Tuesday, February 6, 2024

 2024-01-23 

‘Quả bom chưa nổ’ trong Hiến Pháp đang đe dọa cuộc bầu cử năm 2024

Lịch sử đằng sau Mục 3 của Tu chính án thứ 14 đang được sử dụng để loại cựu TT Trump khỏi các lá phiếu bầu cử và sẽ được Tối cao Pháp viện xét xử.

(Petr Svab, Epoch Times, 23/1/2024)

‘Quả bom chưa nổ’ trong Hiến Pháp đang đe dọa cuộc bầu cử năm 2024

Trong một tình huống hết sức trớ trêu liên quan đến lịch sử, một trong những phần ít được nghiên cứu nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ sắp gây ra một cơn lốc trả thù chính trị trên đất nước này.

Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện vẫn có thể ngăn chặn một hậu quả như vậy.

Mục 3 của Tu chính án thứ 14, điều khoản tước bỏ tư cách [nắm giữ chức vụ công quyền], có mục đích ban đầu là để trừng phạt những kẻ nổi loạn trong Nội Chiến và kể từ đó thường bị coi là không phù hợp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mục này đã được một số học giả nhắc lại và được các nhà hoạt động và quan chức Đảng Dân Chủ sử dụng. Họ nói rằng mục này cấm cựu Tổng thống (TT) Donald Trump trở lại nắm quyền do vai trò của ông trong cuộc nổi loạn tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021.

Tòa án Tối cao Colorado kết luận rằng cựu TT Trump đã tham gia vào cuộc nổi dậy và do đó bị tước bỏ tư cách tham gia tranh cử theo Mục 3.

Đổng lý Tiểu bang Maine Shenna Bellows cũng đưa ra một phán quyết tương tự. Những nỗ lực tương tự đang được tiến hành ở các tiểu bang khác như New York, California, và Pennsylvania.

Tối cao Pháp viện đã đồng ý xét xử vấn đề này theo một lịch trình nhanh chóng, ấn định phiên điều trần vào ngày 08/02.

Nhiều chuyên gia về Hiến Pháp cho biết nội dung của Mục 3 có phạm vi rộng, vẫn còn bỏ ngỏ, và cần được giải thích một cách thận trọng. The Epoch Times đã xem xét hàng ngàn trang văn bản pháp lý, học thuật, và lịch sử về vấn đề này.

Theo lời của một chuyên gia, điều nguy hiểm là hồ sơ lịch sử cho thấy điều khoản này được viết mà hầu như không có tầm nhìn xa về cách mà điều khoản này có thể được áp dụng ngoài bối cảnh cuộc Nội Chiến — một “quả bom chưa nổ” ẩn mình trong Hiến Pháp.

Đảng Cộng Hòa là tác giả viết nên điều luật này và họ đang phải đối mặt với việc bị lật đổ bằng chính bộc phá của mình cho dù ngòi nổ đó đã tồn tại hơn 150 năm qua.

Tuy nhiên, các tác động có thể dội ngược trở lại vì một số người vẫn mang suy nghĩ rằng, nếu Mục 3 áp dụng được cho cựu TT Trump thì cũng có thể áp dụng một cách hợp lý cho nhiều thành viên Đảng Dân Chủ, trong đó có chính TT Joe Biden.

Giai đoạn lịch sử hỗn loạn

Tu chính án thứ 14 phát sinh từ những hậu quả chính trị của cuộc Nội Chiến vừa kết thúc. Quốc hội nhiệm kỳ thứ 39, do Đảng Cộng Hòa chiếm đa số, được triệu tập vào năm 1865 trong thời điểm đầy những khó khăn.

Ông Kurt Lash, một giáo sư luật Hiến Pháp tại Đại học Richmond và là chuyên gia hàng đầu về lịch sử của Tu chính án thứ 14, cho biết: “Họ gặp nhau chỉ vài tháng sau khi Nội chiến kết thúc và Tổng thống Abraham Lincoln đã bị ám sát chỉ vài tháng trước đó.”

Ông nói với The Epoch Times rằng ngay lập tức, Đảng Cộng Hòa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị.

Quân đội Liên bang và Liên minh miền Nam chiến đấu trong Trận Franklin ở Tennessee vào ngày 30/11/1864. (Ảnh: MPI/Getty Images)
Quân đội Liên bang và Liên minh miền Nam chiến đấu trong Trận Franklin ở Tennessee vào ngày 30/11/1864. (Ảnh: MPI/Getty Images)

Một lý do là, việc phóng thích hàng triệu nô lệ đã gây ra những hậu quả không lường trước được.

Trong thời kỳ lập quốc, các tiểu bang miền Bắc đã tìm cách giảm bớt những gì mà họ coi là lợi thế chính trị không công bằng của miền Nam — cuộc thống kê dân số đã tính cả số lượng nô lệ cho việc chia ghế trong Hạ viện và Đại cử tri Đoàn, nhưng nô lệ sẽ không được phép bỏ phiếu, từ đó tăng quyền bầu cử cho người miền Nam tự do.

Đó là lý do tại sao miền Bắc khăng khăng không tính nô lệ, trong khi miền Nam muốn họ được tính. Cuối cùng, một thỏa hiệp đã đạt được là một người nô lệ được tính bằng 3/5 so với một người [tự do].

Sau khi được trả tự do, những người nô lệ trước đây sẽ lại được coi là một con người trọn vẹn, điều này sẽ “khuếch đại quyền lực chính trị của các tiểu bang sở hữu nô lệ khi những tiểu bang này quay trở lại Quốc hội,” ông Lash nói.

Sau chiến tranh, Đảng Dân Chủ miền Nam ngay lập tức thiết lập “Luật người da đen” (Black Codes), trên thực tế đã ngăn chặn các quyền của người Mỹ gốc Phi Châu, bao gồm cả quyền bầu cử, và chặn trước việc hình thành một khối Cộng Hòa ở miền Nam.

Ông Lash cho biết, Đảng Dân Chủ miền Nam và miền Bắc đang trên đà hợp tác để giành đa số trong Quốc hội, dập tắt chương trình “Tái thiết” của Đảng Cộng Hòa.

“Đây là mối nguy hiểm trước mắt đối với Đảng Cộng Hòa và Liên bang.”

Đảng Cộng Hòa đã sẵn sàng sử dụng các biện pháp cực cấp tiến để ngăn chặn một mối nguy hiểm như vậy. Khi các nghị sĩ Đảng Dân Chủ miền Nam quay trở lại Quốc hội vào lúc Quốc hội nhiệm kỳ thứ 39 bắt đầu vào tháng 12/1865, khối đa số Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đúng là đã từ chối xướng tên và xếp chỗ cho họ.

Dân biểu James Brooks (Dân Chủ-New York), một thành viên Đảng Dân Chủ nổi bật ở miền Bắc, đã yêu cầu Thư ký Hạ viện giải thích, nhưng Dân biểu Thaddeus Stevens (Cộng Hòa-Pennsylvania) xen vào: “Điều đó không cần thiết. Chúng tôi biết tất cả.”

“Mọi chuyện vô cùng căng thẳng,” ông Lash nói.

Tổng thống (TT) Andrew Johnson, một thành viên Đảng Dân Chủ miền Bắc từng đồng tranh cử với TT Lincoln vào năm 1864 với tư cách phó tổng thống liên danh thuộc Đảng Liên minh Quốc gia, không đồng tình với việc loại trừ các nghị sĩ miền Nam. Ông Lash cho biết, sự rạn nứt giữa Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa ngày càng lan rộng, một sự chia rẽ bao trùm khắp đất nước.

Ông cho rằng nếu các thành viên Đảng Dân Chủ miền Bắc và miền Nam kết hợp để chiếm một khối đa số trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1866, thì có rất có thể TT Johnson sẽ hợp tác với họ để thành lập một Quốc hội mới từ chối cho các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tham gia và “loại bỏ hoàn toàn Quốc hội của Đảng Cộng Hòa.”

