Tuesday, June 6, 2023

2023-06-06  

Nội tình các vụ bê bối kinh doanh và cáo buộc tham nhũng của gia đình Tổng thống Joe Biden

(Epoch Times, 6/6/2023)

Các cáo buộc rằng Tổng thống Biden có nhiều hành vi tham nhũng thực ra đã tồn tại trong nhiều năm, bắt đầu từ những chuyến đi đầu tiên của ông với con trai Hunter Biden tới Trung Quốc trên chiếc Không Lực Hai.

Những ngày gần đây, một loạt thông tin mới tiếp tục được đưa ra ánh sáng. Một người tố giác đến từ Sở Thuế vụ (IRS) đã cáo buộc Bộ Tư pháp Mỹ can thiệp và xử lý sai cuộc điều tra tội phạm nhắm vào ông Hunter Biden; một người khác cáo buộc ông Joe Biden có khả năng đã tham nhũng và hối lộ. Dân biểu James Comer (Cộng hòa - Kentucky) cũng tố rằng xuất hiện dòng tiền từ nước ngoài chảy qua các công ty vỏ bọc để đến với gia đình ông Biden.

Người tố giác về việc ông Joe Biden tham nhũng nói rằng đó là “kế hoạch phạm tội liên quan đến Phó Tổng thống khi đó là ông Joe Biden và một công dân nước ngoài, về việc dùng tiền để đổi lấy các chính sách thuận lợi”.

Nhưng tất cả các cáo buộc trên có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Bê bối kinh doanh và chính trị tại Ukraine

Ngày 16/04/2014, Phó Tổng thống Mỹ khi đó là ông Joe Biden đã gặp đối tác kinh doanh của ông Hunter Biden là ông Devon Archer tại Tòa Bạch Ốc. Mặc dù chúng ta không có thông tin về những gì đã được thảo luận tại cuộc gặp mặt đó nhưng dường như nó đã kích hoạt nhiều sự kiện.

Một tuần sau đó, vào ngày 21/04, ông Joe Biden đã đến Ukraine, không chỉ đưa ra lời đề nghị về hỗ trợ chính trị mà còn mang tới khoản viện trợ 50 triệu USD cho chính phủ mới đang lung lay của Ukraine. Trong chuyến thăm Ukraine của ông Joe Biden, vào ngày 22/04/2014, có thông báo rằng ông Archer bất ngờ tham gia hội đồng quản trị của Burisma (công ty khai thác và sản xuất năng lượng).

Nội tình các vụ bê bối kinh doanh và cáo buộc tham nhũng của gia đình Tổng thống Joe Biden
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) chào đón Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (phải) trước cuộc hội đàm ở Kyiv, Ukraine, ngày 21/11/2014. (Ảnh: SERGEI SUPINSKY/AFP qua Getty Images)

Hóa ra, ông Hunter Biden cũng đã tham gia hội đồng quản trị của Burisma cùng tháng đó, nhưng thật kỳ lạ là Burisma không thông báo về việc bổ nhiệm ông Hunter Biden cho đến ngày 12/05/2014, sau khi chuyến thăm Ukraine của cha ông kết thúc.

Một điểm đặc biệt thú vị khác trong dòng thời gian sự kiện là ông Joe Biden đã tới Romania và đảo Síp vào ngày 21/05/2014. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ tới đảo Síp sau 50 năm.

Hóa ra, Síp là nơi đặt trụ sở chính của Burisma. Không có lời giải thích thực sự nào được đưa ra cho chuyến đi đó ngoài một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc rằng ông Biden muốn cung cấp “sự hỗ trợ mạnh mẽ cho một giải pháp toàn diện nhằm thống nhất hòn đảo thành một liên bang hai khu vực, hai cộng đồng với sự bình đẳng chính trị”.

Thời điểm ông Hunter Biden được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị Burisma dường như không phải là ngẫu nhiên. Chuyến đi của ông Joe Biden tới đảo Síp cũng có vẻ không ngẫu nhiên.

Ngày 12/05/2014, cùng ngày mà việc bổ nhiệm ông Hunter Biden được chính thức công bố, giám đốc điều hành Burisma là ông Vadym Pozharskyi đã gửi email cho cả ông Hunter Biden và ông Archer để nói với họ rằng: “Chúng tôi rất cần lời khuyên của các ông về cách các ông có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để truyền tải thông điệp/tín hiệu, v.v. nhằm ngăn chặn những gì chúng tôi coi là các hành động có động cơ chính trị”.

