2022-11-03
Chính sách tuyển sinh đại học phân biệt chủng tộc vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại Tối cao Pháp viện
Hôm 31/10, đa phần các thẩm phán Tối cao Pháp viện dường như chấp nhận lập luận của một nhóm sinh viên rằng các chính sách tuyển sinh phân biệt chủng tộc tại các trường đại học Hoa Kỳ là vi hiến và phải bị bãi bỏ.
Chính phủ Tổng thống Biden đã phản đối rằng những chính sách như vậy nên được phép tiếp tục vô thời hạn vì chúng thúc đẩy sự đa dạng, điều mà họ tuyên bố có lợi cho đất nước này.
Mặc dù các nhà hoạt động cánh tả chẳng hạn như những người ủng hộ thuyết chủng tộc trọng yếu có nguồn gốc từ chủ nghĩa Marx cho rằng các chính sách có ý thức về chủng tộc là điều cần thiết để xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống mà họ cho rằng đó là một khoảng thời gian đen tối đối với hầu hết người Mỹ, nhưng các nhà phê bình cho rằng việc sử dụng yếu tố chủng tộc trong quá trình tuyển sinh đại học vừa lạc hậu vừa sai lầm.
Việc sử dụng các tiêu chí dựa trên chủng tộc của các cơ sở giáo dục đại học trong quá trình tuyển sinh là không được tán thành. Các cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew và Gallup cho thấy gần 75% người Mỹ thuộc mọi chủng tộc “không tin rằng chủng tộc hoặc sắc tộc phải là một yếu tố trong việc tuyển sinh đại học.”
Các nhà phê bình trích dẫn lời của Thẩm phán Tối cao Pháp viện đương thời Sandra Day O’Connor, người tin rằng chính sách này là một tội ác tạm thời cần thiết mà cuối cùng sẽ phải chấm dứt.
Bà đã viết trong vụ Grutter kiện Bollinger (năm 2003), “Chúng tôi hy vọng rằng 25 năm sau kể từ bây giờ, việc sử dụng các ưu tiên về chủng tộc sẽ không còn cần thiết để thúc đẩy quyền lợi được chấp thuận hiện nay.”
Bà O’Connor viết rằng việc đưa ra các quyết định tuyển sinh tập trung vào chủng tộc là “nguy hiểm,” gọi đó là “lệch khỏi tiêu chuẩn đối xử bình đẳng.” Các chương trình như vậy phải “có giới hạn về thời gian,” bà nói, và cho biết thêm, “toàn bộ việc chính phủ sử dụng chủng tộc phải có một điểm kết thúc hợp lý.”
Thẩm phán Ketanji Brown Jackson đã cáo tỵ khỏi vụ kiện Harvard này vì bà có mối liên hệ mật thiết với trường đại học này. Thẩm phán Elena Kagan đã không cáo tỵ mặc dù từ năm 2003 đến năm 2009, bà là chủ nhiệm khoa của Trường Luật Harvard.
Hai phiên điều trần liên tiếp diễn ra trong gần 5 giờ đồng hồ đã giải quyết hai vụ kiện, Sinh viên vì Tuyển sinh Công bằng (SFFA) kiện Chủ tịch và các Thành viên của Đại học Harvard, hồ sơ tòa án số 20-1199 và vụ SFFA kiện Đại học North Carolina (UNC), hồ sơ tòa án số 21-707. Hai trường Harvard và UNC lần lượt là trường đại học tư thục lâu đời nhất và trường đại học công lập lâu đời nhất ở Hoa Kỳ.
Luật sư Patrick Strawbridge của SFFA nói với các thẩm phán rằng “việc phân loại về chủng tộc là sai lầm.”
“Nguyên tắc đó đã được khắc ghi vào luật pháp của chúng ta sau cuộc Nội Chiến với cái giá phải trả quá đắt,” ông nói. “Một thế kỷ chống lại thái độ trung lập về chủng tộc đã theo sau, nhưng phán quyết mang tính bước ngoặt của tòa án này trong vụ kiện Brown đã dứt khoát và kiên quyết bác bỏ quan điểm rằng việc phân loại về chủng tộc có bất kỳ vai trò nào trong việc cung cấp các cơ hội giáo dục.”
Ông Strawbridge đang đề cập đến vụ Brown kiện Hội đồng Giáo dục, phán quyết mang tính bước ngoặt năm 1954. Trong vụ kiện đó, Pháp viện đã tuyên bố rằng các luật tiểu bang quy định sự phân loại về chủng tộc trong các trường công lập là vi hiến.
