2024-01-07
Sau 3 năm, ảnh hưởng của ngày 06/01 vẫn lan rộng
Hơn 1,200 người đã bị bắt và hàng trăm người bị truy tố, nhưng những lo ngại về chiến thuật truy tố vẫn ngày càng gia tăng.
(Joseph Lord, Epoch Times, 7/1/2024)
Ba năm đã trôi qua kể từ khi cuộc biểu tình “Ngừng Đánh cắp Cuộc bầu cử” (Stop the Steal) ngày 06/01 ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn kết thúc bằng việc những người biểu tình xâm phạm Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.
Trong khoảng thời gian này, Bộ Tư pháp (DOJ) và FBI đã thực hiện cuộc truy bắt lớn nhất trong lịch sử của hai cơ quan này, và đã bắt giữ hơn 1,200 người tiến vào khuôn viên Tòa nhà Capitol ngày hôm đó.
Cách thức của các vụ bắt giữ này, cũng như thông tin được sử dụng để thực hiện các vụ bắt giữ, trong một số trường hợp, đã làm dấy lên các câu hỏi về quy chuẩn của FBI trong bối cảnh cơ quan này ra sức vây bắt mọi người.
Hơn một nửa số người bị bắt đã phải đối mặt với lời tuyên án về nhiều tội danh khác nhau.
Trong số những người bị buộc tội liên quan đến vụ việc ngày 06/01, nhiều người đã bị giam trong Nhà tù D.C., nơi bị các nhà phê bình đặt cho cái tên là “trại gulag” vì cách mà nhà tù này đối xử với các bị cáo ngày 06/01.
Hậu quả chính trị của các sự kiện ngày hôm đó tiếp tục lan ra khắp thủ đô Hoa Thịnh Đốn và trên toàn quốc.
Những người phản đối cựu Tổng thống (TT) Donald Trump, trong đó có các thành viên của Ủy ban Ngày 06/01 của Hạ viện (hiện đã giải tán) đã đẩy lối tường thuật này đi theo hướng rằng chính cựu TT Trump phải chịu trách nhiệm về vụ xâm phạm Tòa nhà Capitol. Những người này lập luận rằng cuộc biểu tình ngày 06/01 là một nỗ lực “nổi dậy” chống lại chính phủ Hoa Kỳ, do cựu TT Trump dẫn dắt.
Vì những lý do này, cựu TT Trump đã phải đối mặt với những thách thức về quyền có tên trong các phiếu bầu sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống ở một số tiểu bang.
Biện lý Đặc biệt Jack Smith cũng cáo buộc ông Trump với một loạt tội danh liên bang liên quan đến vụ việc ngày 06/01 và hậu quả vụ việc đó, điều này đã kiến cựu TT Trump và các đồng minh trong Quốc hội của ông chỉ trích gay gắt, và họ coi đây là một “cuộc săn phù thủy” chống lại ứng cử viên đang dẫn dầu của Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024.
Ngay cả khi bản thân sự kiện này mờ nhạt dần theo dòng lịch sử, thì những ảnh hưởng của sự kiện này vẫn tiếp tục tác động đáng kể đến nền chính trị Hoa Kỳ.
Dưới đây là khái quát về các sự kiện quan trọng đã xảy ra trong ba năm kể từ ngày 06/01, điều gì sẽ xảy ra, và những câu hỏi vẫn chưa có lời giải.
Các vụ bắt giữ và truy tố
Theo thống kê gần đây nhất của DOJ, hơn 1,237 người đã bị bắt vì liên quan đến ngày 06/01.
Phần lớn trong những người này — 1,160 người — đã bị buộc tội vì tiến vào hoặc ở lại trong một tòa nhà hoặc những khu vực bị hạn chế của liên bang, trong đó có 140 người bị buộc thêm những tội khác vì đã vào khu vực này khi bản thân họ được trang bị vũ khí nguy hiểm hoặc gây thương vong.
Trong số họ, một phần tư đã bị buộc tội cản trở một quy trình chính thức — một cáo buộc mà các nhà phê bình cho rằng đã được áp dụng ở một mức độ vượt xa phạm vi ban đầu của sự việc.