“Các hành động có động cơ chính trị” mà ông Pozharskyi đề cập đến thực ra là các cuộc điều tra đang diễn ra đối với Burisma và chủ sở hữu của nó, ông Mykola Zlochevsky - người được cho là đã cấp một số lượng lớn giấy phép bất thường để khai thác dầu và khí đốt ở Ukraine trong thời gian ông làm Bộ trưởng Bộ tài nguyên thiên nhiên. Tháng 04/2014, cùng tháng mà ông Hunter Biden gia nhập Burisma, Văn phòng Tổng Công tố Ukraine đã mở một cuộc điều tra về công ty này.

Nội tình các vụ bê bối kinh doanh và cáo buộc tham nhũng của gia đình Tổng thống Joe Biden
Tổng Công tố Ukraine Vitaliy Yarema phát biểu tại quốc hội sau cuộc bỏ phiếu của quốc hội ở Kyiv, Ukraine, ngày 19/06/2014. (Ảnh: Sergie Supinsky/AFP qua Getty Images)

Cuộc điều tra tại Ukraine bắt đầu sau khi chính quyền Anh phong tỏa tài sản trị giá 23,5 triệu USD thuộc về ông Zlochevsky như một phần của cuộc điều tra rửa tiền. Nhưng chỉ 8 tháng sau, vào tháng 12/2014, Tổng công tố Ukraine là ông Vitaly Yarema bất ngờ gửi một lá thư cho tòa án London tuyên bố rằng “không có vụ điều tra nào đang diễn ra đối với ông Zlochevsky”.

Do đó, các tài sản bị đóng băng đã được Vương quốc Anh giải phóng. Ông George Kent, Phó trưởng phái đoàn ở Kyiv vào thời điểm đó, sau này đã viết một email trong đó nói rằng ông đã được Phó tổng công tố Ukraine cho biết, Burisma đã hối lộ 7 triệu USD để kết thúc cuộc điều tra về ông Zlochevsky.

Vào thời điểm xuất hiện cáo buộc đưa hối lộ, ông Hunter Biden, theo thông tin từ chính Burisma, đang phụ trách các vấn đề pháp lý của công ty.

Tổng công tố Ukraine Yarema đã từ chức vào ngày 09/02/2015. Người thay thế là ông Victor Shokin - một cựu công tố viên, người được Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đưa trở lại làm việc.

Ban đầu, việc bổ nhiệm ông Shokin được các quan chức Mỹ hoan nghênh, bao gồm trợ lý ngoại trưởng của ông Obama về các vấn đề châu Âu và Á - Âu, bà Victoria Nuland. Bà Nuland đã đích thân viết thư cho ông Shokin vào tháng 06/2015 nói rằng: “Chúng tôi rất ấn tượng với chương trình cải cách và chống tham nhũng đầy tham vọng của chính phủ của ông".

Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho ông Shokin dường như đã thay đổi rất nhanh sau khi ông Hunter Biden nhận được một email khác từ ông Pozharskyi - giám đốc điều hành Burisma - vào ngày 02/11/2015. Ông Pozharskyi yêu cầu ông Biden đưa ra giải pháp, nói rằng “mục đích cuối cùng” là “kết thúc mọi vụ kiện hoặc vụ điều tra” chống lại chủ sở hữu của Burisma.

Ông Pozharskyi, người trước đó đã gặp ông Joe Biden tại một bữa tối ở Washington vào ngày 16/04/2015 (điều này sẽ được nói thêm ở dưới), dường như đang nhắm mục tiêu vào ông Shokin, người đã mở lại cuộc điều tra về ông Zlochevsky (cuộc điều tra vốn đã bị người tiền nhiệm của ông này chấm dứt). Ông Shokin đã theo đuổi và có được lệnh từ tòa án Ukraine để tịch thu tài sản của ông Zlochevsky. Những tài sản đó cuối cùng đã bị tịch thu vào ngày 02/02/2016.

Nội tình các vụ bê bối kinh doanh và cáo buộc tham nhũng của gia đình Tổng thống Joe Biden
Văn phòng Tổng công tố Ukraine ở Kiev, Ukraine, ngày 02/10/2019. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Nỗ lực của ông Pozharskyi hẳn đã có hiệu quả. Cùng ngày mà ông Pozharskyi gửi email cho ông Hunter Biden, anh bạn trẻ Biden đã liên hệ với ông Amos Hochstein - đặc phái viên của ông Obama và là điều phối viên các vấn đề năng lượng quốc tế.