Luật sư này cho biết, kể từ vụ kiện Brown này, Pháp viện đã “thực thi rộng rãi” lệnh cấm của Hiến pháp về phân loại chủng tộc.
“Bất kể nhân tố nào được sử dụng để chính phủ lựa chọn ra các bồi thẩm viên, quý vị có thể kết hôn với ai, hay để [xem xét] con em chúng ta có thể nhập học trường tiểu học nào, thì màu da không phải là một trong số đó.”
Tuy nhiên, theo ông Strawbridge, phán quyết trong vụ kiện Grutter, vốn ủng hộ những phân loại như vậy trong tuyển sinh đại học, “là một ngoại lệ điển hình đối với quy tắc này” và cần được lật ngược vì đó là “sai lầm nghiêm trọng.”
Nhân danh sự đa dạng, điều đó biện minh cho phân loại chủng tộc, vốn mâu thuẫn với “sự bảo đảm đối xử bình đẳng của Tu chính án thứ Mười Bốn” và dựa trên “những giả định khuôn sáo rằng chủng tộc nhất thiết phải là đại diện cho quan điểm của một người.”
Ông Strawbridge cho biết, phán quyết của vụ kiện Grutter khuyến khích các ứng viên đại học “che giấu chủng tộc của họ” và làm tổn thương các sinh viên trúng tuyển vì mọi người cho rằng “chủng tộc đóng vai trò trong việc họ được nhận vào trường.”
Thẩm phán Jackson đã phản đối ông Strawbridge, hạ thấp vai trò của chủng tộc trong việc tuyển sinh vào Đại học North Carolina.
“Khi quý vị cho biết chủng tộc của quý vị là gì, quý vị sẽ không nhận được bất kỳ điểm đặc biệt nào,” bà nói. “Chủng tộc được đối xử như các yếu tố khác trong hệ thống giáo dục. Không ai tự động tham gia bởi vì yếu tố chủng tộc đang được sử dụng.”
Ông Strawbridge đã trả lời rằng một số ứng viên đang bị tổn thương vì “Đại học North Carolina dành ưu tiên về yếu tố chủng tộc cho người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, và người thuộc thổ dân Mỹ Châu. Trường đại học này không … ưu tiên về chủng tộc cho các ứng viên da trắng và cho các ứng viên gốc Á Châu.”
Chánh án John Roberts cho biết người Mỹ gốc Á “là những người bị phân biệt đối xử.”
Bà Kagan cho rằng việc loại bỏ các tiêu chí chủng tộc sẽ không công bằng đối với “những người đã bị xã hội của chúng ta bài xích trong nhiều thế kỷ.”
Tổng Biện lý Sự vụ North Carolina, ông Ryan Park, đã nói với những thẩm phán này rằng các chính sách có chủ ý phân biệt chủng tộc của Đại học North Carolina tìm cách “thực hiện tầm nhìn trong vụ kiện Brown bằng cách tập hợp một nhóm sinh viên đa dạng … bao gồm chủng tộc, nhưng cũng gồm có tầng lớp xã hội, địa lý, tình trạng quân sự, quan điểm trí tuệ, và nhiều hơn nữa.”
Ông Park nói, “Môi trường học tập này giúp chúng tôi tìm kiếm sự thật, xây dựng các mối liên kết giữa các sinh viên thuộc các thành phần khác nhau, và quan trọng là ở đây, trang bị cho sinh viên những công cụ cần thiết để hoạt động hiệu quả với tư cách là các công dân và các nhà lãnh đạo trong xã hội phức tạp và ngày càng đa dạng của chúng ta.”
Ông Clarence Thomas, một thẩm phán hoài nghi, nói với ông Park, “Tôi đã nghe từ ngữ ‘đa dạng’ này khá nhiều lần, và tôi không biết từ ngữ này có nghĩa là gì. Dường như có nghĩa là mọi thứ cho tất cả mọi người.”
Thẩm phán Amy Coney Barrett cho biết vụ án Grutter có nghĩa là “việc phân loại về chủng tộc có khả năng nguy hiểm đến mức” chúng phải có “điểm kết thúc hợp lý … các giới hạn về khoảng thời gian hợp lý, [cũng như] các điều khoản về thời điểm chấm dứt việc này.”
Bà hỏi, “Vậy thì khi nào việc này kết thúc?”
Biện lý Cameron T. Norris của SFFA cho biết Harvard đang phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á Châu giống như cách mà trường này đã phân biệt đối xử với người Do Thái hồi những năm 1920.
