Monday, July 4, 2022

 2022-07-04 

BÊN LỀ BÀ ROE ÔNG WADE

Lời nói đầu: Án lệnh mới nhất Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization gián tiếp thu hồi án lệ Roe v. Wade hôm 24/6/2022 sẽ mở màn cho nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn, chính khách và các nhóm dân khác nhau, trong đó không ít cãi vã giữa thành viên trong gia đình. Xin được đóng góp thêm một ít câu chuyện bên lề giúp quý độc giả có thêm chút hành trang trong nhiều tháng, năm sắp tới.

    Để câu chuyện được đầy đủ, và hào hứng xin mời quý độc giả theo bánh xe lãng tử quay về thời lập quốc khi bản Hiến Pháp được hình thành. Thời lập quốc, dân Mỹ là thứ tạp chủng, di dân từ Âu châu sang lập nghiệp cũng như tìm tự do tín ngưỡng. Họ chán ngấy thể chế vua quan, quý tộc ỷ thế mạnh và học thức để bóc lột người dân cô thế. Vì thế Hiến Pháp Hoa Kỳ được các đại biểu soạn thảo trong nhiều năm qua nhiều cuộc hội thảo (convention) tại 13 tiểu bang nguyên thủy. Cuối cùng qua nhiều thỏa thuận giữa 13 tiểu bang, bản văn kiện pháp lý này được ký kết và trở thành bộ luật tối cao của lãnh thổ Hoa Kỳ năm 1789. Trải qua 233 năm, bản Hiến Pháp Hoa Kỳ được nhiều quốc gia trẻ hơn tham khảo và dựa theo khá nhiều. Hiến Pháp Hoa Kỳ là một văn kiện pháp lý tiến bộ đi trước nhân loại cả trăm năm tạo nên nền móng văn minh của thể chế dân chủ đương thời.

    Thời gian này cái nôi của nhân loại tại Âu châu vẫn còn chế độ quân chủ, độc tài và bạo quyền, điển hình là Hoàng đế Louis XVI với Hoàng hậu Marie Antoinette. Các tổ phụ lập quốc đã táo bạo tạo ra một thử nghiệm thể chế dân chủ vĩ đại đầu tiên khi chia đều quyền lực của guồng máy cai trị trung ương (federal) thành 3 ngành; cho phép công dân được quyền lựa chọn lãnh đạo và ấn định thời gian quyền hành (election). Quyền lực tối cao nằm ở các đơn vị địa phương (state) và công dân nơi họ cư ngụ. Hiến Pháp Hoa Kỳ cũng rất linh động bằng cách cho phép được sửa và bổ túc nhằm tạo thêm những cân bằng quyền lực xen lẫn nhau hòng bảo vệ và đề cao quyền tự do của mỗi cá nhân (personal liberty). Tuy nhiên Hiến Pháp Mỹ không hoàn hảo. Vì thế các tổ phụ đã đề cao tính uyển chuyển, cho phép Hiến Pháp Hoa Kỳ được bổ túc những thiếu sót bằng những Tu Chính Án. Nghĩa là cho đến nay nếu trong 27 Tu Chính Án và Hiến Pháp không nêu điều khoản nào thì vấn đề đó không phải là luật. Và ngược lại nếu Hiến Pháp chưa đủ thì cần được tu chính thêm. Nói một cách khác, Hiến Pháp không đặt vấn đề loại bỏ bào thai thành quyền của công dân. Cho nên muốn loại bỏ bào thai, Hiến Pháp cần phải tu chính lại.

