2022-08-13
Vụ “đột kích Mar-a-Lago” có đủ sức phế tư cách tranh cử tổng thống của ông Trump?
By David B. Rivkin Jr. và Lee A. Casey •Thứ bảy, 13/08/2022
Hôm
thứ Hai (8/8), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã đột kích nhà cựu Tổng
thống Trump ở Florida và tịch thu một số thùng hồ sơ, gây náo động cả
nước Mỹ. Nhiều người băn khoăn lý do thực sự cho hành động của FBI là gì
và liệu vấn đề có tác động gì đến khả năng ông Trump tranh cử tổng
thống năm 2024 hay không.
Cựu Tổng thống Donald Trump tại CPAC (Ảnh chụp màn hình video)
Trong
một bài bình luận của Wall Street Journal về vấn đề này, tác giả cho
rằng lệnh khám xét mà các đặc vụ FBI hành động đối với khu đất ở
Mar-a-Lago của ông Trump đã không được công khai, nhưng các rò rỉ trên
phương tiện truyền thông cho thấy nó có liên quan đến cáo buộc ông Trump
xử lý sai lệnh một cách phi pháp đối với tài liệu Chính phủ. Điều đó đã
làm dấy lên suy đoán rằng ông Trump có thể bị truy tố theo luật về việc
lạm dụng các tài liệu liên bang, bao gồm một điều khoản hủy tư cách
tham gia chức vụ công liên bang. Theo suy đoán này, ông Trump sẽ không
đủ tư cách để tranh cử tổng thống nếu bị kết tội. Nhưng thực sự có đúng
không?
Hồ sơ Tổng thống (Presidential Records) theo truyền thống được coi là tài sản cá nhân của tổng thống tiền nhiệm. Quốc hội đã công nhận điều này trong Đạo luật Thư viện Tổng thống (Presidential Libraries Act) thông qua năm 1955, đạo luật này “khuyến khích” nhưng không yêu cầu các cựu tổng thống phải gửi giấy tờ của họ vì lợi ích của các nhà nghiên cứu và lịch sử.
Sau khi Tổng thống Nixon từ chức vào tháng 8/1974, ông đã ký một thỏa thuận với cơ quan lưu trữ Mỹ để tặng các tài liệu lưu trữ của ông, nhưng ông bảo lưu quyền tiêu hủy một số tài liệu, bao gồm một số băng vụ bê bối Watergate. Để ngăn chặn điều này, năm 1974 Quốc hội Mỹ đã ban hành Đạo luật Bảo quản Tài liệu và Ghi âm Tổng thống (Presidential Recordings and Materials Preservation Act). Luật này (thực tế chỉ áp dụng cho Nixon) yêu cầu Chính phủ bảo vệ tài liệu và cuối cùng công khai nó theo các quy chế thích hợp, đạo luật này cũng cung cấp khoản bồi thường tài chính cho cựu tổng thống, đồng thời ghi nhận quyền lợi tài sản đối với tài liệu.
Đạo luật Hồ sơ Tổng thống (Presidential Records Act, PRA) năm 1978 đề cập đến việc xử lý hồ sơ tổng thống sau đó. PRA quy định quyền sở hữu và kiểm soát của Chính phủ đối với “tài liệu lưu trữ của tổng thống” và yêu cầu những người làm công tác lưu trữ sở hữu, bảo quản và đảm bảo quyền truy cập của công chúng vào các tài liệu lưu trữ khi tổng thống rời nhiệm sở. Nhưng có những trường hợp ngoại lệ, đặc biệt là “dạng tài liệu đáp ứng quy định” do tổng thống sắp mãn nhiệm chỉ định, sẽ được giữ bí mật trong 12 năm sau khi ông rời nhiệm sở. Những tài liệu này bao gồm “thông tin liên lạc bí mật giữa tổng thống và các cố vấn của tổng thống, hoặc các yêu cầu đệ trình hay khuyến nghị giữa các cố vấn”.
PRA cũng chỉ thị tổng thống “đảm bảo rằng các hoạt động, cân nhắc, quyết định và chính sách phản ánh kết quả hoạt động của văn phòng tổng thống” cần được “ghi chép đầy đủ”. Sau khi hoàn thiện xong thì tài liệu phải được lưu giữ và quản lý hoặc xử lý theo quy định.