“Có thể chúng ta sẽ có hai chính phủ cạnh tranh nhau sau cuộc bầu cử năm 1866 và điều đó sẽ dẫn đến cuộc nội chiến thứ hai.”

Để tìm ra một giải pháp, Đảng Cộng Hòa ở cả Hạ viện và Thượng viện đã thành lập Ủy ban Chung về Tái thiết để nhanh chóng soạn thảo các sửa đổi Hiến Pháp nhằm bảo đảm những người được phóng thích ở miền Nam được phép thực hiện các quyền của mình.

Họ cũng nhận thấy cần phải ngăn chặn những người từng gia nhập Liên minh nắm quyền, gần như là một hình phạt cho tình trạng tàn sát khốc liệt trong chiến tranh và cũng là một lời quở trách cho TT Johnson, người đang ân xá một cách hào phóng cho những người từng nổi dậy.

Ủy ban này đã đưa ra hàng loạt đề xướng nhưng đều thất bại. Không chỉ các thành viên Đảng Dân Chủ phản đối gay gắt kế hoạch này, mà ngay cả các thành viên Đảng Cộng Hòa cũng mâu thuẫn nội bộ. Những người cực cấp tiến tìm cách trừng phạt miền Nam một cách nghiêm khắc vì những gì họ xem là phản bội, trong khi những người ôn hòa tìm kiếm sự khoan hồng để theo đuổi một giải pháp hòa giải. Một cánh mới của phe Bảo tồn Truyền thống Thiên tả đã xuất hiện, thúc đẩy sự khoan dung hơn nữa đối với miền Nam.

Cuối cùng, nhà hoạt động Đảng Cộng Hòa Robert Owen đã đề xướng với ông Stevens một cách tiếp cận khác — tập hợp tất cả những đề xướng này lại với nhau và đe dọa phá hủy toàn bộ nỗ lực nhằm buộc những người bất đồng chính kiến phải thuận theo một tiêu chuẩn chung.

Ủy ban này đã làm như vậy, đưa ra một bản dự thảo gần với bản sửa đổi cuối cùng, ngoại trừ Mục 3.

Mục 3 cấm các thành viên nào từng tham gia cuộc nổi loạn của Liên minh miền Nam bỏ phiếu bầu cử Quốc hội và Đại cử tri Đoàn. Quốc hội không muốn điều này. Một số thành viên cho rằng mục này đã tước đoạt quyền bầu cử của quá nhiều người Mỹ. Những người khác cho rằng điều khoản về Đại cử tri Đoàn rất dễ bị lách luật vì các tiểu bang có thể thông qua luật bổ nhiệm đại cử tri thay vì bỏ phiếu cho họ.

Ông Lash nói: “Mục này đã bị băm thành nhiều mảnh nhỏ.”

Vì không muốn gây nguy hiểm cho phần còn lại của đề xướng này, nên Hạ viện đã thông qua dự thảo sửa đổi đó.

Tuy nhiên, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện không chấp nhận điều đó. Họ khẳng định Mục 3 phải bị bác bỏ và thay thế. Sau khi bế tắc tại Thượng viện, Đảng Cộng Hòa rút lui để tiếp tục thảo luận riêng. Những cuộc thảo luận được cho là “bí mật” lại chẳng có gì là bí mật. Các thượng nghị sĩ luôn cập nhật cho báo chí về tiến trình đàm phán của họ, hay đúng hơn là thiếu tiến trình đó. Cuối cùng, năm Thượng nghị sĩ, những người phục vụ trong Ủy ban Chung ban đầu, được yêu cầu soạn thảo ngôn ngữ mới cho Mục 3 với sự hiểu biết rằng bất cứ điều gì họ viết ra đều sẽ được chấp thuận.

Thượng nghị sĩ William Fessenden (Cộng Hòa-Maine) đã chuyển kết quả tới nhóm họp kín, ghi nhận công lao của hai đồng nghiệp của ông là Thượng nghị sĩ Jacob Howard (Cộng Hòa-Michigan) và Thượng nghị sĩ James Grimes (Cộng Hòa-Iowa), vì đã đưa ra bản dự thảo mà sau đó đã được nhóm họp kín đồng lòng thông qua chỉ với một số điều chỉnh. Trở lại sàn Thượng viện, Đảng Cộng Hòa sau đó đã bác bỏ mọi phản đối và thông qua toàn bộ bản sửa đổi.

Phiên bản cuối cùng của Mục 3 thể hiện một thất bại nặng nề đối với những thành viên cực cấp tiến của Đảng Cộng Hòa. Khác xa với việc tước quyền bầu cử của những người nổi dậy trong Liên minh miền Nam, mục này chỉ cấm những người trước đây đã tuyên thệ với Hiến Pháp được nắm giữ một số chức vụ nhất định, ông Lash đã viết trong bài nghiên cứu gần đây của mình, “Ý nghĩa và sự mơ hồ của Mục 3 trong Tu chính án thứ 14.”

Khi đó, Thượng nghị sĩ Lyman Trumbull (Cộng Hòa-Illinois) nói với báo chí rằng điều này “nhằm tạo ra một sự kỳ thị, một sự ô nhục nào đó đối với những người lãnh đạo cuộc nổi dậy này.”

“Không còn cách nào khác để làm điều đó ngoại trừ điều khoản kiểu như thế này.”

Trở lại Hạ viện, ông Stevens chỉ trích Mục 3 mới là không thỏa đáng, và khẩn nài Quốc hội thông qua “các đạo luật tạo điều kiện thích hợp” để Tu chính án này có hiệu lực nhằm tránh việc nó “có thể trao Quốc hội và Tổng thống tiếp theo cho phe nổi dậy được tái thiết này.”

Hạ viện ở Hoa Thịnh Đốn năm 1868. (Ảnh: MPI/Getty Images)
Hạ viện ở Hoa Thịnh Đốn năm 1868. (Ảnh: MPI/Getty Images)

Bất chấp sự phản đối của mình, ông vẫn ủng hộ Tu chính án, và Hạ viện đã thông qua ngay sau đó, giao văn kiện này cho các tiểu bang phê chuẩn.

Tuy nhiên, hầu hết các tiểu bang miền Nam đều từ chối phê chuẩn.

Đảng Cộng Hòa, được củng cố bởi chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1866, đã phản ứng bằng cách thông qua hai Đạo luật Tái thiết áp đặt lên miền nam một loạt yêu cầu như một điều kiện để tiếp nhận họ vào liên minh và cho phép các nghị sĩ của họ được ngồi vào ghế.

Các điều kiện bao gồm việc bãi bỏ Luật người da đen, thông qua Hiến Pháp mới của các tiểu bang, chuyển các tiểu bang dưới sự giám sát chính thức của quân đội và phê chuẩn Tu chính án thứ 14. Tổng thống Johnson phủ quyết các dự luật này, nhưng Đảng Cộng Hòa đã phủ quyết ông ấy.

Tuy nhiên, miền Nam vẫn không hợp tác.

Đạo luật Tái thiết chỉ thị quân đội giám sát việc bỏ phiếu và ghi danh cử tri ở miền Nam, cho phép người Mỹ gốc Phi Châu được quyền tham gia. Sau đó, những cử tri mới này đã giúp khởi động các Hội nghị Lập hiến, thông qua Hiến Pháp mới của các tiểu bang, thành lập các chính phủ mới, và trong số này đã có đủ số người phê chuẩn Tu chính án để kế hoạch này vượt qua được sự chấp thuận cần thiết của 3/4 số tiểu bang.

Cuối cùng, vào ngày 09/07/1868, Tu chính án thứ 14 đã được thông qua.

