2024-07-27
Người đưa tin về vụ ám sát cựu TT Trump: Nhiệm vụ khiếp hãi nhất trong sự nghiệp 30 năm làm báo của tôi
Trong số 35 buổi diễn thuyết của ông Trump mà tôi đã đưa tin, thì lần diễn thuyết này gây chú ý trước cả khi bắt đầu diễn ra.
Ghi chú của biên tập viên: Đây là lời tự thuật của một phóng viên Epoch Times, người đã đưa tin về vụ ám sát bất thành cựu Tổng thống Donald Trump hôm 13/07.
BUTLER, Pennsylvania–Tôi run rẩy dưới một chiếc bàn gỗ, đơn độc, bị mắc kẹt, và hoang mang—mặc dù có hàng ngàn khán giả ở xung quanh tôi.
Lúc đó chỉ hơn 6 giờ 11 phút chiều theo giờ miền Đông Hoa Kỳ ngày 13/07/2024. Lần đầu tiên trong sự nghiệp làm báo 30 năm của mình, tôi chứng kiến một vụ nổ súng đang diễn ra.
Và đó là một sự kiện được ghi vào sử sách: Vụ ám sát bất thành cựu Tổng thống Donald Trump.
Đêm hôm đó, tôi đã viết trên mạng xã hội: “Đây không phải là loại sự kiện ‘lịch sử’ mà tôi từng muốn đưa tin.” Nhưng đó là nhiệm vụ của tôi. Và vụ đó khiến tôi bàng hoàng. Tôi chưa bao giờ lo sợ cho mạng sống của mình đến vậy. Tuy nhiên, tôi đã thề sẽ tìm kiếm sự thật, bất kể sự thật đó ghê gớm đến mức nào.”
Bây giờ, hai tuần sau, tôi vẫn đang suy ngẫm về những tình huống nan giải mà tôi phải đối mặt, khoảng trống thông tin bao trùm khu của tôi tại khu vực diễn ra cuộc vận động tranh cử và những tình huống khiến tôi lo lắng—nhiều hơn bất kỳ sự kiện nào trong số 34 sự kiện trước đây của ông Trump mà tôi đã đưa tin cho The Epoch Times.
Cảm giác bất an
Năm giờ trước khi cựu Tổng thống Trump lên sân khấu, tôi đã đến khu vực Triển lãm Trang trại Butler. Tôi nhận thấy nhiều công trình nằm rải rác trên khu đất bằng phẳng, thoáng đãng và tự hỏi, “Họ sẽ bảo đảm an ninh ở tất cả những tòa nhà đó thế nào nhỉ?”
Lúc bấy giờ, tôi đã gạt bỏ mối lo ngại đó. Nhưng giờ thì tôi biết được Dân biểu Mike Kelly, người đại diện cho khu vực bầu cử Quốc hội bao gồm thành phố Butler, đã rất thất vọng khi địa điểm này được chọn.
Hôm 23/07, ông nói trong phiên điều trần trước Quốc hội rằng nhiều công trình để lộ ra quá nhiều lỗ hổng bảo mật.
Một trong những tòa nhà đó đã trở thành vị trí thuận lợi cho nghi phạm 20 tuổi, Thomas Crooks, nổ súng. Tòa nhà nằm cách bục diễn thuyết của cựu tổng thống chưa đầy 150 yard (khoảng 137 mét).
Sau khi tôi đến khu vực ghi danh báo chí, một tình nguyện viên đã xác thực rằng tôi có tên trong danh sách các ký giả được cấp giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, trái với thông lệ tiêu chuẩn, tôi không nhận được phù hiệu ở đó. Thay vào đó, tình nguyện viên này bảo tôi lấy phù hiệu ở bên trong địa điểm vận động tranh cử.
Đi qua máy dò kim loại, tại “khu báo chí,” một khu vực có hàng rào được dành riêng cho các phóng viên tin tức, có điều kỳ lạ đã xảy ra: Không ai chặn tôi lại và yêu cầu xem giấy phép hành nghề của tôi. Tôi sải bước vào khu vực đó mà không bị ngăn lại. Điều đó chưa từng xảy ra trước đây.
‘Làm sao cô vào đây được?’