    Vậy tại sao quyền phá thai trở thành án lệ từ năm 1973 qua phán quyết Roe v. Wade? Đã có hàng trăm luật gia (juris), học giả và sinh viên luật khoa tranh luận và phổ biến thành sách giáo khoa, tạp chí chuyên ngành luật và sách cũng như nhật báo viết bằng ngôn ngữ tiểu học để người bình thường có thể tham khảo gần nửa thế kỷ nay. Phần lớn các tranh cãi về luật học tại Hoa Kỳ chia làm hai khuynh hướng: bảo thủ (conservatism) và cấp tiến (liberalism). Khuynh hướng bảo thủ theo chủ thuyết textualism và originalism. Textualism cho rằng Hiến Pháp và các văn bản pháp lý thời lập quốc cần được hiểu và dịch thuật theo đúng ý nghĩa của các từ trong khuôn khổ luật pháp. Một số lớn thẩm phán và các nhà uyên bác Hiến Pháp Mỹ (Constitutional scholar) lại cho rằng Hiến Pháp là văn bản pháp lý linh thiêng nhất của quốc gia, diễn giải các từ ngữ cần phải giữ đúng với nghĩa ban đầu khi các cha già lập quốc viết xuống, không thể suy diễn theo ý người đọc. Đó là chủ thuyết originalism.

    Người Mỹ luôn tự hào về bản Hiến Pháp và họ cho đó là một thử nghiệm trong cuộc thực thi thể chế dân chủ (an experiment of democracy) sinh động và uyển chuyển trong xã hội hơn 200 năm qua. Vì vậy, Hiến Pháp cũng cần phải được linh động với thời gian. Phái cấp tiến chủ trương diễn giải Hiến Pháp linh hoạt hơn cho kịp bước tiến và nhu cầu của xã hội văn minh mới.

    Hôm nay chúng ta tìm hiểu thêm về phán quyết này dưới khía cạnh chính trị và những chuyện ngoài lề khác.

    Kể từ khi TP Thomas được đề cử vào TCPV năm 1991 cho đến nay thì tất cả các ứng viên bảo thủ được đề cử vào TCPV đều bị phe DC hạch hỏi về ý định và các phán quyết trong tương lai đối với án lệ Roe v. Wade 1973. Án lệ này được coi như là câu hỏi “job interview” vào TCPV khiến người ta tự hỏi nền tảng của phán quyết này có cái gì không ổn hay sao mà lo ngại mãi. Khác với truyền thông và chính khách DC khăng khăng khẳng định đây là đạo luật vững vàng in rõ trong bản Hiến Pháp từ nửa thế kỷ nay, không chi có thể thay đổi được. Tôi lại trộm nghĩ, đảng cấp tiến này có tật giật mình như thể một cô gái lỡ dại, muốn giấu chuyện vụng trộm với cha mẹ nên ngày đêm cứ hỏi “Anh ơi, cái bụng em nó có to chưa?”.

    Vậy án lệ này sai ở chỗ nào mà các thành viên cấp tiến “ăn cơm thịt bò, nằm lo ngay ngáy”?

    Nền tảng của phán quyết năm 1973 dựa theo cảm tính của một số thẩm phán cấp tiến và cán cân nghiêng về phía liberal. Do áp lực mạnh từ các phong trào xã hội và cách diễn giải theo quan điểm cấp tiến,  Hiến Pháp Hoa Kỳ bị ép phải uyển chuyển chạy theo nhu cầu của xã hội cấp tiến hậu chính sách Great Society của TT Johnson. Năm 1992, trong phiên xử Planned Parenthood v. Casey, TCPV đã bác bỏ một phần quyết định trong án lệ Roe v. Wade vì cho rằng lập luận khung luật ấn định của 3 tháng thai kỳ (trimester framework) đã vi phạm Hiến Pháp, cần phải rút lại. TCPV năm 1973 đã đi quá xa quyền của ngành Tư Pháp khi tạo nên khung luật 3 tháng thai kỳ mà trước đây chưa có trong Hiến Pháp cũng như các Tu Chính Án. Nhiệm vụ của TCPV là giải thích Hiến Pháp và kiểm soát ngành Tư Pháp thi hành có đúng thủ tục hay không. Việc tạo khung luật mới thuộc về thẩm quyền của ngành Lập Pháp.

    Ngày 24/6/2022, TCPV một lần nữa ra phán quyết Dobbs v. Women’s Health Organization là vi hiến vì quyền phá thai không nằm trong truyền thống và lịch sử lâu đời của tổ quốc cũng như phá thai không được coi là quyền cần bảo vệ khi Thủ Tục Tố Tụng Pháp Lý được ban hành năm 1868 qua Tu Chính Án thứ 14 (the right to abortion was not "deeply rooted in this Nation's history or tradition" nor considered a right when the Due Process Clause was ratified in 1868). Đây là lý do tại sao cánh tả cấp tiến thù ghét những luật gia theo trường phái bảo thủ textualism và originalism vì họ giữ lập trường chính đáng trong việc bảo Hiến. Nghĩa là án lệ Roe v. Wade được xây dựng trái với quy định nền tảng tam quyền phân lập từ nửa thế kỷ nay.

