Thursday, February 1, 2024

 2024-01-31 

'Chiến dịch ngầm' chi phối bầu cử Mỹ năm 2020 - Điều gì sẽ xảy ra vào năm 2024?

(Kevin Stocklin, Epoch Times, 31/01/24) 

Đảng Cộng hòa có thể sẽ thua trong bầu cử tổng thống Mỹ 2024 vì đảng Dân chủ đang sử dụng những 'chiến dịch' đã có trong bầu cử năm 2020.

Cựu Tổng thống Donald Trump đang hướng tới việc được đảng Cộng hòa đề cử và ông cũng dẫn trước Tổng thống Joe Biden trong các cuộc thăm dò ở các tiểu bang quan trọng. Nhưng đảng Cộng hòa có thể sẽ phải 'ngược dòng' khó khăn hơn trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới đây.

Những thay đổi cơ bản về luật bầu cử tiểu bang, cùng với liên minh của các tổ chức phi lợi nhuận, tài chính, doanh nghiệp và liên minh cánh tả, đã mang lại cho đảng Dân chủ những lợi thế mà đảng Cộng hòa có thể không vượt qua được.

Trong những thập kỷ trước 2020, bộ máy của Ủy ban Quốc gia Cộng hòa (RNC) và Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) đều có những thế mạnh riêng: RNC có tiền và DNC có quân.

Như mô tả trong cuốn sách "The Victory Lab", nhà báo chính trị Sasha Issenberg cho biết, đảng Cộng hòa đã xuất sắc trong việc gây quỹ và chi mạnh tay cho việc truyền tải thông điệp qua các quảng cáo trả phí trên truyền hình, đài phát thanh và trực tuyến. Trong khi đó, DNC, với những người ủng hộ tập trung ở các đô thị lớn, đã kêu gọi "đội quân" của họ, đáng chú ý nhất là sinh viên và lãnh đạo công đoàn, đi từng nhà và kêu gọi phiếu bầu.

Vào năm 2020, bối cảnh đã thay đổi sau hai sự kiện: Đại dịch COVID-19 và cái chết của George Floyd trong khi bị cảnh sát bắt giữ. Khi đó, một dư luận xuất hiện nói rằng các luật bầu cử hiện hành của tiểu bang gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng và mang tính phân biệt chủng tộc và chúng phải thay đổi.

"Chiến dịch ngầm" năm 2020

Năm 2021, trên tờ Time xuất hiện một bài báo có tựa đề "Lịch sử bí mật của chiến dịch ngầm đã cứu cuộc bầu cử năm 2020". Trong đó, tác giả Molly Ball mô tả chi tiết về "một nhóm người quyền lực có nhiều tiền, đến từ nhiều ngành nghề và hệ tư tưởng khác nhau, cùng hợp tác đằng sau hậu trường để tác động đến nhận thức, thay đổi các quy tắc và luật lệ, định hướng đưa tin trên phương tiện truyền thông và kiểm soát luồng thông tin".

Trong khi ca ngợi nỗ lực này, bà Ball cho biết nhóm người này "không gian lận trong cuộc bầu cử mà họ đang củng cố bầu cử".

"Âm mưu", như bà Ball mô tả, bao gồm các nhà hoạt động của đảng Dân chủ (DNC), lãnh đạo công đoàn, các công ty công nghệ và truyền thông xã hội, các chủ ngân hàng Phố Wall và một mạng lưới các quỹ tài trợ phi lợi nhuận đã tập hợp hàng trăm triệu đô la để tài trợ cho "đội quân nhân viên bỏ phiếu và khiến hàng triệu người bỏ phiếu qua thư lần đầu".

Mặc dù mục tiêu của liên minh này, trên danh nghĩa, là "cứu nền dân chủ", nhưng mục tiêu chính là ngăn Tổng thống Trump giành được nhiệm kỳ thứ hai.

Và "nhóm nhiều tiền" dường như đang chuẩn bị cho màn trình diễn lặp lại vào năm 2024, với một vài thay đổi.