PRA định nghĩa hồ sơ lưu trữ của tổng thống bao gồm “tài liệu tư liệu” do tổng thống hoặc nhân viên trực tiếp của ông tạo ra hoặc nhận được khi thực hiện các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ chính thức của ông. Hồ sơ lưu trữ của tổng thống không bao gồm hồ sơ có tính chất “hoàn toàn riêng tư hoặc không công khai” không liên quan đến việc thi hành chức vụ.
Mối quan tâm lớn nhất đối với các đối thủ chính trị của ông Trump dường như là điều khoản 2017 (b) Quyển thứ 18 (18 U.S.C. 2017(b)), trong đó bao gồm vấn đề tiền phạt và mức án tù lên đến 3 năm đối với tội cố ý xử lý lệch lạc những tài liệu liên quan một cách bất hợp pháp. Luật quy định rằng sau khi bị kết án, bị cáo “sẽ bị truất quyền công nhận và không đủ tư cách giữ bất kỳ chức vụ công nào ở Mỹ”.
Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ quy định rõ ràng về tư cách tổng thống được bầu: Công dân Mỹ sinh ra tại Mỹ, sống ở Mỹ ít nhất 14 năm và đủ 35 tuổi có thể giữ chức vụ tổng thống. Hiến pháp Mỹ cũng nêu rõ vấn đề “tổng thống, phó tổng thống và tất cả các công chức khác của Mỹ đều sẽ bị cách chức sau khi bị luận tội và bị kết án về tội phản quốc, hối lộ hoặc các tội danh nặng hay nhẹ liên quan khác”.
Khi các đạo luật khác xung đột với Hiến pháp Mỹ, thì Hiến pháp sẽ chi phối.
Trong vụ Powell kiện McCormack vào năm 1969, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết về một vấn đề tương tự liên quan đến việc tăng tính đủ điều kiện hiến định để phục vụ trong Quốc hội.
Trong vụ Powell kiện McCormack, Hạ viện Mỹ đã từ chối một dân biểu hợp hiến và được bầu hợp lệ là Adam Clayton Powell Jr. của New York, nguyên nhân vì vấn đề chuyển ngân quỹ của Hạ viện sang sử dụng cá nhân và làm sai lệch báo cáo chi tiêu ngoại hối.
Các thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết rằng ông Powell không thể bị từ chối ghế tại Hạ viện vì những lý do này, do làm thế sẽ tước đi cơ hội của người dân để bầu ra ứng cử viên mà họ lựa chọn, như vậy là trái với Hiến pháp. Tòa án trích dẫn chương 60 của “Tổng tập Liên bang” (The Federalist Papers), trong đó Alexander Hamilton, một trong những người sáng lập, đã viết: “Tư cách của những người có thể được chọn hoặc bị chọn, như đã lưu ý trong các trường hợp khác, là những gì được xác định và thiết lập trong Hiến pháp mà không thể bị thay đổi bởi cơ quan lập pháp”.
Do đó, ngay cả khi ông Trump bị kết tội xử lý sai hồ sơ tổng thống (bản thân việc này không phải là dễ dàng), Mục 2071 (b) không thể được sử dụng để loại ông (hoặc bất kỳ trường hợp khác tương tự) khỏi tiêu chuẩn ứng cử tổng thống. Đó là chưa kể vấn đề sự cố hồ sơ Trump yếu hơn nhiều so với tuyên bố của Hạ viện trong vấn đề Powell, vì Hiến pháp trao quyền cho Hạ viện đánh giá “tư cách thành viên” nhưng không cho Quốc hội quyền đánh giá tư cách tổng thống. Phương tiện hiến pháp duy nhất để truất quyền một tổng thống vì hành vi sai trái đó là luận tội và kết tội.
Theo thông tin, nếu việc ngăn cản ông Trump tranh cử tổng thống vào năm 2024 là điều mà cuộc tìm kiếm của FBI tại Mar-a-Lago hướng tới, thì Chính phủ đương nhiệm đang lãng phí thời gian và nguồn lực của người nộp thuế.
Theo David B. Rivkin Jr. và Lee A. Casey, WSJ