    Tại sao một phán quyết quan trọng nhưng đầy nghi vấn lại được TCPV ban hành năm 1973 đã tồn tại trải qua nhiều đời tổng thống và thẩm phán với nhiều quan điểm khác nhau?

   Việc gián tiếp thu hồi phán quyết Roe v. Wade cũ xảy ra đúng lúc và đúng người. TP Blackmun là tác giả của quyết định nhóm đa số ủng hộ cho việc phá thai trong án lệnh Roe v. Wade với khung luật trimester framework. Tuy được TT Nixon đề cử nhưng ông ta không phải là người đầu tiên được TT Nixon chọn. Nixon gặp nhiều trở ngại trong việc bổ nhiệm thẩm phán thay thế ghế của TP Abe Fortas. Hai người được đề cử trước TP Blackmun bị Thượng viện bác. TT Nixon buộc phải chọn TP Blackmun tuy là người CH nhưng có lập trường cấp tiến. Tuy Roe v. Wade trở thành án lệ nhưng những tranh cãi về việc phá thai vẫn tiếp tục xảy ra:

    - 1/7/1976 Planned Parenthood v. Danforth: TCPV bác bỏ luật của Missouri đòi phụ nữ có chồng phải hỏi ý ông ta trong quyết định phá thai. Vụ này chỉ nhấn mạnh vấn đề riêng tư về sức khỏe (privacy on healthcare).

    - 30/6/1980: Harris v. McRae: TCPV buộc tất cả phải tôn trọng đạo luật Hyde Amendment, cấm dùng tiền chính phủ trong việc phá thai.

    - 3/7/1989 Webster v. Reproductive Health Services: TCPV cấm không được dùng các cỡ sở chính phủ cho các hoạt động phá thai. Bác sĩ phải thử nghiệm khả năng sống sót của thai nhi ở mức 24 tuần.

    - 25/6/1990 Hodgson v. Minnesota: TCPV bác điều kiện trẻ vị thành niên cần có sự đồng ý của cha mẹ khi đi phá thai. 

    Nhìn chung thì các tranh cãi trước Planned Parenthood v. Casey 1992 chỉ xoay quanh vấn đề privacy và ngân khoản đài thọ cho việc phá thai. Tại Hoa Kỳ các vấn đề liên quan đến tính riêng tư và biệt lập được tôn trọng tối đa cho nên Roe v. Wade vẫn còn tồn tại. Cho đến nhiều năm gần đây, các nhà Lập Pháp DC tạo ra các đạo luật điên cuồng trong đó có luật phá thai vô giới hạn phá vỡ luân thường đạo lý Hoa Kỳ khiến người dân không thể chịu được. Ông Trump là kết quả của những chính sách điên rồ của đảng DC. Ông ta có tầm nhìn xa và cho rằng Toà Bảo Hiến là nơi cần bảo vệ nếu còn muốn giữ lại những giá trị của nền cộng hòa lâu dài cho đất nước. Ngành Lập Pháp đã phân cực quá sâu đậm, các chính khách chỉ còn đặt quyền lợi cá nhân và đảng phái trên quyền lợi chung của quốc gia. Nhờ sự liều lĩnh có tính toán của TNS McConnell, TT Trump đã thành công trong việc đề cử những thẩm phán cần thiết trong công việc bảo vệ Hiến Pháp và các giá trị bảo thủ quan trọng.