DNC và các nhóm liên minh sẽ dựa vào chiến lược gồm 5 phần để đảm bảo Tổng thống Trump không có và sẽ không có nhiệm kỳ thứ hai. Chiến lược đó bao gồm:

  1. Gây áp lực pháp lý mạnh mẽ lên các quan chức bầu cử của tiểu bang để nới lỏng luật minh bạch bầu cử.
  2. Trung tâm dữ liệu chứa thông tin cá nhân của cử tri để dự đoán cách họ sẽ bỏ phiếu.
  3. Liên minh "đội quân" cánh tả đưa ra những lá phiếu của đảng Dân chủ ở các tiểu bang quan trọng.
  4. Các nhóm có khả năng gây ra bạo động và bất ổn hàng loạt ở các thành phố và thị trấn nếu được huy động.
  5. Mạng lưới các công cụ tài chính để tài trợ cho tất cả những hoạt động trên.

Nhiệm vụ đầu tiên, sau khi "nhóm nhiều tiền" được thành lập, là thay đổi luật bầu cử của tiểu bang.

Viết lại các quy tắc bầu cử

Theo khẩu hiệu "không bao giờ để cuộc khủng hoảng trôi qua một cách lãng phí", một chiến dịch kiện tụng trên toàn quốc do DNC tài trợ đã buộc nhiều tiểu bang, ngay cả một số tiểu bang có thống đốc thuộc đảng Cộng hòa, phải từ bỏ những gì từng là thông lệ tiêu chuẩn về tính minh bạch trong bầu cử.

"Nỗ lực đó liên quan đến việc hủy bỏ các giao thức bảo mật cơ bản về các thủ tục bầu cử, bao gồm cả phiếu vắng mặt, và thúc đẩy cuộc bầu cử theo hướng bỏ phiếu qua thư. Điều này cho phép các nhà hoạt động của họ tự do gây áp lực, ép buộc và tác động đến cử tri tại nhà theo cách mà họ không thể làm được tại các điểm bỏ phiếu", nhà phân tích chính trị John Fund và Hans von Spakovsky viết trong cuốn sách năm 2021 có tựa đề "Our Broken Elections" (tạm dịch: "Các cuộc bầu cử đổ vỡ của chúng ta").

"Để thay đổi những điều này, cuối cùng họ đã đệ đơn kiện liên quan đến bầu cử nhiều hơn bất kỳ cuộc bầu cử nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ", các tác giả cho biết.

Có lẽ quan trọng nhất trong tất cả các cơ hội do đại dịch và tình trạng bất ổn gây ra là sự ra đời của các lá phiếu qua thư vắng mặt, hiện vẫn được sử dụng ở một số tiểu bang.

Theo Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, 43% cử tri Hoa Kỳ đã bỏ phiếu qua thư vào năm 2020, so với 21% đã làm vậy vào năm 2016.

Trong cuốn sách của mình, ông Fund và ông von Spakovsky đã viết rằng "làn sóng hàng triệu lá phiếu bỏ qua thư đã mở ra cơ hội cho sự nhầm lẫn chưa từng có và gian lận phần lớn không thể truy tìm".

"Có lý do mà một ủy ban lưỡng đảng do cựu Tổng thống Jimmy Carter đồng chủ trì vào năm 2005 gọi các lá phiếu vắng mặt qua thư là 'nguồn gian lận cử tri tiềm ẩn lớn nhất' và hầu hết các quốc gia trong Liên minh Châu Âu đã cấm 'bỏ phiếu qua thư' vì những lo ngại tương tự", các tác giả viết.

Chủ đề gian lận bầu cử đã gây tranh cãi mạnh mẽ. Những người cánh hữu khẳng định đó là một vấn đề đủ nghiêm trọng để có thể thay đổi kết quả bầu cử. Còn các nhóm cánh tả khẳng định không phải vậy. Quỹ Di sản, một tổ chức cánh hữu, lưu trữ một cơ sở dữ liệu về các trường hợp gian lận cử tri, ghi lại 1.500 trường hợp cho đến nay và 1.276 vụ kết án hình sự. Nhóm này tuyên bố rằng việc bỏ phiếu bất hợp pháp đã dẫn đến việc lật ngược kết quả bầu cử trong ít nhất một chục cuộc đua.