Khoảng một phần ba trong số họ đã bị buộc tội tấn công, chống cự, hoặc cản trở các nhân viên cảnh sát, trong đó có 120 người bị buộc tội gây thương tích nghiêm trọng cho một cảnh sát, hoặc sử dụng các loại vũ khí nguy hiểm, gây thương vong.
Có 70 người bị buộc tội phá hoại tài sản của chính phủ và 56 người bị buộc tội trộm cắp tài sản của chính phủ.
Đáng chú ý, mặc dù có các tuyên bố rằng sự kiện này là một cuộc nổi dậy, nhưng tất cả các bị cáo ngày 06/01 bị bắt đều không bị buộc tội nổi dậy.
Tổng Chưởng lý Merrick Garland đã gọi đây là “cuộc điều tra có phạm vi rộng nhất và là cuộc điều tra quan trọng nhất mà Bộ Tư pháp từng tham gia.”
Tuy nhiên, chiến thuật mà FBI sử dụng để thực hiện các vụ bắt giữ này cũng như các phương pháp mà cơ quan này sử dụng để xác định và bắt giữ các nghi phạm ngày 06/01 đã làm dấy lên nhiều câu hỏi.
Ví dụ, nhiều bị cáo liên quan đến vụ việc ngày 06/01 đã bị các đội SWAT bắt giữ.
Đó là điều bất thường, theo cựu đặc vụ FBI Stephen Friend, người đã tố cáo việc FBI giải quyết các vụ án ngày 06/01 và bị mất việc vì đã lên tiếng.
“Tôi đã bắt giữ hơn 150 tội phạm bạo lực,” ông nói trong một bộ phim tài liệu mới về ngày 06/01 của The Epoch Times. “Tôi chưa bao giờ phải sử dụng đội SWAT.”
Ông nói thêm, “Đó thực sự là mức độ thực thi cao nhất, khẩn thiết nhất.”
Cựu đặc vụ FBI Garret O’Boyle, một người tố cáo khác xuất hiện trong bộ phim tài liệu này, đã lưu ý những việc làm khác thường so với thủ tục tiêu chuẩn trong việc thu thập thông tin về nghi phạm.
Ông O’Boyle lưu ý rằng trong một trường hợp, thông tin được lấy từ một lời khuyên ẩn danh chưa được cơ quan chấp pháp chứng thực — một loại nguồn tin thường không được các quan chức chấp pháp tin cậy nhiều.
Trong một vụ khác, ông báo cáo rằng một bức ảnh 25 năm đã được sử dụng để xác định một nghi phạm — việc làm khác thường so với quy trình tiêu chuẩn.
FBI đã không phúc đáp câu hỏi về những lời khẳng định nói trên.
Trong các trường hợp khác, thông tin được thu thập thông qua sự hợp tác của các công ty truyền thông xã hội và các tổ chức tài chính. Đặc biệt gây chú ý là một tiết lộ cho rằng Bank of America đã “tự nguyện” giao hồ sơ ngân hàng của người dân ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn có liên quan đến vụ việc ngày 06/01 cho FBI.
Tóm lại, các bản án của các bị cáo ngày 06/01 tổng cộng lên tới hàng trăm năm tù.
Tuy nhiên, những bản án nặng nhất đã được dành cho những người được cho là đầu sỏ.
Ông Enrique Tarrio, cựu thủ lĩnh của Proud Boys, bị kết án 22 năm tù.
Ông Stewart Rhodes, thủ lĩnh của Oath Keepers, bị kết án 18 năm.
Nhiều người khác được cho là chịu trách nhiệm chính về các sự kiện ngày hôm đó cũng đã nhận mức án hơn một thập niên trong nhà tù liên bang.
‘Án lệ ngày 06/01’
Sau khi bị bắt, các bị cáo vụ 06/01 phải chiểu theo điều mà luật sư Joseph McBride gọi là “án lệ đặc biệt ngày 06/01,” mà ông mô tả là một sự đảo ngược các tiền lệ pháp lý lâu đời để truy lùng và bỏ tù các bị cáo ngày 06/01.