Mục 3 quy định: “Những người đã tuyên thệ ủng hộ Hiến Pháp của Hoa Kỳ với tư cách là thành viên của Quốc hội, hoặc quan chức của Hoa Kỳ, hoặc thành viên của cơ quan lập pháp của bất kỳ tiểu bang nào, hoặc quan chức hành pháp hoặc tư pháp của bất kỳ tiểu bang nào nhưng lại tham gia vào cuộc nổi dậy hay nổi loạn chống lại Hiến Pháp hoặc trợ giúp hoặc úy lạo kẻ thù, thì không thể là Thượng nghị sĩ hoặc Dân biểu trong Quốc hội, hoặc đại cử tri để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, hoặc giữ bất kỳ chức vụ nào, dân sự hay quân sự, dưới Hoa Kỳ hoặc dưới một tiểu bang nào đó. Nhưng Quốc hội có thể loại bỏ tình trạng không đủ tư cách đó bằng hai phần ba số phiếu của mỗi viện.”


Hồ sơ ghi chép còn hạn chế

Để giải thích Hiến Pháp, việc xem xét cuộc tranh luận diễn ra trước khi luật được thông qua và phê chuẩn thường rất hữu ích. Tuy nhiên, theo ông Dave Kopel, giám đốc nghiên cứu của Viện Độc lập và là chuyên gia về Hiến Pháp và bối cảnh pháp lý thế kỷ 18, trong trường hợp của Mục 3, hồ sơ ghi chép của Quốc hội còn hạn chế.

“Chắc chắn mục này không trả lời được mọi thứ và không có phạm vi lớn đến thế,” ông Kopel cho biết. “Chúng ta đã có một số thông tin về việc áp dụng ban đầu và đó gần như là tất cả những gì chúng ta có.”

Ông Lash cho biết, việc thiếu sự rõ ràng về mặt lịch sử và việc thiếu nghiên cứu chung về chủ đề này khiến việc giải thích trở nên phức tạp.

Ông nói: “Không có chuyên gia nào về Mục 3. “Chúng ta sẽ nắm bắt được vấn đề này khi đi tiếp.”

Mang tính thỏa hiệp, văn bản của Mục 3 bị ảnh hưởng bởi một số áp lực cạnh tranh. Những người cực cấp tiến muốn mục này trừng phạt những kẻ nổi loạn trước đây và ngăn họ tiến vào hội trường Quốc hội.

Ông Stevens tuyên bố nếu không có mục này, “cánh bên đó của Hạ viện sẽ tràn ngập những kẻ ly khai la hét và rít lên như rắn độc.”

Tuy nhiên, mục này cũng không thể quá sâu rộng vì nó sẽ đẩy lùi những người theo chủ nghĩa ôn hòa và thiên tả.

Trong khi đó, mục này cần phải được xây dựng nhanh chóng vì nó đang cản trở toàn bộ Tu chính án thứ 14.

Với những hạn chế này, hầu như tất cả các cuộc tranh luận về Mục 3 đều tập trung vào những vấn đề cấp thiết nhất — ngăn chặn những người nổi dậy trước đây vào Quốc hội và ngăn họ gây ảnh hưởng đến Đại cử tri Đoàn trong cuộc bầu cử năm 1868 sắp đến gần, theo ông Lash và các ghi chép lịch sử.

“Đó là điều mà mọi người lưu tâm. Mọi người đều nhìn vấn đề này dưới góc độ: ‘Làm thế nào để chúng ta đối phó với những kẻ sát nhân hàng loạt trong Nội chiến vốn là những kẻ điều hành các nhà tù và bỏ đói tù nhân chiến tranh của chúng ta cho đến chết, những kẻ phải chịu trách nhiệm cho 600,000 người tử vong ở miền Bắc và miền Nam và hiện là những người tạo ra hàng ngàn kẻ nổi loạn đang chực chờ,’” ông nói.

Hầu như không có tranh luận về hậu quả rộng hơn của điều khoản này. Liệu điều khoản đó sẽ chỉ áp dụng cho Liên minh miền Nam hay sẽ được áp dụng cho bất kỳ cuộc nổi dậy nào trong tương lai? Chính xác thì mục này được thực thi như thế nào? Liệu mục này có áp dụng cho tổng thống và phó tổng thống hay không?

Đối với hầu hết các câu hỏi như vậy, “có những lập luận đáng tôn trọng theo cả hai cách và đó không phải là vấn đề pháp luật được giải quyết rõ ràng,” ông Kopel cho biết.

Bản in màu của một bức tranh khắc gỗ mô tả Dân biểu Thaddeus Stevens (Cộng Hòa-Pennsylvania) đưa ra lập luận cuối cùng trước Hạ viện trong cuộc tranh luận ngày 02/03/1868 về các điều khoản đàn hặc. (Ảnh: Tài liệu công cộng)
Bản in màu của một bức tranh khắc gỗ mô tả Dân biểu Thaddeus Stevens (Cộng Hòa-Pennsylvania) đưa ra lập luận cuối cùng trước Hạ viện trong cuộc tranh luận ngày 02/03/1868 về các điều khoản đàn hặc. (Ảnh: Tài liệu công cộng)

Nội dung được soạn thảo sơ sài

Như ông Lash thừa nhận, Mục 3 không phải là luật được viết đặc biệt rõ ràng.

“Nội dung mục này lẽ ra có thể được viết rõ ràng hơn nhiều,” ông nói trong một phúc đáp qua thư điện tử, đồng thời lưu ý rằng bản dự thảo ban đầu, do “lưỡng đảng viết” và mất nhiều tháng để hoàn thiện, “đã bị cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa chỉ trích một cách thậm tệ.”

Các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa sau đó đã viết lại toàn bộ mục này chỉ trong vài ngày và nhanh chóng thông qua nó.

“Không có tranh luận công khai, không có lời giải thích. Không có gì. Sau đó, họ quay trở lại Thượng viện với ý định thông qua điều khoản này mà không có bất kỳ thay đổi nào bất chấp bị chỉ trích thêm,” ông Lash nói.

“Đây không phải là cách tốt nhất để tạo ra một văn bản rõ ràng và hiệu quả.”

Ông Rob Natelson, một học giả Hiến Pháp và là một trong những chuyên gia hàng đầu về ý nghĩa gốc của văn kiện này, thậm chí còn kém hào phóng hơn trong đánh giá của mình.

Ông nói: “Những người bảo trợ cho tu chính án này thường không biết họ đang làm gì.”

Ông nói rằng toàn bộ Tu chính án thứ 14, trong khi có tầm quan trọng như vậy, nhưng văn phong pháp lý lại lỏng lẻo.

“Họ đã làm một việc dở tệ như thế, chúng ta đã tranh cãi về những điều khoản quan trọng nhất kể từ đó. Quốc hội nhiệm kỳ thứ 39 rõ ràng là kém xa trong vai trò là người soạn thảo so với Hội nghị Lập hiến.”

Ông chỉ ra rằng một số phần của luật này không thể thi hành được ngay từ đầu, chẳng hạn như “đại diện của một tiểu bang trong Hạ viện sẽ bị giảm đi nếu tiểu bang đó tước quyền bầu cử của một bộ phận nam giới.”

Ông nói: “Điều khoản đó là, và vẫn luôn là, một điều khoản không còn được thực thi nữa.

Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng trong Mục 1 của Tu chính án này đã được sử dụng “để trao cho người Mỹ gốc Phi Châu các quyền bình đẳng với người da trắng, nhưng không có bất kỳ lý giải nào về những phân nhánh rộng hơn trong cách diễn đạt Điều khoản này,” ông cho biết.

“Khi một nhà bảo trợ được hỏi liệu điều khoản này có trao quyền bầu cử cho phụ nữ hay không, nhà bảo trợ quốc hội này đã nói ấp úng một cách không có sức thuyết phục. Ông ấy nghĩ là không, nhưng họ đã không sửa đổi Điều khoản này để làm rõ điều đó.”

Điều khoản này “đã trở thành một lời mời gọi các hoạt động tư pháp,” ông nói.