Tuy nhiên, Viện Brookings thiên tả cho biết những gì được ghi lại trong cơ sở dữ liệu của Quỹ Di sản "có thể nghe giống như những con số lớn, tuy nhiên ... đó là con số nhỏ so với, trên toàn quốc có hàng trăm triệu phiếu bầu trong thập kỷ qua". Vào tháng 12/2023, Rasmussen Reports và Viện Heartland đã tiến hành một cuộc khảo sát với hơn 1.000 cử tri về cách họ bỏ phiếu vào năm 2020. Phản hồi chia đều giữa cử tri đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ và 30% số người được hỏi cho biết họ đã bỏ phiếu qua thư.

Trong số những người bỏ phiếu qua thư được hỏi, 21% cho biết họ đã làm như vậy theo cách vi phạm luật bầu cử, bất kể họ có biết hay không. Điều này bao gồm việc điền phiếu bầu cho bạn bè và người thân và làm giả chữ ký của người khác trên các lá phiếu.

"Chúng tôi đã hỏi họ có bỏ phiếu qua thư ở một tiểu bang mà họ không còn là cư dân thường trú hay không, đó là gian lận cử tri", Justin Haskins, giám đốc tại Viện Heartland, nói với The Epoch Times. "Khoảng một phần năm số người được hỏi trả lời là có".

Cuộc khảo sát cũng phát hiện: 8% số người được hỏi cho biết bạn bè, thành viên gia đình của họ được đề nghị trả tiền hoặc thưởng vì đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2020.

Tư nhân hóa các hệ thống bỏ phiếu tiểu bang

Câu chuyện "đàn áp cử tri", được chấp nhận ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, phát huy thế mạnh của đảng Dân chủ.

Ông Issenberg viết: "Bởi vì luật thuế cho phép các tổ chức phi lợi nhuận điều hành các chiến dịch đăng ký và bỏ phiếu miễn là họ không thúc đẩy một ứng cử viên cụ thể, nên việc tổ chức các cộng đồng 'bị tước quyền bầu cử từ lâu' đã trở thành cách tiếp cận từ cửa sau để nâng cao số phiếu của đảng Dân chủ, bên cạnh các luật tài trợ cho chiến dịch".

Một ví dụ về điều mà ông Fund và ông von Spakovsky gọi là "tư nhân hóa" các hệ thống bỏ phiếu của tiểu bang bởi các nhà tài trợ giàu có, là Trung tâm Công nghệ và Công dân (CTCL) có trụ sở tại Chicago, một nhóm về danh nghĩa là phi đảng phái nhưng do các nhà hoạt động của đảng Dân chủ lãnh đạo.

CTCL đã nhận được 350 triệu đô la từ "Sáng kiến Chan Zuckerberg" của người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, trên danh nghĩa là để bảo vệ sức khỏe của cử tri và các quan chức bầu cử trong thời kỳ đại dịch.

Những khoản tiền 'Zuckerbucks' này, theo cách gọi của họ, đã được chuyển qua CTCL đến 2.500 khu vực bỏ phiếu để thanh toán cho các địa điểm bỏ phiếu mới, hòm bỏ phiếu, các trung tâm "giáo dục cử tri" và các chiến dịch tiếp cận cử tri không nói tiếng Anh.

Trong một trường hợp, CTCL đã trao 10 triệu đô la cho thành phố Philadelphia, nơi toàn bộ ngân sách quản lý bầu cử là 15 triệu đô la trước khi nhận được khoản tài trợ. Tuy nhiên, CTCL quy định rằng số tiền này được trả để "in và gửi các lá phiếu bỏ qua thư và để phân tán các hòm bỏ phiếu" trên khắp thành trì vững chắc của Đảng Dân chủ mà không có sự giám sát.

"Sự can thiệp của CTCL trên thực tế đã bôi trơn bánh xe cho một làn sóng chưa từng có, các lá phiếu qua thư được gửi qua các hòm thư riêng trên khắp thành trì vững chắc của đảng Dân chủ mà không có sự giám sát chính thức", ông Fund và ông von Spakovsky viết.

