2023-08-04
PHÂN TÍCH: Những điều mà bản cáo trạng truy tố ông Trump về cuộc bầu cử đã bỏ sót
Bản cáo trạng truy tố cựu Tổng thống Donald Trump vì chống lại kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 đã bỏ sót những dữ kiện thực tế vốn có thể thay đổi cách nhận thức ý nghĩa của những sự kiện được đề cập.
Hôm 01/08, Biện lý Đặc biệt Jack Smith đã đệ trình bốn cáo buộc để truy tố ông Trump: âm mưu “làm suy yếu, cản trở, và phá hoại” việc thu thập và kiểm đếm phiếu đại cử tri; âm mưu chống lại quyền bầu cử của người Mỹ; cản trở việc kiểm đếm phiếu đại cử tri của Quốc hội vào ngày 06/01/2021; và âm mưu cản trở việc kiểm đếm phiếu đại cử tri (pdf).
Tập trung vào các hành động của ông Trump sau cuộc bầu cử năm 2020, ông Smith kể câu chuyện gồm 5 phần:
Đầu tiên, ông Smith nghi ngờ rằng ông Trump biết những lời cáo buộc của mình về gian lận bầu cử và những hành vi bất hợp pháp khác trong cuộc bầu cử là sai sự thật. Ông Smith đưa ra bằng chứng cho thấy những người thân cận với ông Trump đã nhiều lần nói với ông rằng một số cáo buộc mà ông đưa ra là sai sự thật hoặc không chính xác, nhưng ông Trump vẫn tiếp tục đề cập đến ít nhất một số trong những tuyên bố đó.
Quan điểm mà dường như ông Smith đã không đưa ra là: Ông Trump không nghĩ rằng người ta đã cố gắng lật tẩy một số tuyên bố của ông. Bản cáo trạng mô tả ông Trump đặc biệt tìm kiếm lời khuyên của những người khẳng định niềm tin của ông và đề nghị ông cách theo đuổi niềm tin đó.
Bản cáo trạng không đề cập đến dữ kiện rằng, theo niềm tin của mình, ông Trump đã khẳng định trước công chúng lẫn lúc riêng tư rằng ông đã bị đánh cắp chiến thắng trong cuộc bầu cử, ngay cả khi đến cuối cùng những người khác đã thuyết phục ông rằng bất kỳ một số cáo buộc cụ thể nào đó là sai sự thật.
Tuy nhiên, phần còn lại của bản cáo trạng dựa trên tiền đề rằng ông Trump đã không trung thực khi đưa ra những tuyên bố về cuộc bầu cử.
Ông Smith miêu tả việc ông Trump cố gắng khiến các quan chức tiểu bang điều tra kết quả bầu cử là hành vi nhũng nhiễu. Ông lấy ví dụ về việc ông Trump gọi điện thoại cho ông Brad Raffensperger, Đổng lý Tiểu bang Georgia, vào ngày 02/01/2021.
Bản cáo trạng dựa trên câu chuyện được góp nhặt từ thông tin bị rò rỉ có chọn lọc ban đầu về cuộc gọi, cáo buộc rằng ông Trump đã yêu cầu ông Raffensperger “tìm ra” cho ông đủ số phiếu bầu để lật ngược cuộc bầu cử.
Nhưng ông Smith đã bỏ qua một điều: Dựa trên bản ghi đầy đủ của cuộc gọi này, ông Trump tin rằng hàng trăm ngàn lá phiếu đã được bỏ phiếu bất hợp pháp tại tiểu bang này và đã chỉ trích ông Raffensperger vì không chứng minh được các cáo buộc đó. Chính trong bối cảnh này, ông Trump lưu ý rằng ông chỉ cần “tìm ra” khoảng 11,000 phiếu bầu bất hợp pháp vì đó là mức chênh lệch mà ông đã thua tại tiểu bang này.
Ông Trump nói trong cuộc gọi: “Vậy thì chúng ta sẽ làm gì đây mọi người? Tôi chỉ cần 11,000 phiếu bầu. Các vị, tôi cần 11,000 phiếu bầu. Làm ơn đi. Ông biết đấy, chúng tôi vốn đã có đủ phiếu rồi.”
Sau đó, bản cáo trạng nhắm đến việc ông Jeffrey Clark, một cựu quan chức Bộ Tư pháp (DOJ), cố gắng yêu cầu lãnh đạo DOJ gửi một bản ghi nhớ thừa nhận các vấn đề nghiêm trọng với cuộc bầu cử. Các nhà lãnh đạo DOJ từ chối làm như vậy và nói rằng họ không thấy vấn đề nào đủ nghiêm trọng để lật ngược cuộc bầu cử. Ông Trump đã nói chuyện riêng với ông Clark nhiều lần và cân nhắc sa thải các lãnh đạo DOJ để bổ nhiệm ông Clark làm tổng chưởng lý lâm thời. Cuối cùng, ông Trump đã được khuyên can là không nên làm như vậy.
Ông Smith cáo buộc rằng ông Trump đã nhũng nhiễu khi cố gắng lợi dụng DOJ để củng cố các tuyên bố của mình. Tuy nhiên, ông Smith không giải thích DOJ thực sự đã làm gì để điều tra vô số cáo buộc liên quan đến cuộc bầu cử. Cho đến nay, có rất ít thông tin công khai rằng DOJ đã điều tra và không điều tra những gì.