Ông McBride nói với The Epoch Times: “Có một thuật ngữ mà chúng tôi đã phát triển trong một trong các vụ án của mình, chúng tôi gọi đó là ‘án lệ đặc biệt ngày 06/01.’ Đó là quan niệm cho rằng tất cả luật Hiến Pháp, luật hình sự, luật dân quyền đều — từ khi thành lập đất nước chúng ta, cho đến ngày 05/01/2021 — là một bộ án lệ. Và sau đó quý vị khiến tất cả mọi thứ khác tuân theo bộ án lệ này.”
Ông và luật sư đồng nghiệp ngày 06/01 Ed Martin đã thảo luận một loạt các lĩnh vực mà trong đó “án lệ ngày 06/01” khác với những gì có trước đó, bao gồm các lĩnh vực liên quan đến tự do ngôn luận, trình tự pháp lý công bằng, và các quyền theo Hiến Pháp cốt lõi khác của bị cáo.
Nhiều người lo ngại về cách đối xử với các bị cáo vụ 06/01 tại các tòa án xoay quanh một đạo luật xưa nay ít được biết đến của luật pháp Hoa Kỳ đối với việc “cản trở một thủ tục chính thức.” Ông Martin cho biết việc sử dụng đạo luật mơ hồ này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền tự do ngôn luận.
Ông McBride nói với The Epoch Times rằng đạo luật này, được phát triển sau một vụ bê bối trong đó các nhân viên của hãng Enron đã cắt nhỏ tài liệu trước một cuộc điều tra, về cốt lõi là tương tự như hành vi cản trở công lý.
Tuy nhiên, đối với khoảng 330 bị cáo ngày 06/01, phạm vi của điều luật này đã được mở rộng đáng kể.
Phần liên quan của luật pháp Hoa Kỳ áp dụng một hình phạt lên tới 20 năm tù trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng đối với “bất kỳ ai một cách sai trái … cản trở, gây ảnh hưởng, hoặc ngăn cản bất kỳ thủ tục chính thức nào, hoặc cố gắng làm như vậy.”
Tuy nhiên, ông McBride cho rằng việc áp dụng luật này đối với các bị cáo ngày 06/01 là chưa từng có tiền lệ, và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do ngôn luận ở Hoa Kỳ.
Ông nói: “Đó là một cáo buộc cản trở và liên quan đến một người hoặc một nhóm người, như trong vụ của công ty Enron, tiêu hủy bằng chứng liên quan đến một cuộc điều tra sắp tới.”
“Có ai trong số những người này làm điều đó không? Không. Quý vị có thấy mọi người đi loanh quanh với những lá phiếu trên tay không? Không,” ông McBride nói. “Vì vậy, họ đã mở rộng phạm vi của đạo luật này một cách không thích đáng để tạo ra cuộc săn lùng tội phạm rầm rộ này và như thế họ sẽ kéo tất cả những người này vào đó.”
Ông Martin cho rằng ngoài ra, việc áp dụng đạo luật này có thể được sử dụng để dập tắt phát ngôn chính trị.
Đạo luật này “đúng ra là nói về việc can thiệp vào bằng chứng,” ông Martin nói. “Đạo luật này đúng ra là nói về việc thay đổi bằng chứng. Chứ không phải là nói về trường hợp khi có một sự kiện chính thức, một cuộc họp hội đồng nhà trường, một cuộc kiểm đếm phiếu của Đại cử tri Đoàn, một phiên điều trần Quốc hội.”
Ông Martin cho biết với phạm vi mở rộng của đạo luật này, thường dân ở Mỹ có thể phải đối mặt với cáo buộc trọng tội và lên tới 20 năm tù chỉ vì thực hiện bất kỳ hành động nào có thể được diễn giải là cản trở hoặc làm gián đoạn bất cứ điều gì được coi là một “thủ tục chính thức.”