Khi tôi hỏi một phóng viên khác về giấy phép hành nghề, anh ấy nói, “Sở Mật vụ đang phát chúng.” Tôi đi theo một nhân viên, xuất trình thẻ căn cước, lấy phù hiệu, và bắt đầu sắp xếp thiết bị của mình.
Năm phút sau, một người phụ nữ mặc đồng phục đến gặp tôi. Cô ấy nói: “Xin lỗi, làm sao cô vào đây được?”
Tôi mô tả quá trình mình di chuyển đến đây; người phụ nữ nhíu mày và nói gì đó về việc sẽ kiểm tra thông tin. Rồi cô ấy rời đi.
Tôi không thấy có vấn đề lớn, vì vậy lúc đó tôi đã không ghi lại những nhân viên đó đại diện cho cơ quan nào. Nhưng kể từ đó, tôi tự hỏi liệu sai sót rõ ràng này có phải là một điều gợi ý cho các vấn đề an ninh trầm trọng hơn xung quanh vụ nổ súng hay không, đỉnh điểm là việc một khán giả, ông Corey Comperatore, thiệt mạng và cựu tổng thống và hai người khác bị thương.
Vào thời điểm đó, tôi gạt bỏ những lo lắng của mình để làm việc bên dưới chiếc dù đen che cho cho tôi các thiết bị điện tử của tôi khỏi ánh nắng chói chang.
Có gì đó giữa không trung
Nhiệt độ tăng lên đến 94 độ F (khoảng 34.4 độ C). Ai nấy đều đổ mồ hôi nhễ nhại trong khi chờ đợi cựu Tổng thống Trump bắt đầu diễn thuyết. Thỉnh thoảng, một cơn gió lồng lộng thổi qua mang lại sự thoải mái.
Ngay khoảng 4 giờ chiều, một giờ trước khi cựu Tổng thống Trump diễn thuyết, cơn gió đã quấn lấy một lá cờ Mỹ to lớn, tạo ra một hình dạng khác thường. “Nhìn kìa, trông nó gần giống như một thiên thần ở trước mặt chúng ta vậy,” một người đàn ông nói sau lưng tôi.
Vài phút sau, tôi đăng một bức ảnh về “lá cờ thiên thần” lên mạng xã hội, chủ yếu là vì hình ảnh này gây ấn tượng. Nhưng tôi tự hỏi liệu nó có mang ý nghĩa tượng trưng nào không. Sau đó, nhiều người nói với tôi rằng họ nghĩ là có.
Nhân viên gỡ lá cờ ra và kéo lên cao quá đầu; khoảng 90 phút sau, cựu tổng thống bước lên sân khấu.
Vụ nổ súng
Cựu tổng thống xuất hiện vào khoảng 6 giờ chiều, muộn hơn một giờ so với dự kiến.
Trong khi đó, kẻ âm mưu ám sát đã ở trên nóc tòa nhà; gần một giờ trước khi diễn thuyết, một số ít khán giả đã báo động cảnh sát về người “đáng ngờ” này. Đám đông và cựu tổng thống không hề hay biết.
Như thường lệ, tôi đã chụp một vài bức ảnh về phản ứng của đám đông trước khi lắng nghe diễn thuyết.
Chưa đầy 4 phút sau khi ghi chép, tôi bị làm cho giật mình. Tôi nghe thấy tiếng “bụp-bụp-bụp” giống như tiếng pháo nổ. Tiếp theo là những tiếng nổ nghe sắc nét hơn. Và tôi nhận ra sự thật khủng khiếp: Đây là tiếng súng.
Vào thời điểm đó, có vẻ như loạt đạn thứ hai đến từ các nhân viên chấp pháp. Nhưng hôm 24/07, FBI tiết lộ rằng tám phát súng đã đến từ khẩu súng của kẻ cố gắng ám sát; các bản ghi âm cho thấy phải mất thêm 10 giây nữa thì một nhân viên bắn tỉa mới bắn lại khiến kẻ đó bị “vô hiệu hóa.”
Tôi rùng mình khi nhận ra rằng hẳn anh ta có thể bắn thêm nhiều phát nữa trong khoảng thời gian đó; tạ ơn Chúa là anh ta đã không làm vậy. Tôi đang tự hỏi liệu chúng ta có bao giờ biết được lý do tại sao anh ta ngừng bắn không.
Biểu đồ biên giới
Mọi người bắt đầu la hét. Những bản năng của tôi cũng vậy; tôi đã tranh đấu giữa “chạy trốn để giữ mạng sống” và “ở lại vì sự thật.”
Ai đó đứng sau tôi hô lên: “Nằm xuống! Mọi người, nằm xuống!”
Khi đó tôi khom người dưới gầm bàn. Tim tôi đập thình thịch. Sau đó, tôi thấy chiếc đồng hồ Apple ghi lại nhịp tim của tôi ở mức 130 nhịp mỗi phút, gấp đôi nhịp tim khi nghỉ ngơi.
Một bục cao, trên đó có đội ngũ nhân viên và thiết bị truyền hình, đã khiến tôi và mọi người xung quanh không nhìn thấy được cựu tổng thống. Tất cả chúng tôi đều dựa vào màn hình TV lớn để theo dõi ông ấy. Nhưng ngay vào lúc xảy ra nổ súng, màn hình lớn hiển thị biểu đồ dữ liệu nhập cư chứ không chiếu về ông.
Sau này, cựu tổng thống nói rằng biểu đồ đó đã cứu mạng ông. Ông đã đi chệch kịch bản và yêu cầu cho xem biểu đồ. Ông hơi nghiêng đầu để nhìn vào biểu đồ. Cựu bác sỹ Tòa Bạch Ốc Ronny Jackson cho biết một viên đạn đã xuyên qua vành tai trên của cựu tổng thống và chỉ cách hộp sọ của ông một phần tư inch (khoảng 0.635 cm).
Ở phía cuối đám đông, anh Logan Reynolds, 27 tuổi, cho biết anh thấy nhiều người quay về phía anh ngay sau khi tiếng súng vang lên. “Trong tích tắc, tôi đã nhìn thấy hơn 1,000 khuôn mặt kinh hoàng khiếp sợ,” anh nói với tôi, đồng thời nói thêm rằng anh đã kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh.
Khoảng trống thông tin
Một số người hâm mộ ông Trump vẫn ngồi yên và không hề cúi xuống. Những khán giả ngồi hàng ghế đầu là ông Mike Boatman đến từ Indiana và bà Erin Autenreith đến từ Pittsburgh đều nói với tôi rằng họ lo lắng cho cựu tổng thống hơn là an toàn của chính mình, vì vậy họ vẫn ngồi yên.
Chỉ vài phút sau khi súng nổ, tiếng reo hò vang lên từ những người tham dự ở gần cựu tổng thống nhất. Không ai gần tôi biết rằng ông ấy vừa đứng dậy và, với máu chảy dài trên mặt, ông giơ nắm đấm lên, nhấn mạnh, “Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu!”
Mặc dù không thể nhìn thấy chuyện gì đang diễn ra nhưng chúng tôi nghe thấy tiếng reo hò và tiếng hô vang quen thuộc “USA!” dường như báo hiệu rằng mối nguy hiểm đã qua đối với những người trong khu vực của tôi. Tôi vội vã quay lại chỗ máy điện toán xách tay của mình.
Vào lúc 6 giờ 14 phút chiều, ba phút sau khi súng nổ, tôi gửi tin nhắn cho biên tập viên của mình ở New York. “Tôi không thể bật điện thoại của mình được … Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra … nghe như có tiếng súng nổ.”
Tuy nhiên, những người gần tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Có người nói, “Đó là một vụ xả súng hàng loạt,” vì vậy tôi nghĩ rằng một tay súng có thể đã nổ súng từ giữa đám đông. Tôi nghĩ rằng những phát súng nghe có vẻ quá gần khu vực của tôi nên không thể nào nhắm vào cựu tổng thống.
Tôi vừa cúi thấp người, vừa tiến về phía bục truyền hình và núp sau những thiết bị lớn; thỉnh thoảng, tôi thò đầu lên để xem chuyện gì đang xảy ra.
Một người đàn ông trong đám đông hét lên với tôi, “Cô ơi, họ có bắn ông Trump không?” Tôi trả lời thành thật: “Tôi không biết nữa.”