Ông Hunter Biden đã trực tiếp gặp gỡ ông Hochstein 4 ngày sau đó, vào ngày 06/11/2015. Ông Hochstein sau này đã nói với các nhà điều tra của quốc hội rằng ông Hunter Biden “muốn biết quan điểm của tôi về Burisma và ông Zlochevsky”.

Ngày 22/11/2015, chưa đầy 3 tuần sau email của ông Pozharskyi, ông Joe Biden đã yêu cầu loại bỏ ông Shokin. Sau khi Tổng thống Poroshenko không tuân thủ yêu cầu này, ông Biden đã lợi dụng 1 tỷ USD tiền bảo đảm cho vay từ những người đóng thuế ở Mỹ để buộc ông Shokin bị loại bỏ. Ông Shokin cuối cùng đã bị Tổng thống Ukraine Poroshenko loại bỏ vào tháng 03/2016, điều mà ông Biden sau này đã khoe khoang một cách rùm beng.

Hóa ra, có một phần tái bút hấp dẫn cho câu chuyện này. Ông Joe Biden đã nhúng tay vào sự việc tại Ukraine sau khi bà Nuland có cuộc trò chuyện với Đại sứ Mỹ tại Ukraine lúc bấy giờ là ông Geoffrey Pyatt, cuộc trò chuyện này đã bị rò rỉ và được gửi đến cho BBC.

Trong cuộc điện đàm, bà Nuland - người hiện là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị của Tổng thống Joe Biden - đã thảo luận về việc lật đổ Tổng thống Ukraine khi đó là ông Viktor Yanukovych và việc bổ nhiệm lãnh đạo phe đối lập Arseniy Yatsenyuk làm Thủ tướng. Trong cuộc trò chuyện của họ, bà Nuland lưu ý rằng cố vấn an ninh quốc gia lúc bấy giờ là ông Jake Sullivan đã thông báo với bà rằng “ông [ông Pyatt] cần đến ông Biden”, và bà kết luận bằng cách nói với ông Pyatt rằng “ông Biden sẵn sàng”.

Ông Biden được bổ nhiệm làm người đại diện cho chính quyền Obama về vấn đề Ukraine vào tháng 02/2014. Ngày 22/02/2014, ông Yanukovych bị cách chức Tổng thống Ukraine và 3 ngày sau, ông Yatsenyuk - ứng cử viên được bà Nuland ủng hộ - được bổ nhiệm làm Thủ tướng.

Cũng trong thời gian này, vào ngày 14/02/2014, nữ doanh nhân người Nga Elena Baturina đã chuyển 3,5 triệu USD đến Rosemont Seneca, công ty đầu tư của ông Hunter Biden. Bà Baturina là vợ cũ của ông Yuri Luzhkov quá cố, người từng là thị trưởng Moscow.

Bà Baturina cũng đã thực hiện một loạt khoản thanh toán từ ngày 06/05/2015 đến ngày 08/12/2015 cho Rosemont. Các khoản thanh toán của bà Baturina được trình bày trong báo cáo của Thượng viện Mỹ vào tháng 09/2020. Tuy nhiên, toàn bộ câu chuyện đằng sau các khoản thanh toán của bà Baturina cho ông Hunter Biden luôn khó nắm bắt và rất ít chi tiết.

Câu hỏi ở đây là: Làm thế nào mà gia đình Biden lại dính líu đến công ty Burisma?

Tại sao ông Joe Biden lại thực hiện chuyến đi gây tò mò vào ngày 21/05/2014 tới Romania và đảo Síp - chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ sau 50 năm - nơi tình cờ đặt trụ sở chính của Burisma?

Nội tình các vụ bê bối kinh doanh và cáo buộc tham nhũng của gia đình Tổng thống Joe Biden
Ông Joe Biden bắt tay với Thủ tướng Romania Victor Ponta tại Cung điện Victoria, trụ sở Chính phủ Romania ở Bucharest, Romania, ngày 21/05/2014. (Ảnh: Daniel Mihailescu/AFP qua Getty Images)

Tại sao bà Baturina đột ngột gửi 3,5 triệu USD vào đầu năm 2014 cho công ty đầu tư của ông Hunter Biden?