“Thế thì bây giờ, nếu quý vị đi đến bất kỳ cuộc họp công cộng nào, quý vị đi đến hội đồng thị trấn của mình rồi đứng lên và nói, ‘Các vị đang sát hại trẻ sơ sinh, hãy ngừng việc phá thai ngay bây giờ,’ và họ kết thúc cuộc họp, giờ quý vị đã phạm phải một trọng tội ở Mỹ,” ông nói.
Hiện tại, một vụ kiện về việc các công tố viên liên bang áp dụng đạo luật này đang chờ được xem xét tại Tối cao Pháp viện, và những luật sư này bày tỏ sự lạc quan rằng hành động [của các công tố viên liên bang] sẽ bị chấm dứt.
Ngoài ra, các công tố viên trong nhiều vụ án đã tìm cách cho thêm vào cái gọi là tình tiết tăng nặng về khủng bố trong quá trình tuyên án, một trong vài yếu tố cân nhắc có thể được sử dụng để tăng đáng kể mức án tù của những người bị kết án.
Bà Gerri Perna, dì của bị cáo ngày 06/01 Matthew Perna, 37 tuổi, kể với The Epoch Times rằng mối đe dọa về việc áp dụng tình tiết tăng nặng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc anh Perna tự tử. Anh vốn đã phải đối mặt với cáo buộc can thiệp vào nhân chứng, xâm nhập và ở lại trong một tòa nhà hoặc khu vực hạn chế ra vào, và hai cáo buộc về hành vi gây mất trật tự.
Anh Perna ban đầu dự kiến sẽ phải đối mặt với 4 tội tiểu hình. Sau đó, DOJ đã gia tăng các cáo buộc, bổ sung thêm cáo buộc trọng tội vì cản trở một thủ tục chính thức và đe dọa kéo dài thêm bản án bằng cách yêu cầu bổ sung tình tiết tăng nặng về khủng bố.
“Matthew Lawrence Perna qua đời vào ngày 25/02/2022 với một trái tim tan vỡ,” gia đình anh viết trong cáo phó. “Cộng đồng của anh (mà anh yêu quý), đất nước của anh, và hệ thống tư pháp đã tước đi tinh thần và niềm vui sống của anh.”
Những lo ngại về trình tự pháp lý công bằng
Ông McBride cho rằng cũng trong phạm vi “án lệ ngày 06/01” là một loạt những vi phạm vào quyền được tiến hành các thủ tục tố tụng công bằng [của bị cáo], đã trở nên gần như phổ biến tại các tòa án ở Hoa Thịnh Đốn.
Ông Martin lập luận rằng về phía DOJ, đây là một phần của cách tiếp cận có phương pháp.
Ông Martin nói: “Một phần trong cách tiếp cận của Bộ Tư pháp và các công tố viên và cơ quan chấp pháp là đe dọa, nếu không muốn nói là khủng bố, những người bị [bắt giữ].”
Cả hai vị luật sư đều liệt kê một loạt những ví dụ, nhiều ví dụ trong số đó bắt đầu từ rất lâu trước khi các bị cáo vụ 06/01 bước vào phòng xử án.
Ông McBride cho biết, thông thường khi một người nào đó bị bắt vì những cáo buộc phạm tội, thì chỉ trong những tình huống rất hạn chế, họ mới bị giam trước khi xét xử hoặc trước khi có thỏa thuận nhận tội, bao gồm cả những trường hợp người đó có khả năng bị cáo buộc phạm tội bạo lực và họ có nguy cơ bỏ trốn.
Nhưng đối với nhiều bị cáo vụ 06/01, mọi chuyện lại không diễn ra như vậy. Thay vào đó, những bị cáo này phải đối mặt với nhiều tháng tù giam trước ngày ra tòa.
“Trong 99.9% của tất cả các trường hợp này, những người đàn ông này lẽ ra đều phải được đưa về nhà trong thời gian chờ xét xử,” ông McBride nói. “Nhưng vì tòa án D.C. muốn trừng phạt họ — không phải vì những gì họ đã làm, mà vì những gì họ tin tưởng, và người mà họ ủng hộ — họ đã nhốt những người đàn ông này, hoàn toàn vi phạm các quyền về trình tự pháp lý công bằng.”