Tôi phải tìm hiểu—chắc chắn rồi. Tôi không thể đoán được, vì quá nhiều người trong nghề của tôi đôi khi đã phải đi tìm hiểu.
Nỗi lo sợ cho ông ấy, cho mọi người ở đó, và cho đất nước chúng ta đã choán hết tâm trí tôi. Nhưng tôi đã tiến đến phía trước khu vực báo chí, hỏi mọi người: “Chuyện gì đã xảy ra?”
Một người mà tôi không nhớ tên nói với tôi: “Có thể ông ấy đã bị bắn…Tôi không biết, tôi thấy mọi người đưa [ông ấy] ra khỏi bục diễn thuyết.”
Cuối cùng, tôi đã tìm thấy những người tận mắt chứng kiến và sẵn sàng nói về vụ nổ súng.
Các nhân viên bảo mọi người rời đi; khi những người tham gia cuộc vận động tranh cử đi qua khu vực báo chí, nhiều người đã hét lên những lời chửi thề, đổ lỗi cho “tin giả” đã lan truyền thông tin sai lệch về cựu tổng thống, khơi dậy lòng căm thù đối với ông.
Những lời nhận xét đó không làm tôi tổn thương vì lương tâm tôi trong sáng.
Tôi đã tuân thủ lời thề cá nhân của mình: Phải trung thực nhất có thể trong mọi nỗ lực làm báo. Tôi đã tự hứa với bản thân mình như vậy khi mới 12 tuổi, khi tôi quyết định đây là nghề nghiệp mà tôi lựa chọn.
Việc tìm ra sự thật không phải lúc nào cũng dễ chịu. Vào ngày hôm đó, thật khó khăn khi nhìn vào mắt những người bị kinh hãi và tổn thương và hỏi họ chuyện gì đã xảy ra. Tôi cảm thấy mình như một kẻ tọc mạch. Nhưng việc ghi nhớ lời của những người đó là vô cùng quan trọng.
Mạng Internet, điện thoại, và máy điện thoại xách tay của tôi đều không hoạt động, một phần là do thời tiết quá nóng; các cuộc gọi điện có thể cũng làm các nhà mạng bị quá tải. Tôi đã thu thập được tin tức nhưng không thể chuyển tiếp cho biên tập viên của mình. Tôi thậm chí không thể nói với chồng mình rằng tôi vẫn ỔN cho đến khi một phóng viên khác cho tôi mượn điện thoại.
Khi từng phút trôi qua, những người phụ nữ vẫn tiếp tục khóc nức nở. Một chiếc trực thăng kêu vù vù trên cao. Một chiếc ATV phóng vụt qua với các cảnh sát trên xe. Cảnh sát hô lên, “Ra ngoài! Ra ngoài! Ra ngoài!”
Có người nói rằng toàn bộ nơi này giờ đã trở thành hiện trường vụ án, và cảnh sát trở nên kiên quyết hơn, hét lên với các phóng viên, “Đi đi nào!”
Tôi vẫn cố gắng phỏng vấn mọi người khi vội vã ra xe của mình; cuối cùng thì tôi cũng liên lạc được với một đồng nghiệp và kể lại cho cô ấy nghe những gì đã xảy ra.
Tôi cảm thấy may mắn khi còn sống, mặc dù sau đó tôi biết mình không ở tuyến đầu.
Trên đường ra ngoài, tôi nhận ra trải nghiệm của mình chẳng là gì so với những gì nhiều người khác phải chịu đựng vào ngày hôm đó. Tôi không thể tưởng tượng được những người đã tận mắt chứng kiến vụ nổ súng, những người bị trúng đạn, những người thân yêu của họ, những người cảm thấy những viên đạn bay vèo qua họ, và những người ở gần nạn nhân vụ nổ súng sẽ như thế nào.
Tôi cũng nghĩ về điều này: Không gì mà tôi đã trải qua có thể sánh được với mối nguy hiểm mà các nhân viên an toàn công cộng và quân đội phải đối mặt khi họ chiến đấu để giữ vững an toàn và tự do cho đất nước chúng ta. Tôi đã nếm trải một chút nỗi kinh hoàng mà họ thường phải can đảm đối mặt, và trong tôi trào dâng lòng biết ơn trước sự tận tụy và hy sinh của họ.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times