Các câu hỏi khác nảy ra từ một đoạn trích ngắn từ một bài báo của New York Post. Bài báo nói rằng, bà Baturina đã gặp ông Hunter Biden “và đối tác kinh doanh lúc bấy giờ của ông ta là ông Devon Archer để đi uống nước vào tháng 04/2014 tại Villa d'Este - một địa điểm nổi tiếng của các tài phiệt Nga nhìn ra hồ Como của Ý”.

Chi tiết này rất kỳ lạ. Tại sao ông Hunter Biden và ông Archer lại có cuộc gặp không chính thức ở Ý với bà Baturina vào thời điểm cụ thể này - ngay khi họ tham gia hội đồng quản trị Burisma?

Bài báo của New York Post cũng bổ sung một ghi chú rất nhỏ tiếp theo, nêu rõ: trong cùng chuyến đi đó, ông Hunter cũng đã gặp chủ sở hữu tài phiệt của Burisma, ông Mykolai Zlochevsky.

Chính một chút thông tin này đưa chúng ta quay trở lại email ngày 12/05/2014, mà ông Pozharskyi của Burisma đã gửi cho ông Hunter Biden (một sự việc được nhắc đến ngay phần đầu bài viết này). Email của ông Pozharskyi mở đầu bằng: “Sau cuộc nói chuyện của chúng ta trong chuyến thăm hồ Como và các cuộc thảo luận tiếp theo của chúng ta, tôi muốn lưu ý đến tình huống sau đây”.

Ông Pozharskyi sau đó tiếp tục nói đến các vấn đề pháp lý của Burisma. Tất cả những điều này khiến chúng ta phải cân nhắc về vô số vấn đề - vì những sự kiện xung quanh ông Hunter Biden, ông Joe Biden, Burisma và bà Baturina dường như có mối liên hệ với nhau bằng cách nào đó.

Các mối quan hệ còn được thể hiện qua một bữa tối được tổ chức tại Cafe Milano vào ngày 16/04/2015 - chính là bữa tối ở Washington có sự tham dự của ông Pozharskyi mà bài viết này đã đề cập ở trên.

Chúng ta biết từ một loạt email vào tháng 03/2015 rằng ông Pozharskyi và bà Baturina đều được ông Hunter Biden mời tham dự bữa tối vào tháng 04/2015 tại Washington. Mặc dù vẫn chưa rõ liệu bà Baturina có thực sự đến dự bữa tối này hay không nhưng sự trùng hợp đáng kinh ngạc về thời gian và sự trùng khớp khiến chúng ta không khỏi băn khoăn.

Có phải bà Baturina, cùng với khoản thanh toán 3,5 triệu USD vào tháng 02/2014 của bà cho công ty của ông Hunter Biden, bằng cách nào đó có liên quan đến việc ông Joe Biden đột ngột can thiệp vào Ukraine và việc con trai ông đột ngột được đưa vào hội đồng quản trị của Burisma?

Và liệu sự tham gia của bà sau đó có liên quan đến việc ông Joe Biden gây sức ép sa thải công tố viên, người đang tiến hành điều tra về chủ sở hữu của Burisma - ông Zlochevski? Mặc dù còn quá sớm để nói chắc chắn, nhưng chúng ta có cảm giác mạnh mẽ rằng sẽ còn nhiều điều được phơi bày về vấn đề này.

Nhận nhiều khoản tiền 'bự' từ Trung Quốc

Như đã đề cập ở phần đầu của tất cả những điều này, mối liên hệ của ông Hunter Biden với Trung Quốc đã tồn tại ít nhất là từ năm 2010.

Theo báo cáo vào tháng 09/2020 của Thượng viện Mỹ đã đề cập trước đó, vào khoảng năm 2015, ông Hunter Biden đã xây dựng mối quan hệ nghiêm túc với một doanh nhân Trung Quốc là ông Diệp Giản Minh (Ye Jianming).