Trong khi bị giam giữ trước khi xét xử, những bị cáo này phải đối mặt với việc liên tục bị xâm phạm các quyền được Hiến Pháp bảo vệ trong những điều kiện mà một nghị sĩ Quốc hội mô tả là “không khác gì vi phạm nhân quyền.”
Họ bị biệt giam và không được quan tâm về các nhu cầu sức khỏe thể chất cơ bản, bị tước đoạt những điều cơ bản như dao cạo râu và cắt tóc và, trong một số trường hợp, họ bị lính canh đánh đập và lăng mạ.
Bà Cynthia Hughes, dì của bị cáo ngày 06/01 Tim Hale-Cusanelli, nói với The Epoch Times rằng những điều kiện mà những bị cáo này phải đối mặt trong tù là “thảm hại.”
Bà Hughes nói: “Họ bị từ chối mọi quyền cơ bản của con người.”
Giống như các bị cáo ngày 06/01 khác, anh Hale-Cusanelli không được phép ra ngoài, không được phép gặp các linh mục hoặc chuyên gia tư vấn tinh thần, và coi nhẹ việc chăm sóc sức khỏe thể chất của anh.
Vào thời điểm đó, anh Hale-Cusanelli đang bị nhiễm trùng tai khiến anh gần như bị điếc một bên tai, trong khi nhà tù cung cấp rất ít sự can thiệp y tế.
Ông McBride cho rằng những điều kiện hạ thấp phẩm giá này đã vi phạm điều cấm của Tu chính án thứ Tám về các hình phạt tàn nhẫn và khác thường.
“Nếu quý vị bị kết án, và phải vào tù, thì hình phạt cho tội danh đó là tước đoạt tự do của quý vị,” ông nói. “Quý vị không được phép trừng phạt người khác một cách tàn nhẫn và khác thường, không được phép biệt giam họ, cho họ ăn sâu bọ, tra tấn họ về y tế, bất kể đó là gì. Đó chính là việc cấm những hình phạt tàn nhẫn và khác thường.”
Các luật sư cho biết đây không phải là những vụ vi phạm duy nhất đối với các quyền về trình tự pháp lý công bằng của bị cáo.
Trong nhiều trường hợp, có người đã bị tước quyền tiếp cận với luật sư trong thời gian dài. Ông cho biết việc liên lạc giữa họ với luật sư phải chịu sự giám sát. Việc liên lạc giữa luật sư và thân chủ vốn được bảo vệ lại phải chịu sự giám sát, tạo thành một hành vi vi phạm quyền theo Tu chính án thứ Sáu.
Ngoài ra, ông McBride cho biết, một số bị cáo đã bị tước quyền Brady.
Quyền Brady đề cập đến tiền lệ của Tối cao Pháp viện trong đó yêu cầu bên công tố chuyển giao tất cả bằng chứng bào chữa cho bị cáo và luật sư của họ.
Một mối lo ngại khác về trình tự pháp lý công bằng được cả hai luật sư đề cập đến là địa điểm xét xử.
Trong số nhiều vụ án được xét xử ở Hoa Thịnh Đốn, hầu hết mọi bị cáo đều tìm cách thay đổi địa điểm xét xử, lưu ý rằng Hoa Thịnh Đốn, vốn nghiêng hẳn về Đảng Dân Chủ, không thể nào cung cấp cho họ một bồi thẩm đoàn công bằng gồm những người từ cả hai đảng.
Ông McBride cho biết mọi yêu cầu trong số này đều bị từ chối.
DOJ đã không phúc đáp một đề nghị bình luận.
Hậu quả chính trị
Bên cạnh những tác động đến cuộc sống của những người bị vướng vào mạng lưới truy tố rộng lớn này của FBI sau ngày 06/01, hậu quả chính trị của sự kiện này vẫn tiếp tục ảnh hưởng cho đến tận ngày nay.
Vụ xâm phạm Tòa nhà Quốc Hội đã được các nhà hoạt động Đảng Dân Chủ lợi dụng để biện minh cho việc loại bỏ cựu TT Trump khỏi các cuộc bỏ phiếu ở một số tiểu bang.
