOJ biến thành công cụ nhằm chống lại các phụ huynh dám bày tỏ quan ngại tại cấp độ địa phương nhất: hội đồng trường của họ”, bà Tiffany Justice, sáng lập tổ chức Moms for Liberty, nhận xét với Fox News.

5/ Cáo buộc về tham nhũng của gia đình Biden không được điều tra

Trong một lá thư dài 11 trang gửi đến Giám đốc FBI Christopher Wray vào tháng trước, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley đã chỉ trích gay gắt FBI, cáo buộc cơ quan này đóng vai trò như một “đồng phạm trong chiến dịch thông tin sai lệch của Đảng Dân chủ” liên quan đến cuộc điều tra các cáo buộc “tham nhũng của gia đình Biden“.

Ông Grassley tuyên bố FBI đã “làm ngơ trước các cáo buộc hối lộ” nhằm vào ông Biden, ông Hunter Biden — con trai ông Biden, và các quan chức Ukraine trong thời gian ông Biden còn giữ cương vị Phó Tổng thống dưới thời chính quyền Obama.

“Phù hợp với thất bại trước đó của FBI, một ví dụ rõ ràng khác về những lời hứa thất bại dưới sự lãnh đạo của ông là sự thiếu sót không thể tha thứ với [quyết định không] điều tra các cáo buộc hối lộ chống lại cựu Phó Tổng thống Joe Biden, trong khi lại giám sát nghiêm ngặt cựu Tổng thống Trump. Ông nhiều lần tuyên bố rằng sẽ bảo đảm FBI thực thi công lý, ‘không sợ hãi, không thiên vị hay bị ảnh hưởng bởi chính trị.’ Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của ông, FBI đã giữ trong tay các thông tin buộc tội ông Biden suốt ba năm cho đến khi tôi công khai sự tồn tại của hồ sơ phác thảo các cáo buộc đó, nhưng không làm gì để điều tra [những cáo buộc này]”, ông Grassley viết.

Tâm điểm của cuộc điều tra là một biểu mẫu FD-1023 do FBI tạo ra, trong đó mô tả một kế hoạch tội phạm trị giá hàng triệu USD, được cho là liên quan đến cựu Phó Tổng thống Biden và một nhân vật nước ngoài, với việc trao đổi tiền bạc để đổi lấy các quyết định chính sách. Ông Grassley đã có được tài liệu này thông qua tiết lộ hợp pháp từ những người tố giác trong Bộ Tư pháp.

Theo tài liệu này, FBI đã phỏng vấn một nguồn tin bí mật “đáng tin cậy”, người đã tiết lộ chi tiết các cuộc gặp gỡ và trao đổi mà họ có với một giám đốc điều hành của công ty khí đốt Burisma Holdings tại Ukraine trong nhiều năm, bắt đầu từ năm 2015. Ông Hunter Biden vào thời điểm đó là thành viên hội đồng quản trị của Burisma.

Đáp lại các cáo buộc, ông Biden đã phủ nhận hoàn toàn, gọi những cáo buộc hối lộ này là “những lời vu khống vô căn cứ” vào năm ngoái.

“Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Tư pháp và FBI vẫn chưa trả lời liệu họ đã điều tra nội dung của biểu mẫu FD-1023 hay chưa, cũng như không cung cấp bất kỳ giải thích nào cho các nỗ lực nhằm thu thập hồ sơ tài chính và các bằng chứng khác được đề cập đến trong tài liệu này. Điều này giống hệt với phong cách lãnh đạo của Giám đốc FBI Comey trước đây, mà tôi chỉ có thể mô tả là một sự hổ thẹn không thể chấp nhận được”, ông Grassley viết cho ông Wray vào thứ Hai (30/12).

Khi được hỏi về lá thư của ông Grassley vào tháng trước, FBI tuyên bố: cơ quan này “đã nhiều lần chứng minh cam kết của mình trong việc đáp ứng giám sát từ Quốc hội và minh bạch với người dân Hoa Kỳ. Giám đốc Wray và Phó Giám đốc Abbate đã thực hiện các hành động mạnh mẽ để đạt được trách nhiệm giải trình trong các lĩnh vực được nêu trong lá thư và vẫn cam kết chia sẻ thông tin về các mối đe dọa liên tục thay đổi đối với quốc gia cũng như công việc phi thường của FBI”.

6/ Ông Wray ám chỉ ông Trump bị găm mảnh đạn trong vụ ám sát đầu tiên

Vào tháng Bảy, cựu Tổng thống Donald Trump đã may mắn thoát chết trong một vụ ám sát gây rúng động dư luận khi đang phát biểu tại một buổi vận động tranh cử ở Butler, tiểu bang Pennsylvania.

Kẻ tấn công, mai phục trên mái của một tòa nhà gần đó, đã bắn liên tiếp nhiều phát đạn. Một viên đạn sượt qua tai phải của ông Trump, trong khi làm hai người tham dự khác bị thương. Trong số đó, ông Corey Comperatore, một người cha và cũng là lính cứu hỏa tình nguyện địa phương, đã hy sinh khi cố gắng che chắn bảo vệ cho gia đình mình.

Ông Wray đã vấp phải sự chỉ trích khi phát biểu trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện rằng ông không rõ liệu ông Trump đã bị trúng đạn hay chỉ bị mảnh đạn găm vào tai ông.

“Tôi nghĩ, với trường hợp của cựu Tổng thống Trump, có một số nghi vấn liệu đó là đạn hay mảnh đạn, quý vị biết đấy, đã trúng vào tai ông ấy”, ông Wray phát biểu trong phiên điều trần.

Ngay sau đó, ông Trump đã lên tiếng chỉ trích gay gắt phát biểu này trên mạng xã hội.

“Giám đốc FBI Christopher Wray đã nói với Quốc hội hôm qua rằng ông ấy không chắc liệu tôi có bị trúng mảnh đạn, mảnh kính hay viên đạn (FBI thậm chí chưa bao giờ kiểm tra!), nhưng ông ấy chắc chắn rằng Joe Biden không gặp vấn đề về thể chất hay nhận thức – Thật sai lầm!” ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social vào tháng Bảy.

“Không, thật không may, đó là một viên đạn trúng vào tai tôi, và trúng rất mạnh. Không hề có mảnh kính nào, hay không có mảnh đạn nào cả. Bệnh viện đã kết luận đó là ‘vết thương do đạn bắn vào tai,’ và đó chính là sự thật. Không có gì ngạc nhiên khi FBI, một tổ chức từng được kính trọng, giờ đây đã đánh mất lòng tin của người dân Mỹ!”, ông Trump nói thêm.

FBI sau đó xác nhận rằng một viên đạn, “dù nguyên vẹn hay đã vỡ vụn”, thực sự đã trúng vào ông Trump.

Thiên Vân, theo Fox News

https://www.foxnews.com/politics/6-biggest-fbi-scandals-under-biden-administration


 2025-01-21  Kết thúc của chấn động và kinh ngạc: Bộ Tư pháp đã đưa ra lập luận như thế nào về lệnh ân xá J6 (Jonathan Turley, 21/1/2025) Và...