Nội tình các vụ bê bối kinh doanh và cáo buộc tham nhũng của gia đình Tổng thống Joe Biden
Ông Hunter Biden, con trai của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, tham dự lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 46 của cha mình tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, Mỹ, ngày 20/01/2021. (Ảnh: Jonathan Ernst/POOL/AFP qua Getty Images)

Ông Diệp là người sáng lập CEFC China Energy và là nhân vật thường xuyên xuất hiện trong các giao dịch tài chính của gia đình Biden với Trung Quốc. Ông Diệp cũng là Chủ tịch hội đồng quản trị của Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc (công ty con của CEFC). Dù CEFC được cho vẫn là một “công ty tư nhân” cho đến khi bị các doanh nghiệp nhà nước nắm quyền kiểm soát vào năm 2018, nhưng công ty này đã nhận được tài trợ từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, “đã thuê một số cựu quan chức hàng đầu từ các công ty năng lượng nhà nước” và có “các chi bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại khắp các công ty con của mình”.

Công ty này cũng được cho là có “mối quan hệ tình báo” ở Trung Quốc. Nói cách khác, công ty trên thực tế bị ĐCSTQ kiểm soát.

CEFC là một công ty lớn, phát triển nhanh với sự hậu thuẫn của chính quyền Trung Quốc, xếp thứ 229 trong danh sách Global Fortune 500 năm 2016 với doanh thu 42 tỷ USD. Công ty sở hữu hàng nghìn trạm xăng ở châu Âu, nhiều trong số đó được mua từ công ty dầu mỏ nhà nước của Kazakhstan. CEFC cũng sở hữu một hệ thống kho chứa dầu hàng triệu tấn ở Tây Ban Nha và Pháp, đóng vai trò là đường dẫn chính giúp mở rộng kết nối của Trung Quốc với nguồn cung dầu thế giới. CEFC là một phần không thể thiếu trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, vốn được thiết kế để mở rộng ảnh hưởng và sự kiểm soát của Trung Quốc trên toàn thế giới. Ông Diệp được báo chí mệnh danh là “tỷ phú Vành đai và Con đường”.

Tháng 12/2015, ông Diệp bay đến Washington và gặp ông Hunter vào ngày 07/12/2015. Một trong những cộng sự cũ của ông Hunter Biden thậm chí còn nói với tờ New York Post rằng, ông Hunter đã đưa ông Diệp đến một bữa tiệc Giáng sinh để giới thiệu riêng ông này với cha mình là ông Joe Biden. Mối quan hệ của ông Hunter Biden với ông Diệp tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2018 khi ông Diệp bất ngờ bị chính quyền Trung Quốc giam giữ và biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng.

Tháng 02/2017, ông Hunter Biden và ông Diệp gặp nhau tại một khách sạn ở Miami, nơi ông Diệp được cho là đã đề nghị cho anh bạn trẻ Biden 10 triệu USD/năm trong 3 năm “chỉ riêng cho việc giới thiệu”.

Cũng tại cuộc gặp này, ông Diệp đã tặng ông Hunter Biden một viên kim cương 3,16 carat với giá trị ước tính 80.000 USD. Sau đó, chỉ “9 ngày sau, ngày 23/02/2017, State Energy HK Limited, một công ty có trụ sở tại Thượng Hải có liên kết với CEFC China Energy, đã chuyển một khoản tiền trị giá 3.000.000 USD” tới Robinson Walker, một công ty có liên kết trực tiếp với cộng sự kinh doanh khác của ông Hunter Biden là ông Rob Walker.

3 triệu USD khác đã được gửi vào ngày 01/03/2017. Mặc dù vẫn chưa biết chính xác chuyện gì đã xảy ra với 6 triệu USD nhưng người ta biết rằng ông Hunter Biden đã nhận được các khoản thanh toán thường xuyên từ công ty của ông Walker, cùng với hơn 500.000 USD trực tiếp từ ông Walker. Mỗi giao dịch chuyển khoản trị giá 3 triệu USD đều bị Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính của Bộ Tài chính Mỹ đánh dấu trong “báo cáo hoạt động đáng ngờ”.

Tháng 08/2017, một công ty mới có tên Hudson West III chính thức được thành lập. Mục đích chính của Hudson III dường như không gì khác hơn là một phương tiện để chuyển tiền cho gia đình Biden. Ông Diệp đã rót 5 triệu USD vốn vào Hudson III thông qua công ty trách nhiệm hữu hạn có tên tương tự là Hudson West V của mình; công ty này lại được CEFC Trung Quốc tài trợ. Trong khi đó, ông Hunter Biden không góp vốn vào liên doanh mới mặc dù ông sở hữu 50% cổ phần của công ty mới.