Ông cho rằng việc phân tích pháp lý về Tu chính án này hiếm khi có những lời phê bình như vậy.

“Tôi chưa bao giờ gặp một học giả luật nào viết về Tu chính án thứ 14 sẽ sẵn sàng nói rằng nó có vấn đề.”


Những cuộc nổi dậy trong tương lai

Cuộc tranh luận về Mục 3 tập trung trực tiếp vào Liên minh miền Nam. Tuy nhiên, ông Lash tìm thấy vài nhận xét cho thấy ít nhất một số nhà lập pháp vào thời điểm đó đã hiểu mục này cũng áp dụng cho các cuộc nổi dậy trong tương lai.

Thượng nghị sĩ John Henderson (Cộng Hòa-Missouri) nói: “Mục này được soạn ra để tước quyền nắm giữ chức vụ công quyền đối với những người lãnh đạo cuộc nổi dậy trong quá khứ cũng như những người lãnh đạo của bất kỳ cuộc nổi dậy nào từ đó trở đi.”

Dân biểu Schuyler Colfax (Cộng Hòa-Indiana), Chủ tịch Hạ viện vào thời điểm đó, cho rằng Tu chính án thứ 14 đã “được gắn vào những bức tường thành bất diệt của Hiến Pháp quốc gia chúng ta, mà những làn sóng ly khai phản đối tu chính án này có thể ập đến trong tương lai nhưng cũng vô ích mà thôi.”

Không có chỗ nào trong nội dung văn bản gốc của điều khoản này nói rằng nó chỉ giới hạn trong quá khứ. Và nhiều chuyên gia thừa nhận rằng, nội dung văn bản gốc là chỗ mà Tối cao Pháp viện bắt đầu công việc phân tích của mình.

Ngay cả khi Đảng Cộng Hòa có ý định rằng Mục 3 chỉ áp dụng cho Liên minh miền Nam, thì có lẽ họ sẽ không muốn diễn đạt ý định này theo cách đó vì điều đó sẽ bị công kích là một dự luật về tước quyền công dân — một luật tuyên bố một người hoặc một nhóm người phạm pháp.

Điều 1 Mục 9 của Hiến Pháp nghiêm cấm những dự luật như vậy.

Trong các trường hợp hiếm hoi được ghi chép mà trong đó Mục 3 được thi hành, từng có lập luận được đưa ra để phản đối dự luật về tước quyền công dân này, nhưng đã thất bại.​

Tự động có hiệu lực

Mục 3 được viết theo cách ám chỉ rằng luật này sẽ “tự động có hiệu lực,” có nghĩa là không cần Quốc hội thông qua dự luật riêng để thi hành, theo ông William Baude, giáo sư luật tại Đại học Chicago, và ông Michael Paulsen, giáo sư luật tại Đại học St. Thomas, cả hai ông đều là những chuyên gia xuất sắc về giải thích Hiến Pháp.

Mục 5 của Tu chính án thứ 14 nói rằng “Quốc hội có quyền thực thi” tu chính án này “bằng luật thích hợp.”

Nhưng điều đó không có nghĩa là Quốc hội phải làm như vậy để Tu chính án này có hiệu lực, hai vị giáo sư này nói trong một bài phân tích năm 2023, “The Sweep and Force of Section Three” (Sự Sâu rộng và Quyền lực của Mục Ba).

Ông Lash nói đó là một “lập luận hợp lý.”

Vì “tự động có hiệu lực” nên Mục 3 có thể được thực thi bởi “bất kỳ ai có thẩm quyền pháp lý (theo luật liên bang hoặc tiểu bang liên quan) để quyết định xem một người nào đó có đủ tư cách đảm nhận chức vụ hay không,” theo Bài phân tích pháp lý của hai ông William Baude and Michael Stokes Paulsen (sau đây gọi tắt là phân tích Baude-Paulsen).

“Do đó, Mục 3 hoạt động như một kiểu hệ thống miễn dịch của Hiến Pháp, điều động mọi quan chức chịu trách nhiệm về việc áp dụng Hiến Pháp để không cho phép những người về căn bản đã phản bội lệnh của Hiến Pháp được tiếp tục hoặc quay trở lại nắm quyền.”

Theo cách giải thích này, bất kỳ quan chức đơn độc nào được giao nhiệm vụ xác minh, chẳng hạn, liệu một ứng cử viên tổng thống có đạt tối thiểu là 35 tuổi hay không cũng có thể tự động phân xử liệu một ứng cử viên như vậy có tham gia nổi dậy hay không.

Đổng lý tiểu bang Maine quả thực đã làm như thế khi được đặt vào vị trí như vậy, và tuyên bố rằng cựu Tổng thống Trump nên bị loại khỏi cuộc bầu cử.

Nhưng ông Lash cảnh báo không nên giải thích như vậy.

Ông cho biết rằng ông Stevens đã hai lần công khai nói trong quá trình soạn thảo rằng điều khoản này sẽ đòi hỏi phải có luật để thực thi.

“Điều khoản này sẽ không tự động có hiệu lực,” ông Stevens nói về bản dự thảo của Hạ viện.

“Vào thời điểm đó, hoặc bất kỳ thời điểm nào trước khi điều khoản này được thông qua lần cuối, không có ai là không đồng tình với tuyên bố của ông Stevens rằng điều khoản này sẽ không tự động có hiệu lực, hoặc đề nghị soạn thảo lại điều khoản để có thể thi hành ngay cả khi không có dự luật của Quốc hội,” ông Lash cho biết.

Tuy nhiên, phân tích Baude-Paulsen lập luận rằng những điều mà những người soạn thảo này chủ định không quan trọng bằng những gì họ thực sự đã thông qua.

Chỉ vì một số hậu quả từ ngôn từ của Mục 3 “là nằm ngoài ý định của một số người đã bỏ phiếu cho nó” không có nghĩa là “những gì họ đã bỏ phiếu thông qua không gây ra những hậu quả này,” hai tác giả này cho biết.

Hiến Pháp được giải thích đúng đắn dựa trên ý nghĩa văn bản gốc của Hiến Pháp tại thời điểm phê chuẩn, chứ không phải là những gì mà các nhà lập pháp đã nghĩ đến khi thông qua Hiến Pháp, họ giải thích, và gọi đó là “một sai lầm kinh điển: hoán đổi mục đích ban đầu thành ý nghĩa ban đầu.”

Tuy nhiên, ông Lash chỉ ra rằng cách mà những người soạn thảo trình bày một văn bản cũng ảnh hưởng đến cách những người phê chuẩn hiểu văn bản đó.

Ông nói: “Đây là lý do tại sao hầu hết các cuộc tranh luận tại Quốc hội đều có liên quan—chúng được đăng trên báo hàng ngày.”

“Hiến Pháp xuất phát từ người dân,” ông Kopel nói. “Chính cách hiểu ban đầu của người dân mới là chủ đạo.”

Một số học giả cho rằng Mục 3 chắc chắn là tự động có hiệu lực vì các phần khác của Tu chính án thứ 14, đặc biệt là Mục 1, đều là tự động có hiệu lực.

Ông Lash cho rằng không nhất thiết là như vậy.

“Đây đều là những bản sửa đổi khác nhau từ ban đầu và được tập hợp lại vào phút chót. Vì vậy, tôi nghĩ rất có thể chúng ta sẽ có một mục là tự động có hiệu lực và một mục thì không,” ông nói.

Chức năng của mỗi mục cũng có thể đóng một vai trò riêng.

Ông Lash cho biết, “Những mục khác nhau này của Tu chính án thứ 14 đều có chức năng riêng. Mục 1 cấp các quyền và việc mục này tự động có hiệu lực là điều dễ hiểu. Nhưng Mục 3 tước bỏ các quyền và việc tước bỏ các quyền là điều làm nảy sinh ra những vấn đề cần xem xét về thủ tục pháp lý chính đáng và quy trình tố tụng công bằng.”

