2024-03-19
18 Tổng chưởng lý lập luận rằng vụ truy tố của ông Jack Smith đối với cựu TT Trump là mang tính đảng phái
Các Tổng chưởng lý đã đệ trình một bản tóm tắt thân hữu của tòa án cho rằng thời điểm khởi tố là nhằm làm chệch hướng chiến dịch tái tranh cử của cựu tổng thống.
Các tổng chưởng lý đại diện cho Alabama, Florida, Idaho, Indiana, Iowa, Kansas, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Texas, Utah, và West Virginia viết rằng: “Các Tiểu bang tham gia Bản tóm tắt thân hữu của tòa án đại diện cho đông đảo dân chúng, hàng triệu người Mỹ đang lo ngại trước việc cơ quan công tố sốt sắng xét xử cựu Tổng thống Trump trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.”
“Các công tố viên tuyên bố rằng họ đại diện cho Người dân, nhưng cách tiếp cận của họ đối với cựu Tổng thống Trump cho thấy những động cơ thầm kín,” họ viết. “Pháp viện nên cân nhắc nguy cơ rằng việc buộc các cựu Tổng thống phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ tạo điều kiện cho hành vi lạm dụng mang tính đảng phái.”
Hôm 19/03, các luật sư của cựu Tổng thống Trump tranh luận rằng quyền miễn trừ của tổng thống là cần thiết trong bối cảnh truy tố hình sự nhằm ngăn chặn vòng xoáy buộc tội và thậm chí là “tống tiền” chính trị các đương kim tổng thống. Tối cao Pháp viện đã lên lịch tranh luận bằng miệng vào ngày 25/04.
Quyết định của tòa án cấp dưới
Các tổng chưởng lý chê trách việc tòa phúc thẩm từ chối bản kiến nghị bác bỏ của cựu Tổng thống Trump dựa trên quyền miễn trừ của tổng thống khi bỏ qua “điều hiển nhiên” trong quyết định của mình để coi cựu tổng thống là “công dân Trump.”
“Nếu ông ấy không phải là Tổng thống, thì sẽ không có chuyện này xảy ra,” các tổng chưởng lý lập luận, đồng thời liệt kê một số vụ kiện cựu Tổng thống Trump, bao gồm cả vụ kiện trước Tối cao Pháp viện do biện lý đặc biệt Jack Smith truy tố.
Ông Smith đã cáo buộc cựu Tổng thống Trump bốn tội cản trở và âm mưu dựa trên các hành động của ông vào ngày 06/01/2021, và các tổng chưởng lý tham gia bản tóm tắt thân hữu của tòa án đặt câu hỏi tại sao Bộ Tư pháp lại chờ đợi lâu như vậy để đưa vụ việc này ra nếu không phải vì lý do chính trị. Họ lưu ý rằng ông Smith được bổ nhiệm vài ngày sau khi cựu Tổng thống Trump tuyên bố tranh cử.
Các tổng chưởng lý này cho rằng sau sự việc được cho là chậm trễ trước khi truy tố này, các công tố viên đã đẩy nhanh vụ án.
“Không có bị cáo hình sự nào ngoài người này bị buộc phải tường trình ngắn gọn về một vấn đề mới trong Hiến Pháp trong một vài tuần, phải đệ trình đơn yêu cầu tòa án cấp trên xét lại vụ án trước quyết định của tòa án, phải từ bỏ việc toàn bộ thẩm phán của tòa xem xét lại vụ án, và v.v,” bản tóm tắt thân hữu của tòa án viết.
“Việc phía công tố không giải thích được sự vội vàng bất thường của mình cho thấy một câu trả lời đáng lo ngại: Rằng thời điểm truy tố được tính toán nhằm gây thiệt hại tối đa cho đối thủ chính trị của Tổng thống Biden trước cuộc bầu cử tháng 11/2024.”
Tòa phúc thẩm cho rằng nguy cơ truy tố vì mục đích đảng phái sẽ là hiếm, bởi vì các công tố viên có “nghĩa vụ đạo đức để không khởi xướng các vụ truy tố vô căn cứ,” và do đó nguy cơ các cựu tổng thống “bị quấy rối quá mức bởi các vụ truy tố hình sự liên bang vô căn cứ dường như không đáng kể.”
Các tổng chưởng lý tham gia bản tóm tắt thân hữu của tòa án lập luận rằng tình huống hiện tại mà cựu Tổng thống Trump phải đối mặt cho thấy nguy cơ là “bất cứ điều gì ngoại trừ ‘không đáng kể,’” và nguy cơ đó là điều mà các Tổ phụ Lập quốc đã “thường xuyên lo lắng.”
Các tổng chưởng lý nói rằng họ lo ngại “những cảm xúc mạnh mẽ và thù hận” đang thúc đẩy các bè cánh mang tính đảng phái sẽ gây nguy hiểm cho lợi ích chung vốn dẫn đến sự phân chia quyền lực. Họ nói thêm rằng quyền miễn trừ của tổng thống là cần thiết để duy trì sự cân bằng đó, và việc đàn hặc buộc họ phải chịu trách nhiệm trước người dân.
“Sẽ là bất công nếu các tòa án đối xử với cựu Tổng thống Trump như ‘bất kỳ bị cáo hình sự nào khác,’” họ lập luận, trích dẫn một phán quyết phúc thẩm về quyền miễn trừ của tổng thống, “trong khi phía công tố rõ ràng là không làm như vậy.”
Các Tổng chưởng lý chỉ trích việc so sánh với cố TT Nixon
Các tổng chưởng lý cho rằng tòa án cấp dưới đã sai lầm khi cho rằng một công tố viên có động cơ chính trị sẽ không nhắm vào một tổng thống ngay khi ông ấy rời nhiệm sở, và phán quyết này đã thực sự “làm nghiêng cán cân về bên công tố” trong vụ án hiện tại.
Tòa phúc thẩm đã so sánh các tổng thống với các bồi thẩm viên, những người có thể sợ bị buộc tội lại sau khi đưa ra một bản án.
“Nhưng sự so sánh đó hoàn toàn không thích hợp. Rủi ro cơ bản khi một công tố viên nhắm vào một bồi thẩm viên vì lợi ích cá nhân hoặc chính trị là gì? Tòa án này đã không nói được,” các tổng chưởng lý tham gia bản tóm tắt thân hữu của tòa án viết, đồng thời nói thêm rằng tầm nhìn rõ ràng của một tổng thống và các quyết định của ông khiến ông trở thành một “mục tiêu dễ bị nhắm đến.”
Tòa phúc thẩm cũng so sánh vụ việc hiện tại với các vụ án trước đây chẳng hạn như vụ của Tổng thống Richard Nixon, người được ân xá sau khi rời nhiệm sở, nhận thấy rằng điều này có nghĩa là các tổng thống đã tin rằng họ có thể phải đối mặt với truy tố hình sự.
Các tổng chưởng lý tham gia bản tóm tắt thân hữu của tòa án cho rằng đây chỉ là suy luận và “không ai trong số các Tổng thống được dẫn ra thực sự thừa nhận rằng họ bị truy tố hình sự sau khi rời nhiệm sở.”
Chưa có cựu tổng thống hoặc đương kim tổng thống nào bị truy tố hình sự, chứ chưa nói đến 4 bản cáo trạng hình sự ở các khu vực pháp lý khác nhau mà cựu Tổng thống Trump phải đối mặt. Các tổng chưởng lý tham gia bản tóm tắt thân hữu của tòa án lập luận rằng việc không có tham chiếu nào trong lịch sử có thể khiến một tổng thống suy ra quyền miễn trừ.
Cẩm An biên dịch