Một mục của Tu chính án thứ 14 vốn được thông qua sau cuộc Nội Chiến đã cấm bất kỳ ai nắm giữ chức vụ công quyền “nếu trước đó đã từng tuyên thệ … với tư cách là một viên chức của Hoa Kỳ … ủng hộ Hiến Pháp Hoa Kỳ, lại tham gia vào cuộc nổi dậy hoặc phiến loạn chống lại Hiến Pháp.”
Nhiều thành viên Đảng Dân Chủ vẫn giữ lập trường rằng sự kiện 06/01 đã tạo thành một cuộc nổi dậy có chủ ý chống lại chính phủ Hoa Kỳ, mặc dù không có cáo buộc nổi dậy nào đối với bất kỳ những ai đã tham gia sự kiện đó. Họ cho rằng người lãnh đạo của sự kiện được cho là cuộc nổi dậy này là cựu TT Trump và các đồng minh của ông.
Đây là lối tường thuật do Ủy ban Ngày 06/01 đưa ra. Ủy ban này đã bị giải tán sau khi Đảng Cộng Hòa giành lại Hạ viện.
Theo ủy ban đó, các nhóm từ như “cuộc nổi dậy,” “cuộc tấn công vào nền dân chủ,” và “cuộc tấn công vào Tòa nhà Quốc Hội” đã trở nên phổ biến trên các hãng truyền thông chính thống khi đề cập đến các sự kiện xảy ra vào ngày hôm đó.
Ông Martin nói với The Epoch Times rằng: “Lối tường thuật mà họ tiếp tục quảng bá, và cho đến ngày nay họ vẫn làm điều đó, rằng đây là những kẻ nổi dậy có vũ trang, là những kẻ xấu phạm trọng tội.”
Cho đến nay, lối tường thuật này đã được sử dụng làm cơ sở cho một cuộc truy tố hình sự liên bang đối với cựu TT Trump và việc loại ông khỏi cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống năm 2024.
Các tiểu bang như Colorado và Maine đã cố gắng làm như vậy, và đang chờ Tối cao Pháp viện can thiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng Tối cao Pháp viện sẽ đảo ngược nỗ lực này.
Tuy vậy, trong bối cảnh cựu TT Trump dường như đã sẵn sàng giành được đề cử tổng thống của đảng mình vào cuối năm nay thì sự kiện 06/01 dường như vẫn là một vấn đề chính trị nổi bật trong một khoảng thời gian.
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Mặc dù các ký giả chuyên tâm xem xét kỹ lưỡng hàng ngàn giờ hình ảnh và video được quay vào ngày hôm đó, trong đó nhiều hình ảnh và video đã tiết lộ những gì thực sự xảy ra vào ngày 06/01, nhưng ba năm trôi qua mà vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.
Một câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ liên quan đến sự vắng mặt của Vệ binh Quốc gia vào ngày hôm đó.
Nhận thức được rằng có thể bạo lực sẽ xảy ra vào ngày 06/01, Tổng thống đương thời Donald Trump đã cho phép khai triển lực lượng Vệ binh Quốc gia tới Tòa nhà Quốc Hội, chờ sự chấp thuận của viên chức đặc trách duy trì trật tự Quốc hội và Thị trưởng Muriel Bowser của Hoa Thịnh Đốn. Nếu không có sự đồng ý của hai người này, thì Tổng thống Trump không thể đơn phương ra lệnh cho Vệ binh Quốc Gia hiện diện.
Cả hai người này đều từ chối yêu cầu tiếp viện, khiến Tòa nhà Quốc Hội thiếu nhân lực và không được chuẩn bị để ứng phó với đám đông tràn vào trong ngày hôm đó.
Các câu hỏi rằng tại sao sự tiếp viện này không được bất kỳ cơ quan chức năng nào có liên quan yêu cầu — và tại sao Tòa nhà Quốc Hội lại thiếu nhân sự nhiều như vậy vào ngày hôm đó — vẫn chưa được giải đáp.
https://www.theepochtimes.com/us/the-impact-of-jan-6-three-years-on-5558402
Epoch Times tiếng Việt biên dịch