“Trên thực tế, tầm quan trọng của nguyên tắc cụ thể đó cũng đã được giới thiệu trong Mục 1. Và do đó, để nhất quán với yêu cầu về thủ tục pháp lý chính đáng của Mục 1, chúng ta cần bảo đảm rằng Mục 3 không tước bỏ bất kỳ quyền nào nếu không có thủ tục pháp lý chính đáng.”

Thủ tục pháp lý chính đáng

Phân tích Baude-Paulsen lưu ý rằng, điều khoản về Thủ tục Pháp lý Chính đáng bảo vệ “quyền được sống, quyền tự do, hoặc quyền sở hữu.”

“Điều không mấy rõ ràng là liệu quyền giữ chức vụ công quyền có phải là một hình thức của quyền được sống, quyền tự do, hoặc quyền sở hữu hay không,” bản phân tích viết.

“Đó là một đặc quyền của công chúng, một niềm tin của công chúng, thuộc về quyền lực của người dân.”

Nhưng ông Natelson nhận xét rằng, dựa trên tiền lệ của Tối cao Pháp viện, “việc tước bỏ tư cách nắm giữ chức vụ chính trị là một hình phạt gần như mang tính chất hình sự, cũng nghiêm trọng như việc tước bỏ tư cách do bị đàn hặc” và do đó cần đến thủ tục pháp lý chính đáng. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng “có lẽ việc kết án không cần đến bằng chứng không thể chối cãi” như trong một phiên tòa hình sự.

Theo phân tích Baude-Paulsen, ngay cả khi một số biện pháp về thủ tục pháp lý chính đáng được áp dụng, thì “miễn là Mục 3 được áp dụng thông qua các thủ tục thường lệ và đã được thiết lập để xác định tư cách nắm giữ chức vụ công quyền, thì nhiều phản đối về thủ tục pháp lý chính đáng dường như sẽ biến mất.”

“Bất kỳ ai muốn lập luận rằng hành vi của người đó không nằm trong tầm kiểm soát thực chất của Mục 3 đều có quyền khởi kiện vấn đề đó thông qua tất cả các cách thức liên quan. Do đó, Mục 3 không mâu thuẫn với bất kỳ yêu cầu nào về thông báo công bằng hay một cơ hội được lắng nghe,” các tác giả cho biết.

Ông Natelson kỳ vọng Tối cao Pháp viện sẽ đi sâu vào vấn đề thủ tục pháp lý chính đáng này.

Ông Kopel cho rằng cần áp dụng thủ tục pháp lý chính đáng đến mức độ nào là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Ông gợi ý rằng, với đòi hỏi khắt khe nhất thì trước tiên người đó phải bị kết án về tội nổi loạn liên bang.

“Điều đó chắc chắn là đủ thuyết phục,” ông nói.

Trái lại sẽ là một quyết định đơn phương, chẳng hạn như ở Maine, hoặc thậm chí là thủ tục tố tụng nhanh chóng được sử dụng ở Colorado — “một phiên xét xử khá dài được chèn vào một vụ thách thức về một cuộc bỏ phiếu bầu cử mà người ta nghĩ rằng sẽ được thực hiện trong khoảng 72 giờ,” ông Kopel nói.

“Đó có phải là thủ tục pháp lý chính đáng không?”

Áp dụng cho tổng thống

Ông Lash đã trình bày lập luận có lẽ là chi tiết nhất tại sao Mục 3 có thể không áp dụng cho tổng thống hoặc phó tổng thống.

Ông chỉ ra rằng một trong những dự thảo xa xưa nhất về một điều khoản tước bỏ tư cách [nắm giữ chức vụ công quyền], một sửa đổi do Dân biểu Samuel McKee (Đảng Liên bang Vô điều kiện-Kentucky) đề xướng, đặc biệt đề cập đến “chức vụ Tổng thống hoặc phó tổng thống.” Nhưng bản dự thảo cuối cùng đã bỏ qua nhóm từ đó, mà chỉ đề cập đến “bất kỳ chức vụ nào, dân sự hay quân sự, dưới Hoa Kỳ.”

Lúc đó ông lập luận rằng về mặt pháp lý tổng thống không được xem là một “viên chức dân sự của Hoa Kỳ.”

Ông đưa ra ví dụ về vụ đàn hặc Thượng nghị sĩ William Blount vào năm 1799. Khi đó, luật sư của ông Blount lập luận rằng “rõ ràng một Thượng nghị sĩ không phải là viên chức dưới quyền Chính phủ.”

“Chính phủ bao gồm Tổng thống, Thượng viện, và Hạ viện, vậy nên người ta không thể nói những người hình thành nên Chính phủ nằm dưới chính phủ đó,” ông nói.

Trong cuốn sách “Commentaries on the Constitution” (Bình luận về Hiến Pháp) năm 1833 nổi tiếng của mình, Thẩm phán Tối cao Pháp viện Joseph Story nói rằng dựa trên án lệ Blount, “việc liệt kê tổng thống và phó tổng thống, với tư cách là những viên chức có thể bị đàn hặc, là điều bắt buộc; vì họ có được, hoặc có thể có được, chức vụ của mình từ một nguồn có thứ bậc cao hơn so với chính phủ quốc gia.”

“Việc xem họ là những viên chức của Hoa Kỳ thậm chí không có hiệu lực,” một bài xã luận năm 1868 dẫn lời của vị thẩm phán này.

Theo ông Lash, phân tích của Thẩm phán Story không hẳn là đúng, nhưng được xem là có căn cứ vào thời điểm đó.

Bài phân tích của ông cho rằng, “Vào thời điểm soạn thảo và phê chuẩn Tu chính án thứ 14, án lệ Blount và phân tích của thẩm phán Story đã được cả trong và ngoài Quốc hội chấp nhận và biết đến rộng rãi.

Khối đa số của Tòa án Tối cao Colorado đã giải quyết vấn đề này bằng cách tuyên bố rằng tổng thống không nằm dưới chính phủ, mà ông ấy nằm dưới Hoa Kỳ, vốn đại diện cho quyền lực thậm chí còn cao hơn — đó là người dân.

Nhưng ông Lash nêu ra rằng tại thời điểm soạn ra nhóm từ “dưới Hoa Kỳ” về mặt pháp lý đã được hiểu là tương đương với “dưới chính phủ Hoa Kỳ.”

Biên bản cuộc tranh luận tại Thượng viện về Mục 3 ghi lại một thời điểm, khi đó Thượng nghị sĩ Reverdy Johnson (Dân Chủ-Maryland), cố Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ, đã đặt câu hỏi tại sao điều khoản này không áp dụng cho tổng thống và phó tổng thống.

Thượng nghị sĩ Lot Morrill (Cộng Hòa-Maine) lúc đó đã trả lời: “Hãy để tôi lưu ý Thượng nghị sĩ về nhóm từ ‘hoặc nắm giữ bất kỳ chức vụ nào, dân sự hay quân sự, dưới Hoa Kỳ.’”

Thượng nghị sĩ Johnson trả lời: “Có lẽ tôi đã hiểu sai về việc loại trừ khỏi chức vụ Tổng thống; chắc chắn là tôi đã hiểu sai; nhưng tôi bị dẫn hướng sai khi thấy việc loại trừ [được ghi] cụ thể trong trường hợp Thượng nghị sĩ và Dân biểu.”

Phân tích Baude-Paulsen tận dụng cuộc trao đổi này, và cho rằng “có vẻ vô lý” khi không áp dụng Mục 3 cho tổng thống.

Tuy nhiên, ở đây, các tác giả dường như viện đến lập luận mà trước đó họ đã bác bỏ. Ông Lash lưu ý rằng, dựa trên lý luận của họ, thì nên dựa vào ý nghĩa của văn bản để dẫn dắt cách lý giải, chứ không phải dựa vào suy nghĩ của người soạn thảo về ý nghĩa của văn bản đó.

