2023-12-29
Cách ông Trump trỗi dậy sau loạt sóng gió
Bằng cách khai thác điểm yếu của các đối thủ và thái độ hoài nghi trong xã hội Mỹ, ông Trump đang bứt phá trên đường đua vào Nhà Trắng sau loạt vấp váp.
"Người đàn ông Florida đã ra thông báo" là tựa đề được tờ báo cánh hữu New York Post đưa ra năm ngoái, đề cập đến về việc cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động chiến dịch tái tranh cử. Một số nhà quan sát cho rằng tựa đề này chẳng khác nào một cái nhún vai trước cơ hội trở lại Nhà Trắng của Trump.
Thời điểm đó, ông Trump đang đối mặt vô vàn thách thức. Thất bại của loạt ứng viên được ông ủng hộ trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ đã làm sứt mẻ hình ảnh "người kiến tạo quyền lực" trong đảng Cộng hòa của cựu tổng thống. Một số nhà bình luận bảo thủ như Ann Coulter thậm chí còn quay sang chỉ trích Trump, cho rằng chính ông đã khiến đảng Cộng hòa đánh mất cơ hội kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ.
Trong thời điểm đó, có vẻ như Trump đã đánh mất thứ làm nên sức chiến đấu bền bỉ bấy lâu của ông: Khả năng miễn nhiễm với bê bối. Chiến dịch tranh cử thứ ba của ông vào Nhà Trắng khởi đầu không mấy rầm rộ.
Sau khi đảng Cộng hòa không thể tạo "làn sóng đỏ" trong bầu cử giữa kỳ năm 2022, ông Trump trở thành "bia đỡ đạn" cho đảng Cộng hòa về thành tích mờ nhạt của đảng. Vô số lời chỉ trích được tung ra nhắm vào ông, nhiều người đã yêu cầu ông im lặng để tránh làm tổn hại thêm đến đảng.
Theo Henry Olsen, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Công và Đạo đức, trụ sở tại Washington, vào cuối năm 2022, ông Trump rơi vào tình cảnh "mất đi sức sống" và không có gì mới để nói sau loạt thất bại của đảng Cộng hòa.
"Ông ấy lúc đó trông giống như đang làm mọi thứ cho xong", Olsen nói. "Nhưng điều này đã thay đổi vào giữa mùa xuân năm nay, khi Trump tìm lại được năng lượng".
Ông bắt đầu hành trình vận động tranh cử từ tháng 3 bằng một cuộc mít tinh lớn ở Waco, Texas, đưa ra bài phát biểu làm dấy lên lo ngại về tình trạng mà ông cho là "tha hóa" trong chính quyền và suy thoái văn hóa Mỹ. Cựu tổng thống cảnh báo Mỹ có thể biến thành một "quốc gia thuộc thế giới thứ ba" và chỉ có ông mới giải quyết được tình trạng lộn xộn hiện nay.
Ông một lần nữa khắc họa bản thân giống như câu trả lời cho những người đang tìm kiếm một "bước thay đổi lớn lao", Olsen đánh giá.
Lúc này, các đối thủ của ông trong đảng Cộng hòa bắt đầu xuất hiện. Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley công bố chiến dịch tranh cử vào tháng hai và Thống đốc DeSantis cũng đã sẵn sàng khởi động chiến dịch. Nhưng những mối cạnh tranh như vậy lại giống như động lực giúp Trump bứt tốc.
"Tôi nghĩ Trump đã lấy lại được năng lượng vì bị tấn công từ cả hai bên, bởi không có gì khiến ông ấy hứng thú hơn một trận chiến hay", Olsen bình luận. "Và lùi bước khi đối mặt một cuộc chiến là điều khiến ông thấy xấu hổ".
Rina Shah, chiến lược gia chính trị, nhận định nhiều ứng viên Cộng hòa đã tìm cách bắt chước phong thái của Trump, nhưng không có được những phẩm chất như ông.
"Trump có vẻ là sự kết hợp hoàn hảo giữa sức mạnh, sức sống và khả năng lôi cuốn, giúp ông tiếp cận những thứ không thể tiếp cận", Shah cho hay.
Shah giải thích thêm rằng nhiều cử tri coi cuộc đời Trump là một câu chuyện thành công. Khi tranh cử vào năm 2016, ông giống như "kẻ ngoại đạo" chính trị, nhưng đã đánh bại hàng loạt ứng viên được coi là "sừng sỏ" hơn. Từ đó đến nay, ông luôn duy trì ảnh hưởng trên chính trường cũng như truyền thông, thuyết phục những người ủng hộ tin chỉ ông mới có thể ổn định chính trường Mỹ.
Trump còn biết cách nắm bắt tâm lý bất mãn của không ít người Mỹ đối với hệ thống chính trị bằng cách tự mô tả mình là một "người ngoài cuộc" đang tìm cách "rút cạn đầm lầy Washington". Gần đây, ông lại tự nhận mình sẽ trở thành "nhà độc tài", nhưng chỉ trong ngày đầu tiên nhậm chức, để có thể đóng cửa biên giới, ngăn chặn làn sóng người nhập cư và khoan thêm dầu.
Những người chỉ trích coi tuyên bố của Trump là biểu hiện cho tính cách độc đoán. Nhưng các phát ngôn quyết liệt, đối đầu chính quyền mà ông đưa ra lại được chứng minh là một yếu tố lôi cuốn, cả ở Mỹ và nước ngoài.
Trump đã sử dụng cách tiếp cận đó vào năm 2016 khi đánh bại đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton để giành ghế tại Nhà Trắng. Chứng kiến sự trỗi dậy của ông, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Argentina Javier Milei đã học theo trong nỗ lực tranh cử và giành chiến thắng.
"Washington vẫn chia rẽ và rạn nứt. Vì lý do này, ông Trump vẫn có thể tiếp tục áp dụng chiến thuật cũ", Shah nói. "Những quan điểm đó không mới mẻ, là điều ông ấy đã nói suốt nhiều năm... Nhưng nó dường như vẫn thuyết phục đối với những người không hài lòng về hệ thống hiện nay".
Nhưng vào thời điểm Trump bắt đầu lấy lại được năng lượng, các thách thức pháp lý liên tục ập đến với ông.
Ông hồi tháng 3 trở thành cựu tổng thống đầu tiên bị truy tố trong lịch sử Mỹ, với cáo buộc chi tiền "bịt miệng" sao khiêu dâm, ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016.
Ông sau đó đối mặt thêm ba vụ truy tố cấp bang và liên bang, gồm giữ trái phép tài liệu mật, tìm cách lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, dẫn đến vụ bạo loạn ở quốc hội Mỹ tháng 1/2021 và âm mưu thay đổi kết quả bầu cử năm 2020 tại bang Georgia. Bức ảnh hồ sơ ông phải chụp khi trình diện nhà tù Atlanta, Georgia lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Bất chấp nguy cơ đối mặt hơn 717 năm tù với tổng cộng 91 tội danh, Trump vẫn tạo được động lực mạnh mẽ chiến dịch tranh cử của mình. Ông đang dẫn đầu cuộc đua giành đề cử từ đảng Cộng hòa, với kết quả ấn tượng. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông dẫn trước đối thủ gần nhất trong đảng Cộng hòa là Thống đốc Ron DeSantis hàng chục điểm phần trăm.
Mỗi bản cáo trạng được công bố lại khiến hình ảnh Trump trở nên ấn tượng hơn trong lòng cử tri đảng Cộng hòa, đến mức nghị sĩ Cộng hòa Thomas Massie còn nói đùa rằng Thống đốc DeSantis nên tự khiến mình vướng vào một cáo buộc nào đó để đuổi kịp cựu tổng thống.
"Chúng ta phải tìm một số thẩm phán ở Florida muốn nhanh chóng truy tố DeSantis, để thu hẹp khoảng cách này", Massie nói hồi tháng 7. "Một sự thật hiển nhiên là bất cứ khi nào ai đó bị công kích, phe của họ sẽ tập hợp lại để bảo vệ họ".
Những người ủng hộ cựu tổng thống coi các cáo trạng là bằng chứng cho thấy hệ thống pháp luật bị can thiệp đang ra tay loại bỏ ông. Olsen cho hay vào thời điểm một số người ủng hộ Trump cân nhắc việc bỏ phiếu cho người khác, "các cáo trạng đã khiến họ tập hợp lại xung quanh ông".
Những cáo buộc cấp bang ở New York và Georgia được đưa ra bởi các công tố viên được bầu của đảng Dân chủ. Các cáo trạng liên bang được thúc đẩy bởi công tố viên đặc biệt Jack Smith, người được Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland lựa chọn. Bộ trưởng Garland lại được chính Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm.
Ông Trump bác bỏ mọi cáo buộc, gọi chúng là một cuộc săn phù thủy do đảng Dân chủ thúc đẩy. Cụm từ "săn phù thủy" chỉ hành động cố tình bới lông tìm vết nhằm bôi nhọ đối thủ chính trị.
Tòa án Tối cao Colorado gần đây gạt tên Trump khỏi phiếu bầu sơ bộ ở bang này, với cáo buộc ông kích động cuộc bạo loạn Đồi Capitol. Tổng thư ký bang Maine cũng đã ra quyết định tương tự. Ông Trump dự kiến kháng cáo lên Tòa án Tối cao Mỹ, châm ngòi cuộc đấu pháp lý căng thẳng ở tòa án quyền lực nhất đất nước.
Không chỉ bỏ xa các đối thủ trong đảng Cộng hòa, ông Trump còn trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với Tổng thống Biden. Một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông đã vượt qua ông Biden trong bầu cử giả định ở các bang chiến trường quan trọng như Michigan, Nevada hay Georgia.
Giới chuyên gia nhận định nhiều cử tri không đứng về phía Tổng thống Biden vì lo ngại về sức khỏe và tuổi tác của ông.
"Chỉ là trông ông ấy không khỏe mạnh bằng cựu tổng thống Trump", Shah nói, song lưu ý rằng ông Biden, 81 tuổi, chỉ nhiều hơn ông Trump 4 tuổi.
"Trump trông giống như một người thực sự sẵn sàng cho một nhiệm kỳ tổng thống mới", Ronald Stockton, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Michigan-Dearborn, nhận xét. "Trong khi nhiều cử tri Mỹ cho rằng Tổng thống Biden có vẻ quá già. Có thể không phải vậy, nhưng ông ấy trông như vậy. Đó là một thực tế".
Ngoài ra, vấn đề chính sách cũng là một yếu tố khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden giảm sút. Một số chỉ số cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn "khỏe mạnh", nhưng nhiều người lao động Mỹ đang quay cuồng vì lạm phát.
Dòng người nhập cư ở biên giới phía nam là một điểm yếu khác của ông chủ Nhà Trắng đang bị Trump khai thác. Các quan chức đảng Cộng hòa ở một số bang miền nam đã đưa nhiều người nhập cư tới các thành phố và bang do đảng Dân chủ kiểm soát ở phía bắc, gây căng thẳng cho hệ thống an sinh xã hội ở những nơi này. Tổng thống Biden đã cố gắng hạn chế tình trạng di cư trái phép, song điều này lại khiến nhiều thành viên đảng Dân chủ của ông tức giận, đặc biệt là những người cấp tiến.
"Trump được coi là người có khả năng quản lý nền kinh tế rất tốt. Ông ấy được cho là xử lý rất ổn thỏa vấn đề nhập cư. Và ông ấy là người không theo chủ nghĩa can thiệp quốc tế", Stockton nhấn mạnh, thêm rằng chính điều này đã giúp cựu tổng thống Mỹ nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều cử tri Mỹ, bất chấp loạt sóng gió năm qua.