Theo các nhà phân tích, những khoản tài trợ từ CTCL không được phân bổ đồng đều trên khắp cả nước mà tập trung vào các tiểu bang dao động.

Và như nhà báo Mollie Hemingway đã trình bày chi tiết trong cuốn sách năm 2021 của cô, "Rigged", chỉ 2% ngân quỹ của CTCL thực sự chi cho các thiết bị bảo vệ liên quan đến COVID; phần lớn số còn lại tài trợ cho hoạt động của các tổ chức cánh tả nhằm thu hút thêm nhiều phiếu bầu, đặc biệt ở các khu vực thiên tả trong các tiểu bang dao động.

"Năm thành phố của Wisconsin nhận được 'Zuckerbucks' đã giao phần lớn hoạt động bầu cử của họ cho các nhóm tự do tư nhân", bà Hemingway viết.

"Như một trường hợp, quyền kiểm soát của nhóm tư nhân lớn đến mức một quan chức chính phủ thất vọng vì bị các nhà hoạt động tự do gạt sang một bên và ông đã nghỉ việc trước cuộc bầu cử", bà Hemingway viết.

Georgia là một mục tiêu hàng đầu của 'Zuckerbucks', nhận được 9% ngân quỹ mặc dù chỉ chiếm 3% dân số Hoa Kỳ, theo báo cáo của Quỹ Trách nhiệm Chính phủ (FGA). Và ở Georgia, tiền của CTCL được trao chủ yếu đến các khu vực bỏ phiếu cho Biden.

"Trong khi các quận nhận 'Zuckerbucks' [ở Georgia] do Donald Trump giành chiến thắng được cấp gần 2,3 triệu đô la—với tỷ lệ 1,91 đô la cho mỗi cử tri đã đăng ký—thì các quận của Joe Biden được cấp gần 29 triệu đô la, với tỷ lệ cao hơn nhiều là 7,13 đô la cho mỗi cử tri đã đăng ký", báo cáo cho biết.

"Đó là việc đăng ký cử tri có mục tiêu", Steward Whitson, giám đốc pháp lý của FGA, nói với The Epoch Times. "Họ không phải lo lắng về việc thu hút thêm nhiều cử tri đảng Cộng hòa nếu họ tập trung nỗ lực vào những nơi có cử tri thiên tả".

Bang Pennsylvania là một trường hợp tương tự

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Thủ đô (CRC), "các địa hạt của Trump [ở Pennsylvania] nhận được trung bình 0,59 đô la/người, trong khi các khu vực của Biden trung bình 2,85 đô la/người".

Báo cáo nêu rõ, cả năm địa hạt nhận được nhiều 'Zuckerbucks' nhất thì ông Biden đều giành chiến thắng (Allegheny, Chester, Delaware, Montgomery và Philadelphia) và những địa hạt đó chiếm 81% (gần 18 triệu đô la) trong tổng số tiền tài trợ cho Pennsylvania.

"Không phải 'mọi người đều bỏ phiếu'", Scott Walter, chủ tịch CRC, nói với The Epoch Times. "Đó là 'những người phù hợp bỏ phiếu ở các tiểu bang mà họ thực sự quan tâm để có thể nắm quyền ở Washington'".

Ở Arizona, những nỗ lực của CTCL đã thành công trong việc tăng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cho cả hai đảng nhưng lại đặc biệt ủng hộ các quận bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, ông Fund và ông von Spakovsky viết.

Các địa hạt ở Arizona do CTCL tài trợ đã tăng số phiếu của đảng Cộng hòa lên hơn 46% so với các khu vực không nhận được Zuckerbucks nhưng lại tăng số phiếu của đảng Dân chủ lên 81%.

Tính minh bạch trong bầu cử bị chính trị hóa

Nguy cơ gian lận cử tri càng trầm trọng hơn do chưa thể đảm bảo các hoạt động như yêu cầu chứng minh thư cử tri, xác minh chữ ký trên các lá phiếu qua thư và dọn dẹp danh sách cử tri để loại bỏ những người đã chết hoặc chuyển ra khỏi tiểu bang.