“Họ không thể hiểu theo cả hai cách. Hoặc là văn bản đóng vai trò quyết định hoặc là không.”

The Epoch Times đã liên lạc với Giáo sư Baude và Giáo sư Paulsen để đề nghị bình luận nhưng không nhận được phúc đáp.

Theo quan điểm của ông, chủ ý của những người soạn thảo được tính đến khi nó ảnh hưởng đến cách hiểu của những người phê chuẩn. Nhưng đó không phải là tình huống trong cuộc trao đổi giữa ông Johnson và ông Morill.

“Không có bất kỳ tờ báo nào nói về tình huống đó,” ông Lash nói.

Ông nói, thay vì “vô lý,” điều đó có thể được hiểu rằng những người soạn thảo không cân nhắc nhiều về việc bao gồm cả tổng thống.

Vào thời điểm đó, không một thành viên Đảng Dân Chủ miền Bắc nào mong muốn đề cử một người từng nổi loạn, và chuyện cả nước bầu cho một ứng cử viên [tổng thống] như vậy lại càng phi lý hơn.

Các học giả vẫn chưa xác định được một người phê chuẩn nào mà cho rằng Mục 3 là áp dụng cho những người đang tranh cử chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ,” bài phân tích của ông viết.

“Cho dù có tồn tại một người như vậy hay không, thì rõ ràng là đại đa số những người phê chuẩn [tu chính án] đã thảo luận về Mục 3 của Tu chính án thứ 14 rất ít (hoặc không hề) quan tâm đến vấn đề này. Nếu người soạn thảo lẫn người phê chuẩn đều cho rằng trường hợp đó có thể không quan trọng đến mức phải đưa vào Tu chính án thứ 14, thì người ta dự đoán rằng [biên bản tranh luận nói trên là] bằng chứng hoặc không có bằng chứng nào cả.

Nếu Mục 3 áp dụng cho tổng thống, thì Đảng Cộng Hòa đã có một cơ hội để áp dụng điều này vào năm 1872 khi ông Horace Greeley tranh cử thách thức đề cử viên của đảng này, đương kim Tổng thống Ulysses Grant.

Ông Lash nói rằng, “Mặc dù nhiều lần họ tuyên bố rằng ông Greeley đã ‘trợ giúp hoặc úy lạo kẻ thù’ của Hoa Kỳ, tức là những người đã tham gia vào cuộc nổi dậy và nổi loạn chống lại Hoa Kỳ, nhưng dường như đã không có ai tuyên bố ông có thể bị tước tư cách [tranh cử] theo Mục 3.”

Mặt khác, ông cho rằng đưa tổng thống vào Mục 3 sẽ là một “sự thay đổi” cực cấp tiến và không cần thiết “trong tiến trình dân chủ.”

“Quý vị không chỉ tước quyền bầu cử của những người không trung thành ở miền Nam, mà còn đang tước quyền bầu cử của những người trung thành với Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ, rồi nói rằng họ không thể bỏ phiếu cho một người bị buộc tội trừ phi Quốc hội cho phép.”

Đúng là Hiến Pháp có áp đặt một số tiêu chuẩn đối với các ứng cử viên tổng thống, chẳng hạn như độ tuổi và quốc gia nơi người đó sinh ra.

Nhưng “đó là điều hoàn toàn khác,” ông cho biết.

“Những hạn chế đó đối với tiến trình dân chủ đã được công bố rõ ràng trong Hiến Pháp và đã được người dân xem xét và tranh luận một cách thẳng thắn trong các Hội đồng Phê chuẩn tại thời điểm bản Hiến Pháp đầu tiên được ban hành.”

“Quý vị đang nói về việc thêm vào một hạn chế mới như một ẩn ý và cứ vậy tiến hành mặc dù biết rằng hạn chế đó không được những người phê chuẩn xem xét hay thảo luận ở cấp quốc gia. Đó là một đề xướng bất thường và là một đề xướng mà tôi nghĩ rằng không thể được bằng chứng trong lịch sử chứng minh.”

Phạm vi rộng

Khi bắt đầu áp dụng Mục 3, Quốc hội đã áp dụng trong chính nội bộ của mình. Nếu một thành viên sắp nhậm chức mà bị tước tư cách nắm giữ chức vụ, thì các nhà lập pháp sẽ nghe bằng chứng, cho phép bị cáo trình bày để tự bào chữa, và sau đó bỏ phiếu xem liệu việc loại bỏ tư cách có hợp lệ hay không.

Năm 1870, Quốc hội đã thông qua một đạo luật để thực thi Tu chính án thứ 14, trong đó có Mục 3. Đạo luật này nói rằng các công tố viên liên bang tại địa phương “có nghĩa vụ” phải phản đối các quan chức tòa án dân sự mà họ cho là không đủ tư cách và đưa ra các cáo buộc hình sự nhẹ đối với những ai cố tình giữ chức mặc dù không đủ tư cách.

Đạo luật này đã miễn trừ các thành viên Quốc hội và các nhà lập pháp tiểu bang khỏi phạm vi thực thi mục này—vào thời điểm đó, Quốc hội đã có thông lệ là thực thi Mục 3 bằng cách bỏ phiếu.

Đạo luật này và việc thực thi đạo luật này có thể đưa ra những gợi ý về việc Mục 3 đã được hiểu như thế nào.

“Điều đó cho thấy rằng việc tước tư cách chỉ được phép diễn ra sau khi tiến hành thủ tục pháp lý chính đáng — được tuân thủ trong trường hợp có một thủ tục chứng minh thẩm quyền hiện có (quo warranto),” ông Natelson nói.

“Điều đó chắc chắn cho thấy rằng Đổng lý tiểu bang Maine đã đi quá giới hạn khi bà ấy hành động một cách đơn phương.”

Phân tích Baude-Paulsen kết luận rằng, dựa trên các trường hợp mà một viên chức đã thật sự bị tước tư cách theo Mục 3, có vẻ như trở ngại đối với việc tước tư cách là thấp.

“Việc tước tư cách [nắm giữ chức vụ công quyền] theo Mục 3 vì đã ‘tham gia’ vào cuộc nổi dậy bao gồm một loạt các hành động tham gia tự nguyện ủng hộ hoặc trợ giúp cho cuộc nổi dậy, một số hành động gần với sự ưng thuận một cách gần như thụ động,” các tác giả cho biết.

Trong một trường hợp, một thành viên Quốc hội miền Nam đã bị loại bỏ vì ông ấy đã viết một lá thư gay gắt nói rằng tất cả những ai đang tìm cách gia nhập quân đội Liên bang đều phải bị xử bắn.

Trong một trường hợp khác, một cảnh sát trưởng được bổ nhiệm đã bị buộc tội vì ông ấy đã “đưa người thay thế mình vào quân đội Liên minh miền Nam.” Ông ấy bào chữa rằng ông chỉ đang cố gắng trốn tránh chế độ quân dịch của Liên minh miền Nam. Nhưng thẩm phán đã chỉ thị cho bồi thẩm đoàn xem xét kỹ lưỡng động cơ trốn tránh đi lính của người này.

“Hành vi của bị cáo hẳn là được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi có căn cứ về tổn hại thân thể nghiêm trọng và hậu quả của vũ lực, khiến bị cáo không thể trốn thoát hay chống cự,” ông nói.

“Và hơn nữa, hành động của bị cáo hẳn là xuất phát từ mong muốn của bị cáo là đồng tình với phong trào nổi dậy, chứ không phải chỉ vì sự ác cảm của bị cáo đối với việc phải đi lính.”

Các tác giả cho rằng cách giải thích với phạm vi rộng này có thể được áp dụng cho bất kỳ cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn nào khác.

Ông Kopel đồng tình.