    Ngược lại, phán quyết Roe v. Wade cũng là kết quả của những mưu tính đúng lúc và đúng người của khối cấp tiến trong trào lưu cải cách văn hoá, bình quyền trên màu da và giới tính và đẩy mạnh cuộc cách mạng dục tính, điển hình là mùa hè thác loạn tại Woodstock, NY tháng 8/1969. Tháng 6/1969, cô Norma McCorvey 21 tuổi, có thai đứa con thứ ba ngoài giá thú. Tưởng cũng nên nhắc lại hai đứa con gái trước do hai người cha khác đã được cô này cho người khác nuôi. Không phải là tình cờ cô Roe-Norma McCorvey nghèo, trẻ tuổi và ít học được nhóm luật sư cấp tiến đại diện cho mình trong vụ kiện vĩ đại, nhiêu khê, tốn kém cho những thủ tục kháng án, mà chưa chắc đơn kháng án được thụ lý. Theo bà McCorvey kể lại sau này thì bà ta không hề có mặt tham dự tại toà ngày nào, mọi thủ tục được hai luật sư Weddington và Coffee đơn phương dàn xếp, nghĩa là nhóm luật sư cấp tiến chỉ cần mượn tên của một người cho đúng thủ tục pháp lý còn thì họ chủ động sắp xếp cho hợp với đường hướng chính trị (political narrative) đã vạch sẵn.

    Hai luật sư Sarah Weddington và Linda Coffee vừa mới ra trường, có bằng hành nghề khoảng 2 năm trước khi gặp cô McCorvey năm 1969. Họ là những luật sư cấp tiến trẻ hoạt động mạnh trong lãnh vực tranh đấu cho nữ quyền và những mục tiêu chính trị cấp tiến thời đó. Sau khi thành công vụ kiện Roe v. Wade, bà Weddington trở nên nổi tiếng và trở thành dân biểu tiểu bang TX địa hạt 37 từ 1973-1977. Bà được TT Carter chọn vào nội các của chính phủ 1979-1981. Bà Coffee có một đời sống luật gia bình thường sau vụ kiện này. 

    Luật sư Weddington trong một cuộc phỏng vấn năm 1992 đã cho hay bà có thai năm thứ ba của trường luật năm 1967 và bà đã bí mật đi phá thai trái phép tại Mễ Tây Cơ. Tháng 11/ 2021 TCPV đồng ý thụ lý vụ Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization để có một quyết định chung rằng 24 tuần có phải là mốc quyết định trong Hiến Pháp cho việc phá thai toàn quốc. Bà đã nhìn thấy những viên gạch cuối cùng giúp lý luận phá thai Roe v. Wade trở nên hợp Hiến do công sáng tạo của mình bị tháo gỡ từ từ. Có lẽ bà không chịu nổi được khi thấy sự thật, bà qua đời một tháng sau đó.

    Hai luật sư Weddington và Coffee đã chuẩn bị rất kỹ trong việc chọn người đâm đơn và tiên đoán trước Dallas sẽ là nơi họ sẽ thắng vì hội đồng thẩm phán này thiên về cấp tiến. Họ đã thành công trong việc thuyết phục được 3 chánh án địa hạt Dallas vì luật sư Coffee từng là phụ tá (law clerk) cho một trong ba thẩm phán là bà Sarah Hughes trước đó vài năm.

    Sau khi thành công ở các toà kháng án ở dưới, cuối cùng vụ kiện Roe v. Wade lên đến TCPV. Tại đây trong lần cãi lý (oral argument) thứ nhất, hai bà luật sư trẻ và đẹp đã đánh bại biện lý địa hạt Dallas là ông Jay Floyd vì may mắn bất ngờ. Ông Floyd không biết mắc chứng gì lại mở màn cãi lý quan trọng nhất trong đời trước mặt các thẩm phán của Toà Bảo Hiến bằng câu nói đùa ngớ ngẩn: "Mr. Chief Justice and may it please the Court. It's an old joke, but when a man argues against two beautiful ladies like this, they are going to have the last word”. Số phận của Roe v. Wade đã được an bài từ đây! Năm 1972, bản ký chú giữa các thẩm phán với nhau về quyết định chung cho vụ Roe v. Wade được viết bởi TP Douglas đã bị rò rỉ cho báo Washington Post trước khi có phán quyết chung một năm sau đó. Trước vụ rỉ tin năm nay thì từ 1852 các nhân viên của TCPV cũng đã để lộ tin ra ngoài rất nhiều lần trong nhiều vụ kiện quan trọng như Dred Scott v. Sanford, Roe v. Wade, Bush v. Gore…

