2023-12-15
Liệu chúng ta có đang nuôi dưỡng thế hệ Pyjama?
Một số mục tiêu của giáo dục đại học thường được cho là nhằm phát triển những phẩm chất tốt, học những khóa học nghiêm ngặt, chuẩn bị cho lực lượng nhân sự, và khuyến khích tư duy phản biện. Tuy nhiên, khi quan sát sinh viên trong các trường đại học, người ta tự hỏi có bao nhiêu mục tiêu trên được thực hiện.
Khi đi ngang qua một trường đại học ở địa phương, tôi chứng kiến một số cảnh tượng đáng lo ngại mà hầu như chưa từng xuất hiện cách đây mười năm. Hầu hết các sinh viên đang ngồi hoặc đi bộ đến và ra khỏi lớp học, nhưng họ không chú ý gì tới xung quanh. Họ đắm chìm trong chiếc điện thoại của mình, và nhiều người vẫn còn mặc pyjama (đồ ngủ) đi lang thang khắp nơi như những thây ma. Làm sao một người có lòng tự trọng lại có thể mặc đồ ngủ cả ngày như vậy được chứ? Người ta có thể hiểu việc đi quanh nhà trong bộ đồ ngủ vào cuối tuần, nhưng không thể tưởng tượng được việc mặc đồ ngủ đi lại nơi công cộng trong ngày làm việc.
Tất nhiên có thể thông cảm nếu có một hay hai lần mặc đồ ngủ trong năm, như trường hợp học cấp hai, nhưng mặc đồ ngủ trong phần lớn thời gian thì dường như đó lại là một thói quen của sự cẩu thả. Hầu hết người bình thường thức dậy vào buổi sáng, thay y phục, rửa mặt, chải đầu tóc, và bắt đầu một ngày mới. Giờ thì quá nhiều sinh viên Gen Z xuất hiện với bộ dạng nhếch nhác khi ăn sáng trong căng tin trường, và rất nhiều người đi học muộn trong bộ đồ ngủ.
Thời gian trước đây không lâu, quý vị sẽ không thể mơ tưởng đến việc vào lớp muộn, vì có thể bị điểm danh vắng mặt hoặc vào muộn, và bỏ lỡ những tiết học quan trọng. Tư duy tự ái, tự đại này bắt nguồn từ đâu? Hành vi đó thể hiện sự thiếu tôn trọng với các sinh viên khác và các giáo sư, những người đã đến đúng giờ để sẵn sàng học tập. Đến muộn và mặc đồ ngủ hoàn toàn là biểu hiện của một vấn đề sâu xa hơn, có thể đó là thái độ thờ ơ với quan điểm của người khác, lười nhác, và sự hạ thấp giá trị bản thân.
Mặc dù những thói quen nhếch nhác này một phần là do vấn đề văn hoá, nhưng mỗi cá nhân có thể tự quyết định mình có động lực hay lười biếng. Đáng tiếc là phần lớn thế hệ Gen Z và một phần thế hệ Y (Millennials) vẫn tiếp tục sống với cha mẹ cho đến khi họ hai mươi hay ba mươi tuổi. Ý thức độc lập, chủ động, niềm tự hào hay mong muốn nuôi sống gia đình của họ ở đâu? Họ dường như bị bẫy trong ý muốn là một đứa trẻ to xác không bao giờ lớn, họ thiếu nhận thức về vấn đề của mình một cách đáng kinh ngạc.
Hậu quả của một nền giáo dục “thức tỉnh” ở các trường công và đại học là nhiều sinh viên tốt nghiệp tin rằng họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền khi mới bắt đầu tham gia vào lực lượng nhân sự ở những vị trí công việc đòi hỏi ít kinh nghiệm. Họ kỳ vọng được nghỉ nhiều trong giờ làm việc và nỗ lực rất ít chỉ để giữ vị trí của mình. Nhưng [phong trào] thức tỉnh thô lỗ sẽ chào đón họ nếu họ tiếp tục ôm những mộng tưởng này. Trừ khi là ông chủ của chính mình, nếu không quý vị phải nỗ lực để thăng tiến trong sự nghiệp.
Một số doanh nghiệp tốt tuân thủ phương châm này, “Nơi duy nhất mà thành công đến trước lao động là trong từ điển.” Đây là một bài học mà các bạn trẻ nên học thuộc lòng và ghi nhớ, nếu không họ sẽ phải lặp đi lặp lại những sai lầm tương tự hết lần này đến lần khác. Vì nhiều người trẻ không để tâm đến lời khuyên nhủ hoặc học hỏi từ tấm gương của những người sống có mục đích, nên họ sẽ nghiện thực tế ảo vốn không liên quan đến thế giới thực.
Có giải pháp nào cho tâm lý thế hệ mặc đồ ngủ này không? Có, có rất nhiều hành động mà những người có thói quen tự huỷ hoại bản thân này có thể thực hiện. Đầu tiên, những thanh niên trẻ này cần hiểu rằng trong cuộc sống, chúng ta không thể lúc nào cũng có điều mình muốn. Để có thể chấp nhận được thực tế đó, họ có thể phải sứt đầu mẻ trán vài lần để tỉnh ngộ ra, bởi vì họ đã được bao bọc quá nhiều. Càng sớm học được bài học khó khăn, thì càng dễ loại bỏ những thói quen có hại để tạo dựng một tương lai tốt đẹp.
Tiếp theo hãy cố gắng tạo ra kỷ luật cho cuộc sống của quý vị. Nếu thấy khó thức dậy, hãy đặt đồng hồ báo thức cùng với mục đích hàng ngày hay hàng tuần. Tập thể dục một chút vào buổi sáng sẽ không hại gì, vậy hãy kỷ luật bản thân để thành thói quen và nạp năng lượng trước khi bước vào bữa sáng và bắt đầu một ngày học tập hay làm việc. Tránh xa khỏi các nền tảng mạng xã hội để tận hưởng môi trường xung quanh và đọc báo in.
Thứ ba, hãy chăm chút ngoại hình và sự sạch sẽ. Đừng mặc đồ ngủ hay quần áo luộm thuộm khi đi phỏng vấn hay đi làm. Tăng nhận thức về môi trường xung quanh và chú ý đến các nhu cầu của người khác, bởi vì những tiêu chuẩn xã hội tồn tại là có lý do. Phát triển tính khả tín, luôn đúng giờ, và nỗ lực hết sức để tạo nên sự may mắn cho chính mình. Quý vị chỉ là nạn nhân của sự lựa chọn của chính bản thân mà thôi.
Cuối cùng, có một giải pháp thay thế để nuôi dưỡng thế hệ pyjama. Chúng ta có thể giúp nuôi dạy những đứa trẻ học cách giao tiếp hiệu quả, tôn trọng người khác, và tạo ấn tượng tốt ban đầu mà không thái quá. Các bạn trẻ có thể học từ kinh nghiệm của những người lớn tuổi hơn để sửa chữa những sai lầm và tiếp tục những thử thách mới. Họ nên loại bỏ tâm lý về quyền lợi và tìm kiếm con đường của mình thông qua sự bình đẳng về cơ hội và thành tích. Đã đến lúc phải trưởng thành rồi, thế hệ pyjama!
Thuần Thanh biên dịch