Bản cáo trạng chủ yếu tập trung vào những nỗ lực của ông Trump và các cộng sự của ông nhằm thiết lập các nhóm đại cử tri thay thế ở một số tiểu bang nơi ông Trump tranh chấp kết quả. Ông Smith cáo buộc rằng các cộng sự của ông Trump đã lừa dối các đại cử tri thay thế bằng cách nói với họ rằng phiếu bầu của họ sẽ chỉ được sử dụng nếu ông Trump thắng thế khi thách thức cuộc bầu cử trước tòa.
Trên thực tế, hai người đề ra chiến lược này, luật sư John Eastman và luật sư Kenneth Cheseboro, đã đưa ra một số lựa chọn: Một là ông Trump sẽ thực sự thắng kiện trước hạn chót là ngày 06/01/2021 và các phiếu đại cử tri thay thế sẽ thực sự được tính, giống như đã xảy ra với các phiếu đại cử tri Hawaii hồi năm 1960.
Lựa chọn thay thế khác là khi Phó Tổng thống Mike Pence kiểm đếm phiếu đại cử tri vào ngày 06/01, ông sẽ sử dụng nhóm đại cử tri thay thế làm lý do để gửi phiếu bầu trở lại cơ quan lập pháp tiểu bang nhằm quyết định xem đại cử tri đoàn nào phù hợp.
Tuy nhiên, một lựa chọn khác là phó tổng thống sẽ từ chối kiểm đếm phiếu từ các tiểu bang có phương án thay thế và sẽ tuyên bố người chiến thắng dựa trên số phiếu còn lại, mà điều này sẽ mang lại chiến thắng cho ông Trump.
Điều mà ông Smith bỏ qua là những tình huống mà ông Eastman và ông Cheseboro trình bày dựa trên việc họ đọc hiểu Hiến Pháp, mà văn bản này lại không nêu rõ quy định giải quyết các nhóm cử tri xung đột. Quốc hội đã cố gắng giải quyết vấn đề thông qua Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887, trong đó nêu rõ các quy định như vậy, nhưng một số chuyên gia pháp lý đã lập luận rằng đạo luật này là vi hiến vì [theo đạo luật này] Quốc hội chỉ có nhiệm vụ quan sát việc kiểm đếm phiếu chứ không thể có thẩm quyền về kiểm đếm phiếu.
Ông Eastman, một luật sư theo phái bảo tồn truyền thống đồng thời là cựu giáo sư và trưởng khoa tại Trường Luật Đại học Chapman, đã trình bày chi tiết lập luận của mình trong bài bình luận ngày 18/01/2021.
Ông nói: “Việc Phó Tổng thống Pence có thẩm quyền theo Hiến Pháp để xác định rằng một số nhóm cử tri nhất định là hợp lệ hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.”
Bản cáo trạng nêu chi tiết nỗ lực của ông Trump nhằm thuyết phục ông Pence từ chối danh sách đại cử tri chính thức hoặc trì hoãn quá trình xác nhận. Bản cáo trạng cũng lưu ý rằng trong một cuộc trò chuyện, ông Trump đã nói với ông Pence rằng ông thích lựa chọn là phó tổng thống từ chối các đại cử tri đang tranh chấp và tuyên bố ông là người chiến thắng. Trong mọi trường hợp, ông Pence đều từ chối cả hai lựa chọn.
Theo bài bình luận của ông Eastman, rốt cuộc ông Trump đã không yêu cầu ông Pence bác bỏ các lá phiếu tranh chấp, mà yêu cầu ông ấy trì hoãn thủ tục xác nhận để các cơ quan lập pháp tiểu bang triệu tập lại và thông qua phán quyết của họ về các lá phiếu.
“Rõ ràng là phó tổng thống đã được thông báo rằng ông có nghĩa vụ phải cho phép tiến hành kiểm đếm phiếu đại cử tri có vấn đề vì một tiểu mục của Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887 quy định rằng ‘cuộc họp chung [của Quốc hội] sẽ không bị giải tán cho đến khi việc kiểm đếm các phiếu đại cử tri được hoàn thành,’ và không có các kỳ nghỉ ngoại trừ các viện riêng biệt của Quốc hội để quyết định về bất kỳ sự phản đối nào được đưa ra,” ông nói, gợi ý rằng việc bất tuân điều khoản đó sẽ được chấp nhận “để cho các cơ quan lập pháp tiểu bang có thời gian bảo đảm rằng các cuộc bỏ phiếu đại cử tri trái phép không quyết định cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ.”
Ông Smith lập luận rằng việc thúc giục ông Pence vi phạm Đạo luật Kiểm đếm phiếu Đại cử tri theo cách này đồng nghĩa với tội cản trở chính phủ.
Cuối cùng, vị biện lý đặc biệt này cho rằng ông Trump khuyến khích bạo lực trong cuộc biểu tình ở Điện Capitol vào ngày 06/01/2021. Ông Smith đề cập đến bài diễn văn của ông Trump ngày hôm đó, có đoạn nói rằng ông hy vọng phó tổng thống sẽ thông qua và “gửi [các phiếu đại cử tri] trở lại các tiểu bang để xác nhận lại” và kêu gọi đám đông “chiến đấu hết mình.”
Tuy nhiên, ông Smith không đề cập đến việc ông Trump cũng kêu gọi mọi người bày tỏ tình cảm “một cách ôn hòa và yêu nước.”
Thanh Nhã biên dịch