Các nhà phân tích cho biết, mặc dù Hoa Kỳ hiện không phải trong đại dịch, nhưng việc bỏ phiếu rộng rãi, qua thư vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt là ở các tiểu bang dao động quan trọng.

Ông Haskins cho biết: "So với các cuộc bầu cử trước năm 2020, luật [của tiểu bang] vẫn kém an toàn hơn nhiều về tính minh bạch trong bầu cử so với trước COVID và lý do lớn nhất dẫn đến điều này là nhiều tiểu bang hiện đã áp dụng phổ biến các kế hoạch cho phép bỏ phiếu qua thư". "Trong số các tiểu bang dao động, nơi thực sự sẽ quyết định cuộc bầu cử, hầu như không có việc cải thiện tính bảo mật của bỏ phiếu qua thư".

"Lý do là ở nhiều tiểu bang trong số đó, chẳng hạn như Pennsylvania và Michigan, các thống đốc tại nhiệm không ủng hộ mạnh mẽ luật minh bạch bầu cử. Vì vậy các cơ quan lập pháp đã phải vật lộn ở những tiểu bang đó để thông qua luật".

Thống đốc của hầu hết các tiểu bang dao động quan trọng, bao gồm Thống đốc Pennsylvania Josh Shapiro, Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer, Thống đốc Wisconsin Tony Evers và Thống đốc Arizona Katie Hobbs, đều là đảng viên Dân chủ.

Kể từ cuộc bầu cử năm 2020, 29 tiểu bang, bao gồm Georgia, Arizona, Wisconsin, Michigan, Bắc Carolina, Virginia, Ohio và Pennsylvania, đã thông qua luật cấm thanh toán tiền riêng cho các hệ thống bầu cử của tiểu bang, theo FGA.

Ông Whitson cho biết: "Luật này quy định nguồn tiền tư nhân không được tham gia vào cuộc bầu cử, đó là quản lý bầu cử".

Tuy nhiên, ở Michigan và Wisconsin, các thống đốc đảng Dân chủ đã phủ quyết luật này.

Theo báo cáo của Trung tâm Brennan về Công lý, một chi nhánh của Đại học New York, 14 tiểu bang đã ban hành tổng cộng 17 luật bầu cử vào năm 2023 mà Trung tâm coi là "hạn chế", trong khi 23 tiểu bang đã ban hành 53 luật mà báo cáo coi là "mở rộng". Và cuộc giằng co giữa các tiểu bang muốn thắt chặt hoặc nới lỏng luật minh bạch bầu cử thường diễn ra theo đường lối đảng phái.

Báo cáo viết: "Virginia gần đây đã dao động giữa việc ban hành các chính sách hạn chế và mở rộng tùy thuộc vào đảng nào nắm quyền".

Khi đảng Dân chủ kiểm soát Cơ quan lập pháp và văn phòng thống đốc từ năm 2020 đến năm 2022, họ đã thông qua các luật mở rộng, nhưng khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát từ năm 2022 đến năm 2024, họ "tìm cách đảo ngược một số cải cách này".

Báo cáo của Trung tâm Brennan mô tả đây là một cuộc xung đột giữa những người muốn khuyến khích bỏ phiếu và những người muốn ngăn chặn bỏ phiếu. Nhưng cơ sở của cuộc xung đột này liên quan nhiều hơn đến việc luật bỏ phiếu nào sẽ tạo ra nhiều lá phiếu hơn cho đảng nào.

Cấm Trump và 'Bidenbucks'

Ngoài cuộc giằng co về luật minh bạch bầu cử, một âm mưu pháp lý mới đã nảy sinh trong năm qua; đó là loại bỏ hoàn toàn Tổng thống Trump khỏi các lá phiếu. Cho đến nay, các vụ kiện pháp lý chống tư cách ứng cử của Tổng thống Trump đã được đệ trình ở hơn 30 tiểu bang.