Ông Norris nói, đây là “điều đáng hổ thẹn nhưng đó là kết quả có thể dự đoán được khi cho phép các trường đại học sử dụng chủng tộc trong quá trình rất mang tính chủ quan này.”
Ông nói: “Đối với những ứng viên có tính cạnh tranh, việc chọn đúng ô chủng tộc là điều quan trọng trên thang điểm tuyển sinh, có giá trị ngang với những thành tích vô cùng hiếm gặp như một giải vô địch quốc gia.”
“Pháp viện nên thừa nhận rằng họ đã sai về vụ Harvard, sai về vụ Grutter, và sai về việc để lý thuyết độc hại của sự phân loại theo chủng tộc thấm ngược vào nền giáo dục.”
Ông David G. Hinojosa, một luật sư đứng về phía những sinh viên ủng hộ các tiêu chí tuyển sinh theo chủng tộc, cho biết tòa án này “phải giữ vững cam kết bảo đảm bình đẳng chủng tộc và cơ hội bình đẳng” bằng cách khẳng định rằng án lệ hiện có sẽ giúp xây dựng “một nền dân chủ thực sự.”
Tổng Biện lý Sự vụ Hoa Kỳ Elizabeth Prelogar nói với những thẩm phán này rằng “trường học đa dạng sinh viên là một quyền lợi hấp dẫn có thể biện minh cho việc cân nhắc hạn chế về chủng tộc trong tuyển sinh đại học.”
“Khi sinh viên thuộc mọi chủng tộc và hoàn cảnh đến đại học, sống và học tập cùng nhau, họ sẽ trở thành những đồng sự tốt hơn, những công dân tốt hơn, và những nhà lãnh đạo tốt hơn,” bà nói, và cho biết thêm rằng nguyên tắc tương tự cũng “là một đòi hỏi an ninh quốc gia trọng yếu.”
“Các lực lượng vũ trang của chúng ta biết từ kinh nghiệm thực tế rằng khi chúng ta không có một quân đoàn sĩ quan đa dạng phản ánh rộng rãi lực lượng chiến đấu đa dạng, sức mạnh và sự gắn kết của chúng ta và sự sẵn sàng của quân đội sẽ bị ảnh hưởng.”
“Việc lật ngược vụ kiện Grutter sẽ có các tác động tàn khốc đối với nỗ lực của quốc gia chúng ta nhằm tiến gần hơn đến một liên minh hoàn hảo hơn, nơi sự đa dạng của quốc gia chúng ta là một nguồn sức mạnh lớn nhất của đất nước. Và tôi nghĩ rằng Pháp viện không nên thực hiện bước gây mất ổn định do lật ngược án lệ này.”
Ông Norris cho biết Harvard “không đa dạng chút nào.”
Ngoài các số liệu thống kê về chủng tộc, “9% sinh viên năm nhất nhập học tại Harvard là những người theo phái bảo tồn truyền thống. 82% sinh viên Harvard là giàu có. Trong khuôn viên trường này, cứ 23 sinh viên nhà giàu thì mới có một sinh viên đến từ gia đình có thu nhập thấp.”
Ông Norris nói, “quyền lợi hấp dẫn” được đề cập trong vụ kiện Grutter không phải là điều thực sự đang được theo đuổi trong khuôn viên trường Harvard.
Thẩm phán Neil Gorsuch đã phản đối luật sư Harvard Seth Waxman, người bảo vệ các chính sách của trường này.
Có nhiều đơn được đệ trình lên Pháp viện cho biết các ứng viên người Mỹ gốc Á Châu báo cáo rằng “có cả một ngành công nghiệp giúp họ ít thể hiện tính Á Châu hơn trong các đơn ứng tuyển đại học của họ.”
Ông Waxman đã trả lời rằng người Mỹ gốc Á Châu được hưởng lợi từ “một chính sách tuyển sinh toàn thể vốn xem chủng tộc là một trong nhiều các yếu tố khác.”
Ông Waxman nói rằng đối với một số ứng viên, chủng tộc “có thể là yếu tố quyết định, cũng giống như việc là … một người chơi kèn oboe trong một năm học mà dàn nhạc Harvard–Radcliffe cần một người chơi kèn oboe sẽ là thông tin hữu ích.”
Chánh án Roberts đáp lại: “Chúng ta đã không chiến đấu trong một cuộc nội chiến về vấn đề những người chơi kèn oboe. Mà chúng ta đã chiến đấu trong một cuộc nội chiến để xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc, và đó là lý do tại sao đó là một vấn đề … đáng quan tâm.”