“Về vấn đề quyền quyết định thực thi, việc ủng hộ một cuộc nổi dậy nhỏ gây ra ít thiệt hại có thể được bỏ qua vì những mục đích thực thi. Cũng như nhiều hành vi sai trái có ít tác động khác đôi khi cũng được bỏ qua. Nhưng [Tu chính án thứ 14] chắc chắn không quy định rằng những hành vi này được phép bỏ qua,” ông nói.

Một số chuyên gia thì không chắc chắn lắm.

“Mục tiêu [của những người soạn thảo] là nhắm chính xác vào Liên minh miền Nam. Mục tiêu của họ không phải là bất cứ ai ủng hộ người Pháp trong Chiến tranh Pháp-Ấn. Mục tiêu của họ không phải là bất cứ ai ủng hộ người Anh trong Chiến tranh Anh-Mỹ. Mặc dù văn bản này không được viết theo cách nhằm hạn chế những điều đó, nhưng lý do căn bản là nhắm vào Liên minh miền Nam,” ông Horace Cooper, thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công cộng Quốc gia, trước đây từng dạy luật Hiến Pháp tại Đại học George Mason, cho biết.

“Quý vị càng đi xa khỏi một cách hiểu liên quan đến những người thực sự đã tham gia vào cuộc nổi loạn quân sự chống lại chính phủ, thì quý vị càng phải cẩn thận hơn về khả năng đọc hiểu của mình.”

Ông Natelson nhắc nhở rằng việc thực thi một điều khoản Hiến Pháp không phải lúc nào cũng hợp hiến.

“Những hành động như vậy hầu như không có ý nghĩa gì đối với một người theo chủ nghĩa nguyên bản (originalist),” ông nói.

Ông cũng lưu ý rằng “các hành động được thực hiện trong hoặc ngay sau chiến tranh thường là những chỉ dẫn tồi tệ nhất cho việc tuân thủ Hiến Pháp.”

Cuộc nổi dậy là gì?

Điều thiếu sót trong bản thảo Mục 3 và các hành động thực thi ban đầu là đã không đưa ra các cách giải thích về những gì tạo thành một cuộc nổi dậy, nổi loạn, và ai là kẻ thù của Hoa Kỳ. Điều luật này chỉ được áp dụng cho Liên minh miền Nam, tổ chức mà chắc chắn những thuật ngữ này áp dụng.

Hơn nữa, việc thực thi điều khoản đó đã sớm phải dừng lại khi, vào tháng 05/1872, Quốc hội ban hành một lệnh ân xá, loại bỏ hình phạt tước tư cách nắm giữ chức vụ công quyền đối với gần như tất cả những người phục vụ trong Liên minh miền Nam, “ngoại trừ các Thượng nghị sĩ và Dân biểu của Quốc hội nhiệm kỳ thứ 36 và 37, các viên chức trong ngành tư pháp, quân đội, và hải quân Hoa Kỳ, các bộ trưởng và bộ trưởng ngoại giao của Hoa Kỳ.”

Kể từ đó, Mục 3 hầu như không còn được thực thi nữa, ngoại trừ một trường hợp vào năm 1919.

Ông Victor Berger, chủ báo và là đồng sáng lập viên của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Mỹ, đã giành được một nhiệm kỳ tại Quốc hội vào năm 1910 và sau đó bị truy tố vào năm 1918 theo Đạo luật Gián điệp vì phản đối Hoa Kỳ can thiệp vào Đệ nhất Thế chiến.

Cuối năm đó, ông thắng cử trong cuộc đua vào Quốc hội, nhưng ông đã bị kết án 20 năm tù trước thời điểm nhiệm kỳ của ông bắt đầu. Được tại ngoại hầu tra, ông đã tìm cách đảm nhận chức vụ này, nhưng Quốc hội đã sử dụng Mục 3 để ngăn chặn ông. Năm 1921, Tối cao Pháp viện đã hủy bỏ bản án của ông Berger dựa trên bản khai hữu thệ của ông rằng thẩm phán sơ thẩm có thành kiến đối với ông, mặc dù hồ sơ cho thấy bản khai đó sai sự thật.

Phân tích Baude-Paulsen kết luận rằng Mục 3 không áp dụng cho ông Berger và Quốc hội đã phản ứng thái quá.

Hai tác giả này đã xem xét thuật ngữ “nổi dậy” và “nổi loạn” được sử dụng như thế nào trong Hiến Pháp và các văn bản pháp luật thời bấy giờ. Trường hợp duy nhất mà một tòa án ít nhất đã xác định một cách ngắn gọn các thuật ngữ này là từ Án lệ Giải thưởng (The Prize Cases) năm 1863, khi Tối cao Pháp viện thừa nhận việc Tổng thống Lincoln phong tỏa các cảng phía Nam ngay từ đầu cuộc chiến [là hợp hiến].

Pháp viện cho rằng, “Cuộc nổi dậy chống lại một chính phủ có thể hoặc không thể lên đến đỉnh điểm là một cuộc nổi loạn có tổ chức, nhưng một cuộc nội chiến luôn bắt đầu bằng cuộc nổi dậy chống lại cơ quan hợp pháp của Chính phủ.”

Bản ý kiến ​​đã đưa ra một ví dụ về một cuộc nổi dậy: Cuộc nổi loạn Rượu whisky năm 1794 ở Pennsylvania. Khi đó, một số người dân địa phương có vũ trang, phản đối thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu mạnh, đã khủng bố những người thu thuế và cuối cùng tham gia vào một cuộc đấu súng với một nhóm binh sĩ bảo vệ căn nhà của một người thu thuế.

Sau đó, một nhóm nhỏ người dân địa phương đã tìm cách triệu tập một đội dân quân gồm vài ngàn người làm ra vẻ đang khám phá những bí mật nào đó. Họ dự định sử dụng lực lượng dân quân này để hành quân đến Pittsburg, tấn công pháo đài Fayette, và thậm chí có thể tuyên bố độc lập khỏi Hoa Kỳ.

Những người khác đã cố gắng can ngăn những chỉ huy này thực hiện kế hoạch. Sau khi hành quân qua thị trấn, nhóm dân quân đã giải tán.

“Tóm lại: cuộc nổi dậy hay cuộc nổi loạn là những hình thức phản kháng thực sự chống lại quyền lực hợp pháp của chính phủ. Một cuộc nổi dậy có thể không phải là một cuộc nổi loạn toàn diện. Nhưng một cuộc nổi dậy chống chính phủ đôi khi phát triển thành ‘cuộc nổi loạn’ chính thức,” phân tích Baude-Paulsen viết.

Sự kiện ngày 06/01

Tòa án Tối cao Colorado đã dựa rất nhiều vào phân tích Baude-Paulsen để đưa ra kết luận rằng cựu TT Trump đã tham gia vào một cuộc nổi dậy và do đó bị tước tư cách tranh cử.

Tham khảo các từ điển có từ thế kỷ 19, các thẩm phán đã đưa ra định nghĩa [về cuộc nổi dậy] như sau: “Việc một nhóm người sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực một cách có phối hợp và công khai nhằm cản trở hoặc ngăn cản chính phủ Hoa Kỳ thực hiện các hành động cần thiết để hoàn thành việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở đất nước này.”

Họ cũng dựa vào một định nghĩa do một tòa án cấp thấp hơn ở Colorado áp dụng cho vụ kiện này: “Việc một nhóm người sử dụng vũ lực … hoặc đe dọa sử dụng vũ lực … một cách công khai để cản trở hoặc ngăn chặn việc thi hành Hiến Pháp Hoa Kỳ.”

Họ kết luận rằng nhóm người bước vào Tòa nhà Quốc hội khá đông, “được trang bị nhiều loại vũ khí”, và “hô vang theo cách thể hiện rõ rằng họ đang tìm cách gây ra bạo lực đối với các nghị sĩ Quốc hội và Phó Tổng thống [Mike] Pence.”

