2024-01-30
Vì sao kinh tế Mỹ tiếp tục vượt kỳ vọng, trong khi các nước khác suy thoái?
(Hạ Vũ, Epoch Times tiếng Hoa, 30/1/2024)
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc khó khăn và suy thoái kinh tế ở nhiều nước trên thế giới, các nhà kinh tế dự đoán GDP của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng trưởng giảm kể từ quý 3 năm 2023. Sau khi đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 4,9%, tăng trưởng kinh tế trong quý cuối năm 2023 chắc chắn sẽ chậm lại đáng kể. Nhưng dữ liệu kinh tế của Mỹ gần đây một lần nữa vượt kỳ vọng và rất ấn tượng.
Tốc độ tăng trưởng hàng năm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ đã chậm lại ở mức 3,3% trong quý 4/2023, nhưng kết quả này rất thú vị vì trước đó các nhà kinh tế dự đoán GDP của Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng với tốc độ là 1,5% trong quý. Một năm trước, các nhà kinh tế gần như chắc chắn rằng Hoa Kỳ sẽ trải qua một cuộc suy thoái và tốc độ tăng trưởng GDP sẽ chỉ ở mức 0,2%, do đó giá trị GDP thực tế trong quý 4/2023 thậm chí còn đáng chú ý hơn.
So với các nước khác, trong quý 3 năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của 20 quốc gia sử dụng đồng euro chỉ là 0,1%; theo ước tính GDP mới nhất vào tháng 11/2023, tốc độ tăng trưởng hàng năm của Anh là 0,2%.
Nhưng thị trường lao động linh hoạt của Hoa Kỳ đã hỗ trợ sự tiêu dùng mạnh mẽ và loại bỏ lo ngại về suy thoái kinh tế. Một lực đẩy lớn của tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ chính là người Mỹ. Bởi vì ngay cả khi phải đối mặt với lãi suất cao nhất trong 23 năm, chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm phần lớn GDP của Hoa Kỳ, vẫn duy trì ở mức cao.
Ông James Knightley, chuyên gia kinh tế tại ING (ING là một ngân hàng lớn ở Đức), nói với tờ Wall Street Journal: "Đây là một năm thực sự mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế (Mỹ). Tiêu dùng đáng lẽ phải chậm lại - nhưng họ đã không làm vậy".
Vào năm 2023, người Mỹ chi tiêu nhiều hơn cho việc chăm sóc sức khỏe, ăn uống bên ngoài và ô tô. Doanh số bán hàng dịp lễ vượt kỳ vọng. Chi tiêu nhà ở được điều chỉnh theo lạm phát không thay đổi so với năm trước, phản ánh môi trường bất động sản khó khăn nhưng cũng ổn định.
Đại học Michigan cho biết, niềm tin vào nền kinh tế tăng lên khi tốc độ tăng lương nhanh hơn mức tăng giá: Niềm tin của người tiêu dùng tăng 29% từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, đây là mức tăng lớn nhất trong hai tháng liên tiếp kể từ năm 1991. Người tiêu dùng kỳ vọng lạm phát sẽ nhẹ hơn so với họ nghĩ chỉ vài tháng trước.
Ngoài sự ổn định trong tiêu dùng, Hoa Kỳ còn là trường hợp đặc biệt ở một khía cạnh khác. Theo nghiên cứu về chính sách kinh tế ứng phó với dịch bệnh của 166 quốc gia, từ năm 2020 đến năm 2021, chỉ có một quốc gia công nghiệp phát triển là Singapore có tỷ lệ chi tiêu cho biện pháp kích thích kinh tế trong đại dịch chiếm tỷ lệ GDP cao hơn so với Hoa Kỳ.
Tại Hoa Kỳ, gần 5 nghìn tỷ đô la tiền đã được phân phối trực tiếp cho các gia đình Mỹ thông qua sử dụng phiếu kích cầu (Stimulus Check), tăng trợ cấp thất nghiệp, tín dụng thuế, v.v.
Hơn nữa, mọi hoạt động kinh doanh về cơ bản đều đóng cửa trong đại dịch Covid-19, người Mỹ không có nhiều lý do để chi tiêu, đồng nghĩa với việc mọi người có nhiều tiền mặt hơn trong ngân hàng. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, mọi người chi tiêu như thể không có ngày mai.
Ông Joseph Gagnon, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, người từng làm việc tại Cục Dự trữ Liên bang, nói với CNN rằng tình hình chi tiêu đã chững lại nhưng hầu như không dừng, phần lớn là do tất cả số tiền kích thích chi tiêu vẫn đang lưu thông trong nền kinh tế.
Ông Gagnon cho biết, điểm mấu chốt là người dân không phải trả nhiều thuế như những năm trước, bằng chứng là doanh thu thuế tiểu bang giảm. Điều này dẫn đến việc chính phủ liên bang phải vay thêm tiền để thanh toán các hóa đơn của mình.
Ông nói thêm: “Mọi người hành động như thể họ có rất nhiều tiền để chi tiêu”.
Giá năng lượng cũng đóng một vai trò quan trọng trong khoảng cách kinh tế giữa Hoa Kỳ và các nước khác.
CNN trước đó đưa tin, một trong những lý do khiến lạm phát ở châu Âu cao hơn Mỹ là vì châu Âu, bao gồm cả Anh, đều nhập khẩu ròng năng lượng. Sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2/2022, nền kinh tế Anh và khu vực đồng tiền chung châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề do giá khí đốt tăng cao, dẫn đến hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng cao kỷ lục.
Tuy nhiên, ông Gagnon cũng cho biết, ông không kỳ vọng tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ duy trì ở mức 3,3%.
CNN cho rằng, khi nhìn vào nền kinh tế Mỹ gần đây, dự đoán đúng duy nhất là điều gì đó khó lường sẽ xảy ra.
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch