2023-12-18
Các chuyên gia: Cựu TT Trump có cơ hội tốt tại Tối cao Pháp viện để hủy bỏ vụ án ở Washington DC
Một số luật sư và chuyên gia Hiến Pháp nói với The Epoch Times rằng, cựu Tổng thống (TT) Donald Trump có một số lộ trình khả thi để yêu cầu Tối cao Pháp viện bác bỏ các cáo buộc liên bang mà ông đang phải đối mặt vì đã nỗ lực thách thức kết quả của cuộc bầu cử năm 2020.
Các chuyên gia cho biết, lập luận khả quan nhất của ông là những cáo buộc đó xâm phạm các quyền trong Tu chính án thứ Nhất của ông, nhưng ông cũng có thể khẳng định thành công quyền miễn trừ của tổng thống hoặc lập luận rằng luật đã bị các công tố viên lạm dụng một cách không thể chấp nhận được.
Hôm 01/08, Biện lý Đặc biệt Jack Smith đã cáo buộc cựu TT Trump về tội cản trở quá trình kiểm đếm phiếu Đại cử tri của Quốc hội vào ngày 06/01/2021 và âm mưu làm như vậy để duy trì quyền lực.
Âm mưu này được cho là được thực hiện bằng cách truyền bá những tuyên bố sai sự thật rằng những hành vi gian lận và bất hợp pháp đã làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, đồng thời sử dụng những tuyên bố sai sự thật đó để thuyết phục nhiều quan chức khác nhau lật ngược kết quả.
Các luật sư của cựu TT Trump đã đệ trình một loạt các kiến nghị nhằm bác bỏ các cáo buộc dựa trên cơ sở Hiến Pháp, cơ sở pháp lý, thông qua quyền miễn trừ của tổng thống, và viện dẫn lý do hành động truy tố này là ác ý. Theo các chuyên gia, mặc dù một số lập luận còn yếu nhưng những lập luận khác lại tỏ ra thuyết phục.
Tuy nhiên, trên thực tế, các lập luận của cựu TT Trump sẽ cần phải thuyết phục được thẩm phán của ông, tòa phúc thẩm, hoặc, trong trường hợp được đưa lên cấp cao nhất, là Tối cao Pháp viện.
Các chuyên gia dự đoán rằng thẩm phán thụ lý vụ án tại Tòa Địa hạt Liên bang Khu vực Hoa Thịnh Đốn, bà Tanya Chutkan, gần như chắc chắn sẽ từ chối mọi kiến nghị bác bỏ. Hôm 01/12, bà thực sự đã phủ nhận khoảng một nửa trong số đó. Họ cũng thừa nhận rằng những lập luận này có thể sẽ vấp phải sự phản đối tại Tòa Phúc thẩm Khu vực Hoa Thịnh Đốn, do khuynh hướng chính trị của tòa án đó
Họ cho rằng cơ hội tốt nhất của cựu TT Trump sẽ là ở Tối cao Pháp viện.
Lập luận về tự do ngôn luận
Các luật sư của cựu TT Trump đã khẳng định rằng bản cáo trạng vi phạm Tu chính án thứ Nhất khi cố gắng hình sự hóa ngôn luận và hành động vận động chính trị.
Các luật sư viết trong một bản tóm tắt hôm 22/11 rằng: “Bên công tố tìm cách tự coi mình là cơ quan kiểm duyệt của Mỹ, với thẩm quyền ở bất cứ nơi đâu để truy tố hình sự tất cả những ai lên tiếng chống lại những câu chuyện đã được họ chấp thuận.”
Các luật sư lập luận rằng nếu các công tố viên có thể tuyên bố rằng nỗ lực của cựu TT Trump nhằm đảo ngược chứng nhận bầu cử là một âm mưu cản trở chính phủ, thì những người vận động cho việc phản đối các hành động khác của chính phủ, chẳng hạn như lệnh phong tỏa do COVID-19 hoặc yêu cầu đeo khẩu trang cũng có thể phải đối mặt với những cáo buộc như vậy.
Các công tố viên phản bác rằng không thể áp dụng những giả thuyết như vậy khi “không có đầy đủ thông tin rõ ràng về hành vi và trạng thái tinh thần của các cá nhân.”
Các luật sư bào chữa trả lời rằng, nếu đúng như thế thì vụ án này sẽ cho phép chính phủ điều tra những cá nhân đó để biết được những thông tin bổ sung như vậy — “điều tra trạng thái tinh thần, kiến thức, và các mối liên hệ của họ.”
“Điều đó ngụ ý rằng để có được thông tin đó thì cần phải điều tra. Do đó, theo các lý thuyết pháp lý sai lầm của bên công tố, mọi tuyên bố công khai mà một cử tri đưa ra cho một thành viên Quốc hội liên quan đến một chủ đề đang được tranh luận sôi nổi đều là giấy phép để mở một cuộc điều tra hình sự liên bang đối với người đã đưa ra tuyên bố đó — trừ phi điều đó là sự thật không thể chối cãi,” các luật sư lập luận.
“Tất nhiên, điều đó mâu thuẫn với bản chất của các chủ đề được tranh luận sôi nổi, những điều mà sự thật của vấn đề vốn đang được tranh cãi.”
Lập luận này có vẻ “thuyết phục” đối với ông Rob Natelson, một trong những học giả Hiến Pháp xuất chúng của Hoa Kỳ, người đã viết rất nhiều về ý nghĩa ban đầu của Hiến Pháp nói chung và Tu chính án thứ Nhất nói riêng, bao gồm cả những bài viết cho The Epoch Times.
Ông nói: “Việc nói dối được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ, ngoại trừ một số trường hợp như lừa đảo, khai man với cơ quan chấp pháp, và phỉ báng.”
“Đúng là phải như vậy: Nếu không, như các luật sư của ông Trump lập luận, mọi lời tuyên bố sẽ được dùng để điều tra động cơ của người phát ngôn. Như Tối cao Pháp viện đã nói [trong các vụ kiện trước], hậu quả sẽ là một ‘hiệu ứng gây cản trở’ nghiêm trọng đối với ngôn luận.”
Theo ông Horace Cooper, thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công cộng Quốc gia, người từng giảng dạy về Hiến Pháp tại Đại học George Mason, lập luận cho rằng các cáo buộc đối với cựu TT Trump “dường như chủ yếu xuất phát từ hoạt động chính trị của ông ấy” thuộc về nhóm những lập luận “mạnh mẽ hơn” mà các luật sư của ông đã đưa ra.
Ông nói rằng: “Ít nhất Tối cao Pháp viện cũng thận trọng khi cho phép buộc tội dựa trên hành vi được Hiến Pháp bảo vệ.”
Theo định nghĩa của luật pháp, tội danh âm mưu thì chưa cần phải có bất kỳ hành động thực hiện tội ác một cách thực chất nào. Chỉ cần có ít nhất hai người đồng ý làm một điều gì đó bất hợp pháp và rồi sau đó có ít nhất một người trong số họ thực hiện ít nhất một hành động thực tế — dù là nhỏ hay vô hại — để thực hiện kế hoạch đó.
Tuy nhiên, trong trường hợp của cựu TT Trump, ông Cooper và những người khác thấy rằng toàn bộ điều được cho là âm mưu và thậm chí là cả mục tiêu của ‘âm mưu’ này trên thực tế đều là hợp pháp.
Ông Cooper nói: “Họ chưa xác định được hành vi cụ thể nào trong lời vận động của tổng thống tạo thành hành vi bất hợp pháp.”
Các công tố viên cho rằng hoạt động này trở thành bất hợp pháp vì nó được thực hiện với ý định xấu.
Nhưng kết quả trong thế giới thực dường như giống nhau [cho dù đó là ý tốt hay ý xấu].
Để mà có một phiên tòa chỉ xoay quanh câu hỏi về việc liệu trong thâm tâm cựu TT Trump có thực sự tin vào những tuyên bố của ông về cuộc bầu cử hay không, là đáng lo ngại đối với ông Cooper.
“Tôi thực sự lo ngại về ý tưởng cho rằng chúng ta biết được suy nghĩ của một người,” ông nói.
Ông nói, độ tự tin của niềm tin chủ quan của một người là gần như không thể đo lường được.
Ông nói: “Tòa án sẽ không chứng thực cho lập luận rằng nhận thức của ông Donald Trump và của nhóm của ông ấy, kể cả khi quý vị chứng tỏ được rằng tại một thời điểm nào đó nhận thức này có vẻ bị dao động, là bao gồm tất cả các hành vi được bảo vệ hợp pháp.”
Ông nói, việc Thẩm phán Chutkan bác bỏ lập luận về Tu chính án thứ Nhất là quá bao trùm đến mức khiến hành động này trở nên “rất thiếu sức thuyết phục.”
Ông nói, “Lẽ ra bà ấy sẽ hành động hợp lý hơn nếu nói rằng có hành vi ngoài những lời phát ngôn [được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ] vốn sẽ tạo thành âm mưu hành động ở đây.”
Thay vào đó, thẩm phán lập luận rằng “các tội danh mà Bị cáo bị cáo buộc vi phạm có thể được thực hiện chỉ thông qua lời nói.”
Bất kể những thách thức bầu cử của cựu TT Trump có bất hợp pháp hay không, thì tiêu chuẩn pháp lý mà những công tố viên này theo đuổi vẫn nguy hiểm, theo gợi ý của một luật sư chuyên nghiệp, người đã rất nổi tiếng khi phân tích các vụ án của cựu TT Trump thông qua trương mục X ẩn danh “KingMakerFT.”
Vị luật sư này đã về hưu cách đây vài năm sau 45 năm hành nghề và yêu cầu giữ kín tên thật của mình.
Lập luận về quyền miễn trừ của tổng thống
Các luật sư của cựu TT Trump đã lập luận rằng hành động của ông nằm trong giới hạn các nghĩa vụ của tổng thống và do đó không thể tạo thành một cơ sở để truy tố hình sự.
Tối cao Pháp viện đã định đoạt rằng tổng thống có quyền miễn trừ pháp lý rộng rãi, nhưng chỉ đối với các vụ kiện dân sự, chứ không phải đối với các cáo buộc hình sự.
Ông Cooper nói: “Nếu lập luận cho rằng chỉ riêng việc tổng thống thực hiện hoạt động này đã miễn trừ việc này khỏi mọi sự giám sát pháp lý, thì tòa án đã và đang không sẵn sàng đi xa đến vậy trong một vụ án hình sự.”
“Thay vào đó, nếu lập luận cho rằng các hoạt động đó là các hoạt động của một công chức theo Hiến Pháp và trong phạm vi thẩm quyền mà Hiến Pháp cho phép, và do đó không thể là một yếu tố tạo thành hành vi phạm tội, thì tôi nghĩ đó là một lập luận mạnh mẽ hơn nhiều.”
Thẩm phán Chutkan đã bác bỏ lập luận này, cho rằng hoạt động tội phạm đương nhiên không nằm trong giới hạn các nghĩa vụ của tổng thống và do đó các tổng thống, càng không phải là các cựu tổng thống, không được hưởng quyền miễn trừ truy tố hình sự.Tuy nhiên, lập luận như thế là phớt lờ vấn đề này, theo KingMakerFT.
Ông nói: “Nếu hành động đó nằm trong các nghĩa vụ của tổng thống thì đó không thể là hành vi phạm tội… theo ngụ ý, thì chí ít lập luận là như vậy.”
Vấn đề lại quay về với các ý định phạm tội mà các công tố viên cần chứng minh. Ông nói, các tòa án đã và đang miễn cưỡng điều tra động cơ của các quan chức hành pháp của chính phủ về các vấn đề thuộc phận sự của họ.
Ông Cooper nói rằng động cơ của quan chức hành pháp này không còn liên quan trong những vụ án như vậy.
Ông nói: “Nếu quý vị là một công chức, thì quý vị không bị mất thân phận của một công chức vì quý vị hành động với mục đích gây ảnh hưởng để được tiếp tục nắm giữ chức vụ đó hay cố gắng tái đắc cử.”
“Bộ Tư pháp đang tạo ra một sự phân biệt gần như hoàn toàn không có giá trị.”
Ông Cooper đưa ra ví dụ về việc TT Joe Biden tuyên bố ủng hộ Israel.
“Có phải ông ấy làm vậy vì đó là vì an ninh quốc gia của Mỹ không? Có phải ông ấy làm vậy vì ông ấy nói rằng khi còn trẻ, ông ấy đã có cơ hội gặp Thủ tướng Israel? Hay ông ấy làm vậy vì đã ngồi lại với các cố vấn của mình và nhận ra rằng đây là cơ hội để ông gia tăng sự ủng hộ dành cho mình trong cộng đồng Do Thái? Có phải ông ấy làm vậy vì đã ngồi trò chuyện với phu nhân và bà ấy chỉ đơn giản là nói rằng, ‘Tôi sẽ ly hôn nếu ông không đưa ra tuyên bố này?’” ông đặt ra câu hỏi.
“Tòa án sẽ không cố gắng đi sâu vào quá trình ra quyết định đó nếu trên thực tế, tổng thống có thẩm quyền hợp pháp để đưa ra loại tuyên bố như ông Biden đã làm.”
Ông nói, ý kiến của Thẩm phán Chutkan “không chừa cho người ta quyền được tự do ra quyết định mà Hiến Pháp thật sự đã trao cho quan chức hành pháp.”
Những gì thẩm phán đáng lẽ có thể làm là phân tích bản cáo trạng để tìm ra những hành động có thể được tranh luận là nằm trong phạm vi của tổng thống và sau đó xem xét liệu những gì còn lại có đủ để duy trì những cáo buộc đó hay không.
Ông Cooper nói: “Bà ấy đã không làm điều đó và tôi nghĩ điều đó khiến quyết định bác bỏ của bà ấy trở nên thiếu sức thuyết phục hơn.”
Lạm dụng cách giải thích luật
Các luật sư của cựu TT Trump lập luận rằng bên công tố viên đang cố gắng rập khuôn hành động của ông vào các đạo luật hình sự vốn không nên được áp dụng.
Cáo buộc đầu tiên thuộc vào Mục 371 — một âm mưu lừa gạt chính phủ. Nhưng luật này chủ yếu nói đến việc lừa dối chính phủ để kiếm tiền.
Các công tố viên đang sử dụng một cách giải thích luật này mà cũng bao gồm cả việc cản trở chính phủ. Tuy nhiên, phía luật sư của cựu TT Trump đã đưa ra những ví dụ cho thấy Tối cao Pháp viện đã quy định việc cản trở đó ở phạm vi hẹp hơn.
Các luật sư bào chữa cho rằng điều đó là chưa đủ để cho thấy cựu Tổng thống Trump đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật. Bên công tố sẽ cần phải chứng minh ông đã âm mưu “với mục đích làm suy yếu, cản trở hoặc loại bỏ chức năng hợp pháp” của chính phủ thông qua “thủ đoạn gian lận hoặc lừa dối.”
Bên công tố viên lập luận rằng danh sách cử tri đoàn thay thế là gian dối vì các tài liệu được cho là được các quan chức tiểu bang chứng nhận một cách hợp lệ trong khi thực tế không phải vậy.
Nhưng theo KingMakerFT, thì đó là một mô tả sai sự thật.
Theo Đạo luật Kiểm đếm phiếu Đại cử tri năm 1887, các tiểu bang cần giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử trong vòng 35 ngày kể từ ngày bầu cử. Nếu không thể, họ vẫn có thể đưa ra một nhóm đại cử tri mới, nhưng Quốc hội mới là bên quyết định xem nên đếm nhóm đại cử tri mới hay nhóm ban đầu.
Tuy nhiên, luật pháp tiểu bang quy định khi nào các đại cử tri phải họp để bỏ phiếu. Nếu việc thách thức kết quả thành công sau ngày họp đó, thì sẽ không có thủ tục bổ nhiệm các đại cử tri mới. Tòa án thậm chí có thể bác bỏ những thách thức như vậy chỉ vì thiếu biện pháp khắc phục.
Để giải quyết câu hỏi hóc búa này, năm 1960, các luật sư của Đảng Dân Chủ đã đưa ra một giải pháp sáng tạo. Mặc dù Hawaii đã được chứng nhận cho ông Richard Nixon, nhưng các đại cử tri Đảng Dân Chủ cũng đã họp lại và bỏ phiếu cho ông John F. Kennedy. Khi thách thức bầu cử của ông Kennedy thành công, Quốc hội đã sử dụng nhóm đại cử tri thay thế này để đếm phiếu cho Hawaii.
Đạo luật Kiểm đếm phiếu Đại cử tri cho phép có thể có hai danh sách đại cử tri, chỉ thị cho Quốc hội mở cơ hội cho không chỉ phiếu đại cử tri do các quan chức tiểu bang chứng nhận, mà còn cho cả “các giấy tờ được cho là giấy chứng nhận phiếu bầu của đại cử tri.”
Không phải là hiếm, khi một tài liệu pháp lý đưa vào các tuyên bố về thực chất mà nói là sai sự thật. Chẳng hạn, các công tố viên thường để người phạm tội nhận tội với mức án nhẹ hơn mặc dù tình tiết thực tế của vụ án không nhất thiết phản ánh cáo buộc đó.
Chẳng hạn, vé phạt quá tốc độ thường bị hạ xuống thành vi phạm đậu xe. Bị đơn khai với thẩm phán sau khi đã tuyên thệ rằng anh ta phạm tội ở mức độ nhẹ mặc dù sự thật thì không phải thế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tòa án bị lừa dối.
“Mọi người đều biết chuyện gì đang diễn ra,” KingMakerFT nói.
Trong trường hợp của ông Trump, rõ ràng là các nhóm đại cử tri thay thế không phải là những nhóm ban đầu — vì một lẽ, những nhóm này không có chứng nhận của các quan chức tiểu bang kèm theo.
“Nhóm của Đảng Dân Chủ đã được chứng nhận. Nhóm của Đảng Cộng Hòa muốn được Quốc hội chứng nhận; đã gửi giấy tờ của họ lên, hy vọng Quốc hội sẽ chọn họ,” ông nói.
Các công tố viên lập luận rằng các nhóm đại cử tri thay thế là một nỗ lực nhằm tạo ra tranh cãi dù thực tế không hề có. Tuy nhiên, KingMakerFT cho biết, nhóm của ông Trump có những vụ kiện đang chờ giải quyết ở các tiểu bang tranh chấp.
Các công tố viên cho rằng bản thân các vụ kiện đó chỉ là một cái cớ.
Nhưng điều đó quay trở lại với việc điều tra động cơ của cựu Tổng thống Trump. Ông nói rằng các công tố viên cần chứng minh rằng các vụ kiện đó trên thực tế là phù phiếm.
Tuy nhiên, các luật sư của cựu Tổng thống Trump trình bày một vấn đề còn rộng hơn — họ nói rằng mục đích của cái được cho âm mưu này trên thực tế không phải là trái pháp luật.
“Việc vận động chính trị cho các quan chức công quyền — ngay cả khi người đang vận động hành lang cho họ đưa ra những tuyên bố về các vấn đề được nhiều người tranh cãi mà các quan chức liên bang cho là ‘sai sự thật’ — không tạo thành sự cản trở hoặc can thiệp theo nghĩa của Mục 371,” họ lập luận.
“Quý vị không thể âm mưu mà không vi phạm pháp luật,” ông Cooper nói.
“Tội danh phải rõ ràng và có thật. Đó phải là thứ mà quý vị có thể nói ra được, ‘Bất kỳ ai thực hiện thành công việc ‘X’ đều sẽ phạm tội này.’”
KingMakerFT đồng tình.
Trong bản cáo trạng, bên công tố cáo buộc rằng bị cáo đã cố gắng thuyết phục Phó Tổng thống Mike Pence bác bỏ các phiếu đại cử tri của một số tiểu bang đang tranh chấp và trì hoãn việc kiểm đếm phiếu của Quốc hội, và điều này vi phạm Đạo luật Kiểm đếm phiếu Đại cử tri.
Tuy nhiên bản cáo trạng cho thấy nhóm ông Trump hoạt động theo một lý thuyết pháp lý là Phó Tổng thống có quyền làm như vậy.
Lý thuyết này có thể là sai, nhưng “đưa ra những đề nghị điên rồ không phải là vi phạm pháp luật. Những đề nghị mà không có cơ hội được công nhận,” KingMakeFT nói.
Bên công tố có thể lập luận rằng hầu hết các chuyên gia pháp lý đều đồng ý rằng phó tổng thống không có thẩm quyền như vậy. Tuy nhiên ít ra thì các chuyên gia đã có một số cuộc tranh luận về vấn đề này, theo ông Hans von Spakovsky, một thành viên pháp lý cao cấp tại Quỹ Di Sản theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống kiêm chuyên gia về luật bầu cử.
Ông cho biết: “Vấn đề đáng bàn cãi là phó tổng thống có bao nhiêu quyền hạn khi nói đến quá trình chứng nhận [phiếu đại cử tri].”
“Tôi chỉ nghĩ rằng họ có một cơ sở [pháp lý] rất dễ lung lay về mặt Hiến Pháp trong cuộc truy tố này.”
Ông Cooper cho biết: “Tôi dứt khoát bác bỏ nếu ông Pence thực hiện những gì ông ấy cho là tự có quyền quyết định để không chấp nhận những [phiếu đại cử tri], bản thân điều này đã tạo thành một tội.”
Bên công tố cho rằng cựu TT Trump đã dùng lời nói dối để thuyết phục ông Pence, nhưng không có luật nào cấm nói dối với phó tổng thống để thuyết phục ông từ chối phiếu đại cử tri, KingMakerFT cho biết.
“Tội thì cần cụ thể và nói rõ thế nào là bất hợp pháp.”
Lập luận về thủ tục tố tụng công bằng
Các luật sư của cựu TT Trump đã nêu lên vấn đề “thông báo công bằng” (fair notice).
Điều khoản về Thủ tục tố tụng Hợp pháp trong Hiến Pháp yêu cầu luật phải rõ ràng, đủ để mọi người đều có cơ hội công bằng để hiểu được hành vi nào là vượt qua ranh giới pháp luật.
Nguyên tắc tương tự đôi khi cũng được giải thích để ngăn ngừa những cách giải thích mới về luật.
KingMakerFT cho biết: “Nguyên tắc căn bản của luật hình sự là không thể đưa mọi người vào tù dựa trên những lý thuyết mới, trong đó người bị buộc tội không được thông báo trước rằng những gì người đó sắp làm là phạm tội.”
Ông Cooper cho biết: “Khi chúng ta bàn về một cựu tổng thống Hoa Kỳ, thì không phải là lúc thích hợp để áp dụng một lý thuyết pháp lý mới lạ.”
Ông lưu ý rằng chính ông Jack Smith, với vai trò là công tố viên liên bang, đã cố gắng bỏ tù một cựu thống đốc Virginia dựa trên một lý thuyết pháp lý mới lạ nhưng đã bị Tối cao Pháp viện đồng lòng bác bỏ.
Pháp viện khẳng định rằng hành vi cụ thể mà ông Smith nhắm đến không được cho là bất hợp pháp một cách rõ ràng và “nếu Quốc hội muốn hành vi đó bị hình sự hóa thì chính Quốc hội cần phải thông qua luật,” ông Cooper nói.
“Lập luận tương tự cũng đúng trong trường hợp này.”
Các luật sư của cựu TT Trump lập luận rằng trước đây đã có những nỗ lực nhằm lật ngược kết quả bầu cử mà không có dấu hiệu nào cho thấy những hành động như vậy là bất hợp pháp.
Thẩm phán Chutkan bác bỏ lý lẽ này.
Bà khẳng định: “Không có trường hợp nào trước đó từng có cáo buộc về việc các quan chức có hành vi phạm tội nhằm cản trở quá trình bầu cử” hoặc hành vi đó “tiếp tay cho một âm mưu phạm tội hoặc nhằm mục đích cản trở quá trình bầu cử.”
Nhưng theo ông Cooper, đó là một “lập luận vòng vo,” vì lập luận này cho thấy những gì cựu TT Trump làm là bất hợp pháp chỉ bởi vì các công tố viên cho rằng điều đó là bất hợp pháp.
Thẩm phán Chutkan lập luận rằng có lẽ trong những vụ án tương tự trước đây, thủ phạm đã “thoát khỏi bị truy tố,” nhưng đó chỉ là vì các công tố viên có quyền tùy nghi buộc tội trong một số vụ án nhất định chứ không phải những vụ khác.
Bà cho biết: “Việc chưa từng có vụ truy tố nào trước đó trong một tình huống tương tự không nhất thiết có nghĩa là hành vi của Bị cáo là hợp pháp hoặc việc truy tố bị cáo thiếu thủ tục tố tụng hợp pháp.”
Bà cho rằng nếu tiền lệ luôn là cần thiết thì không có tội phạm mới nào có thể bị truy tố.
KingMakerFT cho biết đó là một quan điểm hợp lý.
“Nhưng nếu quý vị dự định có một ý tưởng khác biệt và phát triển những lý thuyết tội phạm hoàn toàn mới vốn chưa từng được dùng để truy tố đối với bất kỳ ai trong quá khứ, thì tốt nhất quý vị nên dựa vào một đạo luật rõ ràng,” ông cho biết.
“Bởi vì nếu quý vị hiểu những đạo luật này theo nghĩa hẹp, điều mà các tòa án thường làm, thì những gì bị buộc tội không thực sự là một tội ác.”
Những lập luận còn yếu
Các luật sư của cựu TT Trump cũng yêu cầu bác bỏ các cáo buộc dựa trên Điều khoản Đàn hặc và quy tắc bất khả trùng tố (quyền không bị kết án hoặc chịu hình phạt hai lần về một hành vi phạm tội) cũng như truy tố ác ý.
Các chuyên gia cho rằng những lập luận đó khó có thể thành công.
Điều khoản Đàn hặc nói rằng các biện pháp trừng phạt trong trường hợp bị đàn hặc chỉ giới hạn ở việc cách chức và cấm giữ một chức vụ trong tương lai, nhưng [cũng nói thêm rằng] “Tuy nhiên, Bên bị kết án sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý và phải chịu nhận Bản cáo trạng, Xét xử, Phán quyết và Trừng phạt, theo Luật pháp.”
Các luật sư của cựu TT Trump lập luận rằng, bởi vì điều khoản này chỉ nói về “bên bị kết án,” nên điều khoản đó gợi ý rằng bên được trắng án sẽ được miễn truy tố hình sự đối với hành vi cơ bản tương tự — tương tự như quy tắc bất khả trùng tố.
“Về cơ bản, đó là một lập luận về Hiến Pháp dựa trên những gì Hiến Pháp không quy định,” KingMakerFT cho biết. “Như thế là hơi quá.”
Ông Natelson cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
Ông nói: “Trên thực tế, các luật sư của ông Trump đang nói rằng những người phê chuẩn Hiến Pháp hiểu được văn kiện này là sự bãi bỏ tất cả các truy tố hình sự đối với bất kỳ ai được trắng án trong một cuộc tranh luận đàn hặc.”
“Chuyên môn đặc biệt của tôi là về Kỷ nguyên Lập quốc, và tôi không biết có bằng chứng nào cho thấy rằng những người phê chuẩn [Hiến Pháp] hiểu được Điều khoản Đàn hặc này là đang bãi bỏ trách nhiệm pháp lý đối với tội của những người được trắng án trong tiến trình đàn hặc.”
Thẩm phán Chutkan cũng bác bỏ lập luận này. Bà nói, từ “tuy nhiên” trong điều khoản này gợi ý rằng mục đích là để làm rõ rằng [quy tắc] bất khả trùng tố không áp dụng đối với những người bị kết án qua phiên đàn hặc và họ vẫn có thể bị buộc tội đối với hành vi tương tự tại các tòa án hình sự.
Cả ông Cooper và KingMakerFT đều thừa nhận rằng các kiến nghị nhằm bác bỏ sự truy tố ác ý hầu như không thể thắng kiện.
Bị cáo cần đưa ra bằng chứng rằng các công tố viên đã hành động không phù hợp khi đưa ra các cáo buộc.
Ông Cooper cho biết: “Thu thập loại thông tin (bằng chứng) đó, tôi nghĩ sẽ là một nhiệm vụ nặng nề,” bởi vì các tòa án thường “e dè khi buộc các công tố viên” tiết lộ thông tin liên lạc nội bộ của họ và “yêu cầu các công tố viên nói về nguyên nhân gì đã dẫn đến quyết định truy tố của họ.”
Con đường đi qua các tòa án
Ông Cooper, ông Von Spakovsky, và KingMakerFT đều dự đoán rằng Thẩm phán Chutkan sẽ phản đối những lập luận của cựu Tổng thống Trump.
KingMakerFT cho biết: “Theo quan điểm của tôi về thẩm phán Địa hạt Liên bang, thì bà ấy sẽ không nghe theo bất cứ thứ gì mà ông Trump nêu ra.”
Ông von Spakovsky nói: “Bà ấy không nên tiếp nhận vụ này.”
“Đáng lẽ bà ấy nên rút lui vì những tuyên bố mà bà ấy đã đưa ra trước đó để chỉ trích ông Donald Trump, vốn cho thấy sự thiên vị của bà ấy. Tôi không nghĩ bà ấy quan tâm đến việc đánh giá những lập luận dựa trên Hiến Pháp này một cách lý trí và phi đảng phái. Bà ấy đã nói rất rõ ràng trước khi tiếp nhận vụ án này rằng bà ấy nghĩ ông Donald Trump nên ngồi tù.”
Tuy nhiên, ông Cooper cho rằng cách giải quyết của vị thẩm phán này có thể thay đổi, tùy thuộc vào cách tòa phúc thẩm và Tối cao Pháp viện giải quyết vụ án ra sao.
Tổng thống Trump đã kháng cáo lại lệnh bịt miệng của Thẩm phán Chutkan vốn hạn chế nghiêm ngặt việc ông bình luận công khai về vụ án.
Ông Cooper cho biết: “Nếu lệnh bịt miệng được tinh chỉnh hoặc hạn chế, hoặc thậm chí bị hủy bỏ, điều đó sẽ khiến thẩm phán tòa án địa hạt liên bang nhận thấy rằng bà ấy đang bị theo dõi rất cẩn thận.”
Ông nói rằng điều đó “chắc chắn” sẽ ảnh hưởng đến hành vi của bà ấy.
Ông Cooper nói: “Và trên thực tế, một điểm nữa là trong các vụ kiện tiếp theo, việc kháng cáo sẽ rất dễ bị bác bỏ khi chúng tôi làm việc với một thẩm phán mà không sẵn lòng tuân theo các quy định hiện hành.”
Ông von Spakovsky cho biết, tòa phúc thẩm của Hoa Thịnh Đốn đang nghiêng về cánh tả, đồng thời lưu ý rằng các thành viên Đảng Dân Chủ đã thêm người [theo phe của họ] vào tòa án để đạt được kết quả đó.
KingMaker FT cho biết điều đó không có nghĩa là cựu Tổng thống Trump sẽ không nhận được một cơ hội được đối xử công bằng.
“Điều đó phần lớn phụ thuộc vào bồi thẩm đoàn [gồm 3 thẩm phán] mà ông ấy đã đặt cược vào đó để xem liệu mình có cơ hội nào hay không.”
Hôm 05/12, các luật sư của Tổng thống Trump đã đệ trình một thông báo cho biết ông ấy sẽ kháng cáo lại quyết định đã từ chối đề nghị bãi nại của ông dựa trên quyền miễn trừ của tổng thống. Tuy nhiên, các đề nghị khác sẽ phải đợi cho đến khi vụ án kết thúc ở cấp địa hạt.
Ông Cooper cho biết: “Câu hỏi thực sự là phần nào của vụ án này sẽ được đưa lên Tối cao Pháp viện và khi nào.”
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt (Epochtimesviet)