    Chín vị thẩm phán thời đó gồm: Chánh thẩm phán Warren E. Burger, William O. Douglas, William J. Brennen Jr., Potter Stewart, Thurgood Marshall, Lewis F. Powell Jr., Harry Blackmun, Byron White và William Rehnquist. Bảy vị đầu tiên chuẩn thuận phá thai hợp Hiến, hai vị sau cùng bất đồng. TT Nixon đề cử Chánh TP Burger, TP Blackmun, Powell Jr., và Rehnquist. TT Eisenhower đề cử TP Brennan, Stewart, TT Roosevelt đề cử TP Douglas. TT Kennedy đề cử TP White, sau cùng TP Marshall được đề cử bởi TT Johnson.

    Mặc dù đảng DC không ngớt ca tụng và tung hô TT Johnson là người đề cử TP Marshall là người da đen đầu tiên vào TCPV, sự thật không phải vậy. TP Marshall được Thượng viện phê chuẩn tỉ số là 69/11, trong lúc DC chiếm áp đảo với số ghế là 64. CH chiếm 36 ghế. Có 37 TNS DC đồng ý, 10 chống, 17 không bỏ phiếu, nghĩa là chỉ có 37/64 DC thuận (58%), trong khi 32/36 CH thuận (89%). Thời điểm này việc bổ nhiệm nhân sự cần sự chuẩn thuận của 60 TNS, Dân Chủ chiếm 64 ghế nhưng chỉ 58% TNS trong tổng số 64 TNS DC ủng hộ cho việc thẩm phán da đen đầu tiên được danh dự vào TCPV. Mặc dù vậy, TP Marshall theo DC và ông ủng hộ mạnh việc diễn giải luật theo phái cấp tiến (progressive liberal).

    Thẩm phán Douglas là người giữ nhiều kỷ lục: tại vị lâu nhất ở TCPV 36 năm 209 ngày, là thẩm phán ly dị vợ nhiều nhất, có nhiều tai tiếng nhất và là thẩm phán cấp tiến nhất trong lịch sử TCPV theo tờ Time 24/11/1975. TP Douglas là người thâm niên nhất cho nên tiếng nói của ông có nhiều ảnh hưởng tại TCPV thời gian này. TP Douglas đến VN năm 1952 và đã gặp già Hồ, sau đó trở thành thân hữu của TT Diệm. Sau khi TT Diệm bị ám sát, TP Douglas trở thành người chống lại việc Hoa Kỳ dùng biện pháp quân sự tại VN và lên án gay gắt mỗi khi cần TCPV giải quyết. TP Douglas bị cả hai thành viên DC và CH đòi đàn hặc hai lần khác nhau vào năm 1953 do DB Wheeler (DC) và 1970 do lãnh tụ khối thiểu số Gerald Ford chủ xướng. Có lẽ vì lý do này mà khối DC và TCPV đã khá mạnh tay đàn hặc trả đũa lại TT Nixon mấy năm sau.

    Thay cho lời kết xin được mượn lời viết bất đồng của TP Antonin Scalia trong phán quyết Planned Parenthood v. Casey 1992:

    “The States may, if they wish, permit abortion on demand, but the Constitution does not require them to do so. The permissibility of abortion, and the limitations upon it, are to be resolved like most important questions in our democracy: by citizens trying to persuade one another and then voting.”

    Phán quyết Roe v. Wade 1973 do TCPV tạo nên dưới nền tảng sai lệch Hiến Pháp; vì thế TCPV của năm 2022 có quyền rút lại. Roe v. Wade không phải là một “super stare decisis” để được duy trì, và Hiến Pháp cũng không cho phép TCPV có quyền viết thêm Tu Chính Án mới. Quậy phá than khóc ích gì!


Freedom Fighter

4/7/2022

 

 2025-01-21  Kết thúc của chấn động và kinh ngạc: Bộ Tư pháp đã đưa ra lập luận như thế nào về lệnh ân xá J6 (Jonathan Turley, 21/1/2025) Và...