Wednesday, January 24, 2024

 2024-01-20 

Không phát sóng Trump là sai

(Jemima Kelly, Financial Times, 20/1/2024)

Khi Donald Trump bước lên khán đài vào thứ Hai tuần trước sau chiến thắng lịch sử trong cuộc họp kín của Đảng Cộng hòa ở Iowa, ông đã thể hiện một giọng điệu thoải mái, vô tư. Ông ấy nói một cách trìu mến về người mẹ vợ quá cố của mình (ông ấy nói đùa rằng đồ ăn do bà nấu tại nhà đã giúp Barron Trump, 17 tuổi, có được chiều cao vượt trội); ông gọi đối thủ của mình là “những người rất thông minh, những người rất có năng lực”; ông nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người Mỹ thuộc mọi đảng phái chính trị phải “đến với nhau”.

Đây là phong thái thoải mái, tự tin của một người đàn ông - vừa giành được nhiều phiếu bầu hơn tất cả các đối thủ của mình cộng lại ở Iowa, một kỳ tích mà không một ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa nào có thể làm được trước đó - biết rằng mình đang trên đường đảm bảo được đề cử, và hoàn toàn có thể, cho chức vụ tổng thống. Tuy nhiên, không phải tất cả những người xem tin tức truyền hình cáp đều có thể đánh giá được giọng điệu trong bài phát biểu của ông, bởi vì không phải tất cả họ đều được xem nó.

“Vào thời điểm này của buổi tối, ông Trump mới chỉ bắt đầu đọc bài phát biểu chiến thắng của mình,” thì người dẫn chương trình MSNBC vào khung giờ vàng Rachel Maddow nói trước ống kính mà không nhắc tên Trump hoặc chiếu đoạn phim đó. Cô nói: “Chúng tôi và các hãng tin khác thường ngừng phát sóng trực tiếp những lời nói chưa được sàng lọc của cựu tổng thống Trump. Đó không phải là một quyết định dễ dàng, nhưng chúng tôi với tư cách là một hãng tin phải trả giá khi cố tình phát sóng những điều không đúng sự thật.” Trong khi đó, CNN đã cắt bỏ bài phát biểu của Trump khi ông bắt đầu đề cập đến cuộc khủng hoảng ở biên giới Mỹ với Mexico.

Đây không phải là cách để các hãng tin hành xử. Đầu tiên, nhiệm vụ của họ không phải là cố gắng bảo vệ người xem khỏi “những điều không đúng sự thật” - mà là đưa tin. Suy cho cùng, ranh giới giữa điều đúng và điều không đúng không phải lúc nào cũng rõ ràng ngay lập tức. Do đó, làm thế nào một mạng lưới có thể “cố tình phát sóng” những điều chưa được thốt ra? Và nếu nguy cơ những tuyên bố sai sự thật được phát sóng là rất lớn,  thì làm sao họ có thể phát trực tiếp bất cứ thứ gì được?

Thứ hai, thật là kẻ cả khi coi người xem là những người không có khả năng tự quyết định. Hầu hết người xem muốn biết toàn bộ câu chuyện: trong một cuộc khảo sát của Pew Research năm 2022, hơn 3/4 người Mỹ cho biết các nhà báo nên cố gắng đưa tin bình đẳng cho tất cả các phe phái chính trị. Tuy nhiên, trong cùng một cuộc khảo sát, chỉ 44% nhà báo Mỹ giữ quan điểm này, đặc biệt là các nhà báo trẻ - 63% trong số những người dưới 30 tuổi - cho rằng mọi bên không xứng đáng được đưa tin như nhau.

Thứ ba, từ chối phát sóng các bài phát biểu của Trump không chỉ không hiệu quả - ngày càng có nhiều người xem tin tức từ các clip trên mạng xã hội thay vì từ tin tức truyền hình cáp - mà còn phản tác dụng: việc kiểm duyệt Trump trên một nền tảng chỉ đơn giản khiến người xem tìm kiếm tin tức ở nơi khác. Tất cả những gì làm được là làm cho bối cảnh tin tức thậm chí còn bị phân cực hơn hiện tại, với những kênh như CNN và NBC ở cánh tả dường như tồn tại ở một thế giới khác với Fox News và Newsmax ở cánh hữu - một vấn đề mà gần 3/4 số người người Mỹ tin rằng đang gia tăng sự chia rẽ trong nước.

Việc từ chối phát sóng bài phát biểu chiến thắng của một người rất có thể sẽ tái đắc cử tổng thống vào tháng 11 chỉ làm xói mòn thêm niềm tin vào các phương tiện truyền thông dòng chính ('mainstream media' hay “MSM”), vốn đã ở mức thấp nhất mọi thời đại. Như cựu ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Mike Huckabee đã đăng trên X về vụ này, “lý do khiến hầu hết chúng ta không tin tưởng vào tính chính trực hoặc tính khách quan của MSM là [vì] điều này xảy ra ngay tại đây. Khi họ bịa đặt câu chuyện của mình và che giấu câu chuyện và [những người] họ không thích, họ là kẻ thù của nhân dân.”

Bản thân Trump đã lấy nó làm ví dụ về “báo chí tham nhũng như thế nào” khi ông phát biểu trước đám đông ở New Hampshire vào đêm hôm sau. “NBC và CNN từ chối phát sóng bài phát biểu chiến thắng của tôi . . . bởi vì họ lươn lẹo, họ không trung thực!”

Sự nổi tiếng ngày càng tăng của Trump không phải vì bốn cáo trạng hình sự, 91 trọng tội, hình ảnh cau có và điệp khúc ngày càng nhiều của các "cảnh báo" chính thức về sự nguy hiểm của nhiệm kỳ thứ hai của Trump, mà là vì những điều này (bịt miệng ông). Ông ta đã trở thành một nhân vật phản diện. Bất chấp sự giàu có và đặc quyền to lớn của mình, ông đã thuyết phục được nhiều người Mỹ bình thường rằng hệ thống này được gian lận để chống lại ông cũng giống như họ cảm thấy nó (hệ thống) đang chống lại họ.

Nhiều nhà bình luận, các đối thủ và nhà ngoại giao đang cảnh báo rằng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump sẽ độc tài hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông và ông đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho nền dân chủ tự do. Nhưng mặc dù những lo ngại này có thể chính đáng, nhưng Trump và những người theo ông không thể bị kiểm duyệt bỏ đơn giản như vậy.

Nếu có bất kỳ hy vọng nào để đánh bại Trump, thì đó không phải là coi ông ta như một kẻ tồi tệ đến nỗi lời nói không được phát sóng trên truyền hình. Mà phải thừa nhận ông ta đúng chỗ nào, chỉ ra ông ta sai ở đâu và đưa ra một giải pháp thay thế đáng tin cậy nào đó.


https://www.ft.com/content/7358f177-9f93-4e51-9349-22b0c36c0c09?segmentId=b385c2ad-87ed-d8ff-aaec-0f8435cd42d9


NVV dịch








 

 2025-01-21  Kết thúc của chấn động và kinh ngạc: Bộ Tư pháp đã đưa ra lập luận như thế nào về lệnh ân xá J6 (Jonathan Turley, 21/1/2025) Và...