Những thẩm phán này lập luận: “Mức sử dụng vũ lực hoặc lời đe dọa sử dụng vũ lực cần phải có không nhất thiết phải liên quan đến đổ máu, cũng như quy mô của nỗ lực không cần phải lớn đến mức bảo đảm có thể thành công.”

“Ngay sau khi xâm phạm Tòa nhà Quốc hội, đám đông đã tiến đến các phòng của Hạ viện và Thượng viện, nơi đang diễn ra quá trình chứng nhận [kết quả bầu cử]. Vụ xâm phạm này khiến cả Hạ viện và Thượng viện phải hoãn lại, tạm dừng quá trình chứng nhận bầu cử.”

Các thẩm phán kết luận rằng vì có một nhóm người đe dọa vũ lực và vì hành động của họ nên việc chứng nhận đã bị cản trở và vì cựu TT Trump đã kích động những người ủng hộ ông bằng những lời lẽ như “chúng ta chiến đấu hết mình,” nên ông đã tham gia vào cuộc nổi dậy.

Ông Natelson cho biết, vấn đề chính của kết luận này là tòa án đã dựa vào “một phiên bản hết sức chọn lọc về những gì diễn ra vào ngày 06/01” lấy từ báo cáo của Ủy ban ngày 06/01 của Quốc hội.

Thông thường, những báo cáo như vậy được xem là lời nói gián tiếp, không thể được chấp nhận làm bằng chứng. Nhưng tòa án đã dựa vào một ngoại lệ đối với các báo cáo của chính phủ.

Những người ủng hộ Tổng thống đương thời Donald Trump tập trung bên ngoài khu vực Vòm Rotunda của Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 06/01/2021. (Ảnh: Olivier Douliery/AFP qua Getty Images)
Những người ủng hộ Tổng thống đương thời Donald Trump tập trung bên ngoài khu vực Vòm Rotunda của Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 06/01/2021. (Ảnh: Olivier Douliery/AFP qua Getty Images)

Ông Natelson nói, ngay cả trong trường hợp đó, thì tòa án vẫn có nghĩa vụ kiểm tra độ tin cậy của những báo cáo như vậy.

Tòa án đã làm như vậy và kết luận rằng báo cáo không thiên vị vì Đảng Cộng Hòa đã có cơ hội đưa các thành viên của mình vào ủy ban.

Tuy nhiên, họ không đề cập đến việc các dân biểu Đảng Dân Chủ đã từ chối cho phép những người ủng hộ cựu TT Trump thuộc Đảng Cộng Hòa tham gia vào ủy ban, mà thay vào đó cho phép một số nhà phê bình ông gay gắt nhất bên Đảng Cộng Hòa vào ủy ban này.

Ông Natelson nói, mặc dù các báo cáo của chính phủ khó có thể thoát khỏi những ảnh hưởng chính trị, nhưng ít ra các báo cáo cũng phải hợp lý ở mức nào đó.

Ông nói: “Những cuộc điều tra chính thức này không phải là phòng xử án, nhưng nói chung, cách làm tốt là quý vị giăng lưới rộng rãi, thu thập càng nhiều bằng chứng càng tốt, cho phép mọi người phản bác, v.v.”

“Không điều nào trong số đó được Ủy ban ngày 06/01 thực hiện. Tất cả các dân biểu của Ủy ban ngày 06/01 đều đã bỏ phiếu kết tội Tổng thống Trump khi ông ấy bị đàn hặc. Những thành viên Đảng Cộng Hòa ủng hộ cựu Tổng thống Trump đã bị loại khỏi ủy ban này. Người ủng hộ ông Trump không có quyền đối chất, không có quyền đưa ra bằng chứng. Đó là một phiên tòa dàn dựng được viết kịch bản cẩn thận.”

Một cái nhìn đầy đủ hơn về sự việc ngày 06/01 cho thấy chỉ một bộ phận nhỏ những người ở Tòa nhà Quốc hội đã tham gia vào bất kỳ hành vi bạo lực, phá hoại, hoặc đe dọa nào. Ngay cả khi một nhóm nhỏ hơn có mang theo vũ khí thì những vũ khí đó cũng không phải là súng, mà chủ yếu là gậy.

“Ấn tượng của tôi là điều mà nhiều kẻ nổi loạn ngày 06/01 muốn làm là họ chỉ muốn có một cơ hội nói chuyện với các nghị sĩ Quốc hội của họ và cố gắng thuyết phục những nghị sĩ này hoãn phiên điều trần,” ông Natelson nói.

Một số người đã hô lên những khẩu hiệu kích động, chẳng hạn như “treo cổ ông Mike Pence,” nhưng những khẩu hiệu đó là rất hiếm.

Ông nói, sẽ là rất thái quá khi nói rằng “cựu Tổng thống Trump đã phạm tội vì lý do đó.”

Ăn miếng trả miếng

Ông Kopel dự đoán nếu Mục 3 được sử dụng thành công đối với cựu Tổng thống Trump thì các quan chức Đảng Cộng Hòa cũng sẽ bắt đầu viện dẫn Mục 3.

Ông nói: “Hãy liệu trước rằng một số Đổng lý Tiểu bang sẽ loại bỏ [Phó Tổng thống] Kamala Harris, cũng như những người nào đã trợ giúp, úy lạo, và khuyến khích những kẻ nổi loạn vào mùa hè năm 2020, khỏi các lá phiếu.”

Ông Natelson cũng xác nhận quan điểm tương tự.

Ông viết trong một bài xã luận gần đây trên Epoch Times: “Nếu chúng ta áp dụng tiêu chuẩn mà một số người sử dụng để loại bỏ cựu Tổng thống Trump, thì nhiều chính trị gia cánh tả cũng sẽ bị loại.”

Đảng Cộng Hòa ở ít nhất sáu tiểu bang, bao gồm Texas, Missouri, Florida, Pennsylvania, Arizona, và Georgia đã nêu lên ý tưởng loại Tổng thống Biden khỏi lá phiếu vì cách ông ấy quản lý biên giới phía Nam.

Thay vì tham gia vào cuộc nổi dậy, câu hỏi đặt ra là liệu Tổng thống có “trợ giúp hay úy lạo” kẻ thù của Hoa Kỳ hay không.

Trong một tình huống trớ trêu, chính một thành viên Đảng Dân Chủ phản đối Mục 3 đã cảnh báo rằng Mục 3 sẽ dẫn đến những lời buộc tội qua lại về chính trị.

Trong các cuộc Tranh biện Phê chuẩn Pennsylvania bắt đầu vào năm 1787, Dân biểu tiểu bang Thomas Chalfant đã nhận xét:

“Hãy xem kỹ mục này và cho tôi biết liệu quý vị có thể tìm thấy bất kỳ nội dung nào quy định rằng một cá nhân không đủ tư cách đảm nhận chức vụ cho đến khi người đó bị tòa án có thẩm quyền xét xử và kết án về tội phản quốc hoặc tội danh được đề cập trong đạo luật đang nói đến hay không? Không có nội dung nào như vậy trong đó. Vậy thì người bị buộc tội phải bị xét xử như thế nào? Người đó có thể bị yêu cầu phải ra trước tòa án nào để bị buộc tội phản quốc hoặc không trung thành? Người đó được trao cơ hội nào để tự bào chữa cho mình?”

Ông Chalfant cho rằng Đảng Cộng Hòa sẽ hối hận vì họ đã ban hành điều khoản này.

“Sau này chính những người đó, khi đã hiểu rõ ý đồ của quý vị, có thể đẩy quý vị ra khỏi vị trí cao quý của mình, và khiến quý vị phải cầu xin trước những người mà quý vị đã đối xử sai trái và nhũng nhiễu.”




Epoch Times Tiếng Việt biên dịch





 

 2025-01-21  Kết thúc của chấn động và kinh ngạc: Bộ Tư pháp đã đưa ra lập luận như thế nào về lệnh ân xá J6 (Jonathan Turley, 21/1/2025) Và...