Và mặc dù ảnh hưởng của 'Zuckerbucks' và những thứ tương tự có thể đang suy yếu khi cuộc bầu cử năm 2024 đến gần, nhưng số tiền do chính quyền Biden chỉ đạo, được gọi là 'Bidenbucks', dường như đang thay thế.

Thay vì hàng trăm triệu đô la do các cá nhân giàu có đóng góp, sáng kiến của liên bang bao gồm các quỹ của người nộp thuế không giới hạn.

Vào năm 2021, Tổng thống Biden đã ký Lệnh hành pháp 14019 có tiêu đề "Thúc đẩy quyền tiếp cận bỏ phiếu", chỉ đạo các cơ quan liên bang đảm nhận vai trò mà 'Zuckerbucks' đã đảm nhiệm vào năm 2020; cụ thể là, đăng ký cử tri với sự hỗ trợ của các nhóm lợi ích bên thứ ba phi chính phủ.

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, việc quản lý bầu cử nằm trong thẩm quyền của cơ quan lập pháp tiểu bang, nhưng chính quyền Biden đang cố gắng liên bang hóa các cuộc bầu cử theo lệnh hành pháp, vì không thể làm như vậy thông qua luật tại Quốc hội.

Một phần khác trong chiến lược của liên minh là kiểm soát dư luận với sự hợp tác của các diễn viên, phương tiện truyền thông và các công ty công nghệ. Liên minh năm 2020 đã gây sức ép buộc các công ty truyền thông xã hội hủy bỏ những gì các nhà hoạt động của DNC cho là "thông tin sai lệch".

Theo bài báo của bà Ball trên tờ Time, "Laura Quinn, một nhà hoạt động cấp tiến kỳ cựu, người đồng sáng lập Catalist ... đã điều hành một dự án bí mật, vô danh, nhằm theo dõi 'thông tin sai lệch' trực tuyến và cố gắng tìm ra cách chống lại".

Bà Quinn và những người khác của DNC đã gây sức ép buộc các công ty truyền thông xã hội theo dõi và xóa thông tin mà đảng Dân chủ cho là sai sự thật, bà Ball viết.

Nỗ lực này có thể bao gồm việc đàn áp các bản tin của tờ New York Post vào tháng 10 năm 2020 liên quan đến bằng chứng buộc tội trên máy tính xách tay của Hunter Biden, con trai của Joe Biden.

Mặc dù những bản tin này sau đó được xác nhận là đúng sự thật, nhưng chúng đã bị các công ty truyền thông xã hội chặn ngay lập tức và không trở thành tin tức chính thống cho đến sau cuộc bầu cử.

'Huy động quần chúng'

Một thành phần khác trong chiến lược của DNC là phối hợp tình trạng bất ổn xã hội, được tổ chức bởi các nhóm như "Bảo vệ kết quả", "Liên minh Bảo vệ Dân chủ" và "Bàn phản kháng".

Bà Ball trích dẫn lời của Angela Peoples, giám đốc Liên minh Bảo vệ Dân chủ, cho biết rằng để chuẩn bị cho kết quả bất lợi trong cuộc bầu cử năm 2020. "Chúng tôi muốn lưu tâm đến thời điểm thích hợp để kêu gọi quần chúng xuống đường".

Tuy nhiên, khi ông Biden được tuyên bố là người chiến thắng, phong trào "Bảo vệ Kết quả" đã thông báo rằng "sẽ không kích hoạt toàn bộ mạng lưới huy động quốc gia vào hôm nay, nhưng vẫn sẵn sàng kích hoạt nếu cần thiết", bà Ball viết.

Bà Ball kết luận: "Các thành viên của liên minh bảo vệ cuộc bầu cử đã đi theo con đường riêng của họ".

Nhưng các hồ sơ tài chính của một số nhóm phi lợi nhuận cấp tiến cho thấy nhiều hoạt động của họ sẽ lặp lại vào năm 2024.

Theo Epoch Times



Dương Minh biên dịch




 

 2025-01-21  Kết thúc của chấn động và kinh ngạc: Bộ Tư pháp đã đưa ra lập luận như thế nào về lệnh ân xá J6 (Jonathan Turley, 21/1/2025) Và...