Thỏa thuận điều hành của Hudson III quy định rằng ông Hunter Biden sẽ nhận được khoản trả trước 500.000 USD và 100.000 USD/tháng. Anh trai của ông Joe Biden, ông James, sẽ nhận được 65.000 USD/tháng. Tổ chức mới thành lập này cũng đã thực hiện các khoản thanh toán lớn bằng thẻ tín dụng cho các mặt hàng mà gia đình Biden đã mua. Tổng số tiền thanh toán từ Hudson III cho Owasco - công ty cá nhân của ông Hunter Biden - tổng cộng là 4,8 triệu USD chỉ trong hơn một năm.

Ngoài 65.000 USD mỗi tháng được trả cho ông James Biden, các khoản tiền cũng được chuyển đến Lion Hall Group, một công ty mà ông này sở hữu. Hầu hết số tiền này, khoảng 1,4 triệu USD, dường như đã được chuyển thông qua công ty của ông Hunter Biden, công ty này lại được tài trợ bởi liên doanh Hudson III - có nguồn vốn duy nhất là các chi nhánh khác nhau có liên kết trực tiếp với công ty Trung Quốc CEFC của ông Diệp.

Tháng 11/2017, một khoản tiền khác từ CEFC của ông Diệp đã được chuyển đến Hudson III - lần này là 1 triệu USD. Vài tháng sau, công ty của ông Hunter Biden được trả 1 triệu USD để đại diện cho ông Patrick Ho, một đối tác kinh doanh của ông Diệp. Ông Ho sau đó “bị buộc tội và bị kết án về tội hối lộ quốc tế và rửa tiền xuất phát từ công việc của ông cho Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc do CEFC hậu thuẫn”.

Ông Hunter Biden sau này nói về ông Ho trong một email là “giám đốc gián điệp của Trung Quốc”. Vào thời điểm ông Ho bị bắt ở Mỹ, cuộc gọi đầu tiên của ông này là cho ông James Biden, người sau này khẳng định cuộc gọi của ông Ho là dành cho ông Hunter Biden.

Sau khi thành lập Hudson III, ông Hunter Biden đã thuê một phụ nữ tên là JiaQi (Ja-Chi) Bao. Sự tham gia của bà này trong Hudson III sâu rộng hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu. Theo một bức thư do ông Comer gửi, “bà Bao cũng đang làm việc cho các nhân viên của CEFC có liên hệ với ĐCSTQ”. Ông Comer lưu ý rằng, bà Bao “dường như thực ra đang điều hành liên doanh dưới tên của ông Hunter Biden”.

Khi ông Diệp của CEFC bị bắt giữ tại Trung Quốc vào tháng 03/2018, bà Bao đã gửi cho ông Hunter Biden một email giải thích rằng “tình hình của ông Diệp đã thay đổi” và ông Hunter Biden cần lấy càng nhiều tiền càng tốt từ Hudson West III vì nếu ông không làm như vậy, tiền sẽ trở thành “tiền của không ai cả”. Vào thời điểm bà Bao gửi email cho ông Hunter Biden, Hudson III vẫn còn khoảng 3,5 triệu USD trong tài khoản của công ty.

Nội tình các vụ bê bối kinh doanh và cáo buộc tham nhũng của gia đình Tổng thống Joe Biden
Ông Joe Biden và con trai Hunter Biden tham dự Lễ lăn trứng Phục sinh hàng năm trên Bãi cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc ở Washington, Mỹ, ngày 10/04/2023. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Thật khó để biết ý nghĩa của hàng loạt những phát giác và tiết lộ bất ngờ kể trên.

Có phải những tiết lộ gần đây về các giao dịch tài chính phức tạp của gia đình Tổng thống Mỹ Joe Biden là kết quả tự nhiên của các cuộc điều tra của đảng Cộng hòa? Hay chúng có liên quan với tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ hai của ông Biden - và là một động thái phủ đầu của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ hoặc phe ông Obama nhằm loại bỏ ông Biden khỏi tư cách ứng cử viên?

Chỉ có thời gian mới trả lời được những câu hỏi này, nhưng có một điều chắc chắn: Không có gì xảy ra ở thủ đô của nước Mỹ một cách tình cờ.

By Jeff Carlson 00:44, 06/06/23
Thủy Tiên biên dịch


 

 2025-01-22  Nước Mỹ yêu thích một người tinh hoa chống lại giới tinh hoa (Eli Lake, The Free Press, 22/1/2025) Donald Trump, vừa tuyên thệ...